Vẫn có một lễ hội mừng lúa mới ở Kon Đao-Yốp

PHI EM| 28/11/2009 00:05

Mặc dù vừa phải trải qua trận lũ kinh hoàng do ảnh hưởng của cơn bão số 9 vừa qua, nhưng người Xê Đăng ở Kon Đao-Yốp nằm sâu trong thung lũng Đăk Hring, dưới chân núi Ngọ Khei cao ngất vẫn tổ chức Lễ mừng lúa mới trong tiếng cồng chiêng âm vang núi rừng…

Vẫn có một lễ hội mừng lúa mới ở Kon Đao-Yốp

Mặc dù vừa phải trải qua trận lũ kinh hoàng do ảnh hưởng của cơn bão số 9 vừa qua, nhưng người Xê Đăng ở Kon Đao-Yốp nằm sâu trong thung lũng Đăk Hring, dưới chân núi Ngọ Khei cao ngất vẫn tổ chức Lễ mừng lúa mới trong tiếng cồng chiêng âm vang núi rừng…

Già làng Đao-Yốp, cụ A Thao A rất vui cái bụng khi có khách đến với dân làng. Già cho biết, người Xê Đăng ở Kon Đao-Yốp mỗi năm có hai lễ hội chính là Lễ Máng nước tổ chức vào khoảng cuối tháng 3 Âm lịch (tức chuẩn bị sửa sang lại máng nước cho vụ mùa mới) và Lễ mừng lúa mới tổ chức khoảng tháng 8-9 Âm lịch (khi mùa vụ đã thu hoạch xong). Năm nay mặc dù Kon Đao-Yốp vừa trải qua trận lũ kinh hoàng do ảnh hưởng của cơn bão số 9, lúa ngoài đồng chỉ thu hoạch được 2/3 do bị cát sỏi vùi lấp, nhưng làng vẫn quyết tâm tổ chức lễ hội để giáo dục con cháu về truyền thống văn hóa lâu đời của làng.

Nhà Già làng A Thao A mời cơm mới

Để chuẩn bị cho lễ hội này, sau khi thu hoạch lúa, dân làng bắt tay vào làm rượu ghè; sau đó tập trung tại nhà Rông để làm cây nêu và trang trí nhà Rông. Cụ A Đre - phụ trách việc trang trí, cho biết: Cây nêu (Pro t'ruo) mỗi năm đều phải làm mới toàn bộ, chất liệu bằng cây lồ ô, cao chừng 14-15m. Trên cây nêu có treo hình bông lúa, hình mặt trời và hình con chim bồ câu. Bên trong nhà Rông được trang trí bằng giàn Pơ-trang (cũng bằng cây lồ ô) để cột các ghè rượu vào. Phía trên giàn Pơ-trang có các chùm bông lúa, mặt trời, chim bồ câu, đều được làm bằng tre, lồ ô, thể hiện ánh sáng chan hòa, lúa mùa tốt tươi, hòa bình và tình đoàn kết.

Vào một ngày đẹp trời, theo lệnh của Già làng, Lễ mừng lúa mới được bắt đầu. Ngày thứ nhất, các gia đình nấu cơm bằng gạo lúa mới, chuẩn bị thức ăn, rượu ghè để mời bà con trong làng ăn qua lại với nhau. Ngày thứ hai, mọi người đến nhà Rông làm lễ dựng cây nêu. Hàng chục thanh niên khỏe mạnh tập trung dựng nêu trong tiếng cồng chiêng âm vang núi rừng. Khi cây nêu được dựng lên cũng là lúc đoàn cồng chiêng của làng gồm bộ chiêng H'ling 11 cái do 11 người đánh xuất hiện, cùng với các thanh niên nam nữ trong làng vừa múa xoay vòng quanh cây nêu vừa đánh cồng chiêng rộn rã.

Vui nhất là lúc khai hội rượu ghè. Đoàn cồng chiêng và đội vũ công từ từ tiến vào nhà Rông trong vũ điệu quay cuồng. Các gia đình mang rượu và thức ăn để vào giữa giàn Pơ-trang gồm đu đủ nấu với thịt heo, bông chuối rừng kho với cá suối, củ môn nấu với thịt chuột… Mọi người cuộn mình trong vũ điệu cồng chiêng, múa xoang, hút rượu cần. Ngày thứ ba, các làng bạn đến chung vui với dân làng, cũng đánh cồng chiêng, cũng vòng xoang liên hồi và vít cần rượu ghè cong vút. Chủ và khách chung vui trọn cả ngày, có khi qua đêm đến sáng mai mới chia tay, hẹn năm sau gặp lại.

Kon Đao-Yốp là ngôi làng có từ lâu đời. Người Xê Đăng ở Kon Đao-Yốp dưới chân núi Ngọ Khei cao ngất, bên dòng Đăk Psi thơ mộng bao đời nay cần cù, chịu thương chịu khó làm ăn, theo sự chỉ dẫn của già làng bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc mình. Trong chếnh choáng men say, Già làng A Thao A tâm sự: “Mình bây giờ già rồi, không biết Yàng đến lôi đi lúc nào. Còn sống ngày nào mình kiên quyết giữ cái văn hóa truyền thống của làng. Phải giáo dục con cháu, lũ làng, nhất là đám thanh niên phải biết múa xoang, phải đánh cồng chiêng…”. Trong thời buổi mở cửa, hội nhập quốc tế về mọi mặt, tinh thần ấy thật đáng quý!

BOX : Phó phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đăk Hà, anh Phạm Thế Nhân cho biết: Kon Đao-Yốp là một trong số ít những ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Hà còn duy trì các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mà người "giữ lửa" chính là những già làng như A Thao A.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn có một lễ hội mừng lúa mới ở Kon Đao-Yốp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO