![]() |
Giới chức quốc phòng thuộc 35 nước châu Á - Thái Bình Dương đã tề tựu về Singapore vào ngày 3/6 để tham gia cuộc Đối thoại Shangri-La, một hội nghị an ninh thường niên của khu vực, với chủ đề “Đối phó với những thách thức mới về an ninh biển”. Quan hệ Mỹ - Trung - Đông Nam Á và tình hình căng thẳng tại biển Đông là chủ đề nổi bật.
Trung Quốc đã gây lo ngại
![]() |
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates |
Được bắt đầu từ năm 2002 và tổ chức hằng năm, Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies -IISS), trụ sở chính tại London chủ trì.
Đối thoại Shangri-La tuy là sự kiện không chính thống nhưng có tầm quan trọng lớn vì là cơ hội cho các bộ trưởng quốc phòng các quốc gia trong khu vực gặp gỡ và trao đổi ý kiến; và các phát biểu tại diễn đàn luôn được trích dẫn rộng rãi như quan điểm của các nước.
Trong diễn đàn năm nay, quan hệ Mỹ - Trung - Đông Nam Á và tình hình căng thẳng tại biển Đông là chủ đề nổi bật.
Bởi vì, ngay tại thời điểm diễn ra Diễn đàn, dư luận khu vực đang vô cùng bức xúc trước các vụ Trung Quốc (TQ) vi phạm chủ quyền của của các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã có nhiều hành động phản đối mạnh mẽ việc tàu hải giám của TQ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam và cắt cáp quang tàu Bình Minh 02 của Việt Nam vào ngày 26/5.
Cũng với trường hợp tương tự, ngày 2/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuyên bố Manila sẽ đệ trình thư lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) để phản đối việc hàng loạt tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển của mình từ tháng 2/2011.
Tổng thống Aquino III đã cảnh báo Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt trong chuyến viếng thăm Philippines gần đây của ông này là mọi hành động gây hấn của Bắc Kinh trong các vùng biển tranh chấp trên biển Đông có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Các bên đều khẳng định TQ đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC 2002) mà ASEAN đã ký với TQ.
Phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Malaysia, Việt Nam, Philippines đều nhấn mạnh các quốc gia tranh chấp chủ quyền trên biển Đông cần tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) và cần giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại. DOC đã giúp giảm căng thẳng trên biển Đông nhưng DOC cần được hỗ trợ bằng các biện pháp xây dựng lòng tin.
Mỹ trấn an các đồng minh
Mỹ đã cử Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tham dự diễn đàn với hai mục tiêu: Cảnh báo Bắc Kinh và trấn an các nước đồng minh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo về thái độ khiêu khích của TQ và cho rằng “nếu không có một cơ chế giải quyết xung khắc ôn hòa thì sẽ khó tránh khỏi một cuộc xung đột võ trang”, đồng thời kêu gọi các nước áp dụng cơ chế đa phương để giải quyết xung đột.
Chính quyền Mỹ đang chuyển hướng chiến lược châu Á và chú ý nhiều hơn đến khu vực Đông Nam Á, sau khi thấy rằng vùng này càng trở nên quan trọng về mặt quân sự, ngoại giao và thương mại.
Bộ trưởng Robert Gates khẳng định, việc Bắc Kinh hiện đại hóa quân sự với tốc độ nhanh và tăng cường mua vũ khí là một mối quan ngại đối với Washington và các nước láng giềng của TQ.
“Người TQ không có ý định cạnh tranh với Mỹ về khả năng quốc phòng, nhưng tôi nghĩ họ có ý định phát triển năng lực quốc phòng để tự do hành động ở châu Á và để mở rộng ảnh hưởng” - AFP dẫn nhận định của Bộ trưởng Gates.
Ông Gates cũng lưu ý TQ cần học bài học của Liên Xô khi đầu tư quá lớn vào quân sự dẫn đến thiệt hại về kinh tế.
Nhà trắng dự kiến tăng ngân sách quốc phòng cho năm 2012 lên 671 tỷ USD. Trong khi đó, TQ tăng ngân sách quốc phòng lên 12,7% trong năm nay, lên con số 92,8 tỷ USD. |
Theo AP, mặc dù sức mạnh quân sự của TQ hiện vẫn còn thua xa so với Mỹ nhiều thập niên, song khả năng phát triển sức mạnh không quân, hải quân và tên lửa của nước này có thể thách thức Mỹ ở Thái Bình Dương, nhất là khả năng bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng cùng các đồng minh Nhật, Hàn.
Bắc Kinh đang phát triển máy bay chiến đấu J-20 để thách thức Mỹ trên biển Đông.
Tên lửa được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” DF 21D của TQ được thiết kế để phóng từ đất liền với độ chính xác đủ để bắn trúng tàu sân bay đang di chuyển từ khoảng cách hơn 1.500km.
Các chiến đấu cơ của hải quân Mỹ hiện chỉ có thể hoạt động với tầm xa 900km, khiến tàu sân bay dễ nằm trong tầm ngắm của tên lửa TQ... Động thái quân sự của Bắc Kinh đã khiến Mỹ có các tiếp cận mới tại vùng Đông Nam Á.
Nhìn chung, đó sẽ là việc gia tăng quan hệ quân sự của Mỹ với khu vực để làm phương tiện chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của TQ; tăng cường quan hệ quân sự cũng như quan hệ toàn diện với các nước Singapore, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Úc, cũng như với các đồng minh truyền thống là Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các nước đồng minh của Washington, một mặt lo ngại TQ gia tăng sức mạnh quân sự, mặt khác cảm thấy bất an vì không biết Mỹ, do thiếu hụt ngân sách, có giảm bớt ngân sách quốc phòng hay không.
Để trấn an các đồng minh, ông Robert Gates cam kết Mỹ sẽ đưa thêm vũ khí mới vào châu Á từ tàu chiến đến phi cơ tàng hình và phương tiện chiến tranh tin học và trong 5 năm tới đây, sự hiện diện của Mỹ tại Á châu từ bắc Á đến Ấn Độ Dương sẽ hùng hậu hơn hiện nay.
Trong bài phát biểu, Gates nhấn mạnh chiến lược mới tại Thái Bình Dương thông qua việc thành lập liên minh Air Force - Navy nhằm đảm bảo sức mạnh của Mỹ tại khu vực, hỗ trợ các nước đồng minh thậm chí ngay cả trong trường hợp các căn cứ của Mỹ tại Thái Bình Dương có thể nằm trong tầm đe dọa của tên lửa TQ.
Mỹ sẽ chia sẻ các căn cứ quân sự trong vùng Ấn Độ Dương với hải quân Úc và đưa thêm chiến hạm cao tốc tới Singapore.