Quốc tế

Đối trọng mới của Mỹ và EU

Khả Hân 12/10/2023 11:00

Trật tự thế giới đang thay đổi, các cường quốc vừa đang muốn tách rời nhau lại vừa muốn tìm cách gia tăng sức ảnh hưởng của mình tại nhiều nơi. Giữa lúc này, một trong những khối quốc gia có tiềm lực mạnh nhất cũng đang muốn thay đổi cán cân quyền lực.

Mở rộng sức ảnh hưởng

Cuối tháng 9 vừa qua, giới chức nhà nước Iran cho biết sau khi gia nhập khối BRICS (hiện gồm các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), nước này có thể thay thế hệ thống thanh toán SWIFT bằng hệ thống thanh toán điện tử BRICS Pay. Với 30% số giao dịch của Iran đang được thực hiện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, nước này từ trước đến nay vẫn đánh giá cao tầm quan trọng của việc kích hoạt hệ thống thanh toán BRICS Pay.

bric-1692413624424.jpg

Không chỉ vậy, các quốc gia ngoài BRICS cũng có thể sử dụng hệ thống thanh toán liên ngân hàng này. BRICS Pay là hệ thống thanh toán số, được các nước thành viên BRICS xây dựng để giảm chi phí và thủ tục phức tạp của thanh toán quốc tế. Hệ thống này cho phép doanh nghiệp và người tiêu dùng thực hiện giao dịch bằng đồng nội tệ một cách an toàn và hiệu quả.

Từ Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên tổ chức vào năm 2009 tại Nga chỉ gồm 4 quốc gia là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, tiếp đó đến năm 2010 kết nạp thêm Nam Phi, cho đến nay số lượng thành viên của BRICS vẫn ổn định ở con số 5. Tuy nhiên, gần đây khối này đang nỗ lực kếp nạp thêm thành viên và gia tăng sức ảnh hưởng, trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang đứng trước những thay đổi sâu sắc.

Cụ thể, tại hội nghị gần nhất vào tháng 8 vừa qua, các nước BRICS đã nhất trí kết nạp thêm 6 thành viên mới vào khối từ đầu năm 2024, ngoài Iran còn có Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Quá trình mở rộng này sẽ giúp BRICS có thêm các thành viên “nặng ký”, gồm nước có ngân sách dồi dào, nhà xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt và quốc gia có dân số đang bùng nổ với vị trí chiến lược quan trọng.

Đây chỉ là lần thứ hai trong lịch sử BRICS có ý định mở rộng, sau lần bổ sung thêm Nam Phi và sau đó là ra mắt Ngân hàng Phát triển vào năm 2015. Đáng chú ý, theo chia sẻ từ lãnh đạo của khối này, hiện có 40 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, trong đó 23 quốc gia chính thức nộp đơn đăng ký, cho thấy tầm ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng lớn của BRICS. Trong số này có thể kể đến các nước như Bahrain, Bangladesh, Belarus, Algeria, Indonesia, Kazakhstan, Cuba, Ai Cập, Nigeria, Senegal, Thái Lan, Tunisia, Uruguay, Venezuela...

Động thái mở rộng của BRICS diễn ra trong lúc căng thẳng giữa Nga - một thành viên chủ chốt của khối này, với các nước phương Tây gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang leo thang, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine kéo dài cho đến nay. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga cũng đang xích lại gần nhau hơn, khi cả Trung Quốc và Mỹ cũng đang có những bất đồng và tách rời nhau trong những năm gần đây.

Chính vì vậy, có cơ sở để tin rằng nhóm BRICS không chỉ muốn hạn chế sự tác động từ những đòn trừng phạt của các nước phương Tây nhắm vào Nga hay Trung Quốc, mà còn muốn mở rộng sức ảnh hưởng và trở thành một khối đối trọng với các nước phương Tây. Như Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khi bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng BRICS đã nói rằng, một cơ quan lớn hơn sẽ “đại diện cho một nhóm quốc gia đa dạng” với “mong muốn chung là có một trật tự toàn cầu cân bằng hơn” trong một thế giới “ngày càng phức tạp và rạn nứt”.

Đối trọng với G7?

Hiện tại, 5 thành viên của BRICS đã chiếm 40% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu, được dự báo sẽ đạt 50% vào năm 2030. Các quốc gia thành viên của BRICS chiếm 18% thương mại toàn cầu và sở hữu 22% đầu tư nước ngoài trên quy mô thế giới. Khoảng 27% diện tích đất trên thế giới cũng thuộc sở hữu của các quốc gia này. Còn theo dự báo của Goldman Sachs, nếu không có gì xảy ra ngoài dự tính của họ, 50 năm nữa các nước BRIC sẽ là những thế lực kinh tế rất lớn của thế giới.

Chỉ trong vòng 40 năm, kể từ lúc Goldman Sachs công bố nghiên cứu của mình năm 2003, quy mô kinh tế của các nước BRIC đều sẽ vượt qua các nước G6 gồm Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Pháp. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2032, còn của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2041. Năm 2003, tổng GDP tính bằng đô la Mỹ của BRICS bằng 15% tổng GDP của G6. Nhưng đến năm 2040 thì sẽ trở nên ngang bằng và đến năm 2050 sẽ lớn gấp rưỡi. Năm 2050, 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil và Nga.

Ngoài gia tăng sức đối trọng ở lĩnh vực chính trị, kinh tế và thương mại với các nước phương Tây, giới phân tích cũng cho rằng vị thế đồng đô la của Mỹ cũng đối mặt với thách thức trước sự trỗi dậy của khối BRICS. Việc mở rộng quy mô của khối với các thành viên mới như “đại gia” dầu mỏ Ả Rập Saudi và UAE có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng một loại tiền tệ chung mới ở phần lớn thế giới. Khi ấy, BRICS vừa là người tiêu dùng vừa là nhà sản xuất các nguồn năng lượng chính, cũng có thể là nhân tố quyết định trong lĩnh vực năng lượng.

Thực tế, các lãnh đạo của nhóm này cũng đã ám chỉ đến một đồng tiền chung trong tương lai. Như Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva từng tuyên bố ủng hộ một đồng tiền chung cho thương mại trong khối Nam Mỹ và giữa các quốc gia BRICS. Còn Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết, Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của khối sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế đối với các loại tiền tệ được giao dịch quốc tế hiện tại, ám chỉ đồng USD. Cũng theo bà Pandor, một số quốc gia ngoài BRICS cũng đang tỏ ra muốn giảm phụ thuộc vào USD.

Ở chiều ngược lại, Mỹ xem ý tưởng về đồng tiền chung của BRICS là một giấc mơ viển vông. Paul O'Neill - cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ gần đây đã nói rằng ý tưởng thay thế đồng USD là điều không tưởng. Bởi lẽ, khoảng 90% giao dịch quốc tế được thực hiện bằng USD, đồng USD chiếm khoảng 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Dù vậy, nhìn vào những đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ nhắm vào một số quốc gia phụ thuộc vào đồng USD trong những năm qua, gần nhất là nước Nga, có lẽ nhiều nước cũng đang muốn có thêm những đồng tiền quốc tế dự trữ mới.

Đáng lưu ý, việc khối BRICS kết nạp thêm các nước vốn công khai đối kháng với phương Tây, như Iran, có thể khiến BRICS tiến xa hơn trở thành một tổ chức chống lại phương Tây, từ đó có thể đối mặt với các nguy cơ địa chính trị rõ ràng hơn trong nỗ lực tái cân bằng sức mạnh toàn cầu. Dù vậy, các thành viên trong khối BRICS chắc chắn đang hướng đến việc có nhiều tiếng nói hơn trong hệ thống quốc tế hiện nay mà họ xem là đang có lợi cho phương Tây và nhóm G7.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đối trọng mới của Mỹ và EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO