Truyền hình thực tế: Thành công nhờ… phi thực tế?

PHẠM LÊ/DNSGCT| 21/04/2014 09:46

Trải qua vài năm để xem và cảm nhận, chương trình truyền hình thực tế phiên bản Việt là sản phẩm của kịch bản và scandal.

Truyền hình thực tế: Thành công nhờ… phi thực tế?

Chương trình truyền hình thực tế với định dạng được mua bản quyền từ nước ngoài về đã trở thành làn sóng trên các kênh truyền hình phổ biến trong nước, và chiếm lĩnh ở khung giờ nóng cuối tuần. Trải qua vài năm để xem và cảm nhận, chương trình truyền hình thực tế phiên bản Việt là sản phẩm của kịch bản và scandal.

Đọc E-paper

Kịch bản và “scandal”

Ngay từ khi cụm từ “Reality Television” hay “Reality Show” xuất hiện trong giới truyền hình, khán giả cũng như những người sản xuất thể loại chương trình truyền hình thực tế đã ngầm đồng thuận với nhau một quy tắc chung đó là tính thực tế.

Như định nghĩa chung cho dạng chương trình gọi là truyền hình thực tế thì đây là dạng chương trình mà trong đó không có diễn viên chuyên nghiệp tham gia, khai thác những con người rất bình thường trong cuộc sống mà họ có tài năng gì đó đặc biệt, khán giả có thể tham gia bình luận và bình chọn…

Nhưng cùng với sự phát triển của Reality Show, định dạng chương trình này đã không còn bó hẹp ở những nguyên tắc đó, mà yếu tố thực tế được hiểu rộng hơn để rồi xuất hiện hàng loạt các chương trình ăn khách sau đó như: American Idol, Star Academy, The X-Factor, Big Brother, The Voice, Project Runway…

Tính thực tế được xem như tinh thần phản ánh của toàn bộ chương trình nhiều hơn là chỉ dựa vào yếu tố thí sinh hay người tham gia những chương trình truyền hình thực tế. Bằng chứng cho thấy, khi các ngôi sao ở nhiều lĩnh vực tham gia vào Dancing with the Stars – Bước nhảy hoàn vũ, Just Two of Us – Cặp đôi hoàn hảo… đã trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người xem song song cùng với các chương trình gần như giữ nguyên bản xuất của Reality Show là Big Brother – Người giấu mặt…

Ban đầu, để thử sức hút với khán giả trong nước, lác đác vài chương trình xuất hiện như Vietnam Idol vào năm 2007, sau đó đến nay, số lượng chương trình truyền hình thực tế có mặt trên sóng đã lên đến hai con số chỉ dành cho những ngày cuối tuần.

Cùng với sự thỏa mãn cho khán giả đến mức cao nhất ở định dạng chương trình truyền hình mới, cuộc chạy đua ngấm ngầm về độ rating cũng như quảng cáo đã làm nảy sinh không ít câu chuyện xung quanh.

Khán giả bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi hơn, có không kịch bản trong show truyền hình thực tế và ngày càng nhiều những ồn ào khi chương trình vừa lên sóng hay ở giai đoạn nước rút? Hoài nghi về yếu tố thực tế và ngay cả vai trò của ban giám khảo, lượt bình chọn của khán giả đã đẩy chương trình truyền hình thực tế vào nhiều scandal hơn nữa.

Một trong những chương trình được cho là “hot” Nhân tố bí ẩn – The X-Factor vừa lên sóng đã bị cho là có kịch bản dàn dựng và sử dụng chiêu trò. Đó chính là trường hợp của ca sĩ Anh Thúy khi cô giả danh là thí sinh Huyền Minh với chiếc mặt nạ trên mặt để đi thi.

Những khung hình đặc tả Anh Thúy (hay Huyền Minh) nhút nhát từ ngoài sân khấu, đến hậu trường và khi bước ra sân khấu, lí nhí trả lời ban giám khảo vô hình trung cho thấy chương trình đã tạo nên sức hút quá nhiều cho thí sinh này ngay từ ban đầu.

Rõ ràng, tiết mục của Huyền Minh trong tập 1 của Nhân tố bí ẩn chính là tiết mục khiến khán giả phải nhớ nhiều vì cô gái bị tai nạn nghề nghiệp nước mơ ca hát thì quá cảm động.

Nhưng sau đó, khán giả lại ăn quả chát khi phát hiện ra đó là sự “lừa đảo” – mà theo ban tổ chức của Nhân tố bí ẩn xác định là hoàn toàn do ca sĩ Anh Thúy dựng nên. Chương trình tôn trọng quyền cá nhân của thí sinh nên mới xảy ra một “scandal” không đáng có cho chương trình.

Một trong những công thức tỏ ra khá hiệu quả với show truyền hình thực tế hiện nay chính là kịch bản cho người thua cuộc và kịch bản thương hại. Các chương trình hầu như đều phải tìm ra cho được một vài thí sinh có hoàn cảnh “đặc biệt” để hâm nóng tình cảm của khán giả.

Ví như Ya Suy là một trường hợp đỉnh cao của Vietnam Idol. Một chàng trai người dân tộc, đam mê ca hát, bị giám khảo Quốc Trung từ chối, sau đó nhạc sĩ lại tận tay trao vé vàng cho Ya Suy để cuối chương trình chàng trai nghèo trở thành Thần tượng một cách ngoạn mục.

Hay ở Giọng hát Việt, khai thác yếu tố bất hạnh từ trong gia đình của thí sinh Vũ Cát Tường để rồi, cô gái này nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý… Và gần nhất là thí sinh Lê Tích Kỳ của Nhân tố bí ẩn cũng là thí sinh có hoàn cảnh đáng thương, được chương trình ưu ái đưa bà của em lên tận sân khấu…

Khán giả sẽ thấy những thí sinh này rất thực tế ở điểm họ không che giấu hoàn cảnh, xuất thân của mình, khóc ngay ở sân khấu, khiến khán giả rung động. Nhưng đồng thời, để có được những thí sinh kiểu như thế này, với các chương trình truyền hình thực tế trong nước hiện nay, là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên tính thực tế hơn là bản thân chương trình, hay nhìn toàn bộ cục diện khi một chương trình kết thúc.

Rõ ràng, yếu tố thực tế đã được “lập lờ” hay trở thành một công thức để ẩn sau đó vẫn là kịch bản thu hút khán giả.

Ai là giám khảo show thực tế?

Một trong những điểm đặc biệt của chương trình truyền hình thực tế nữa chính là ban giám khảo và khán giả. Hai yếu tố quan trọng, một là đưa ra sự lựa chọn và nhận xét mang tính trung thực, khách quan nhất để chọn thí sinh từ vòng loại cho đến vòng biểu diễn, và một là bình chọn mang tính khách quan của khán giả thường là vào giai đoạn giữa của các chương trình truyền hình thực tế.

Vậy đây có phải là hai thành phần quyết định giải thưởng, người thắng cuộc cho các chương trình truyền hình thực tế hiện nay?

Hầu như yếu tố ngôi sao được đặt lên hàng đầu cho hàng ghế giám khảo của show thực tế. Từ những cái tên rất nóng như: Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quỳnh Hương, Cẩm Ly… trong làng nhạc đến những cái tên như: Hoài Linh, Chí Tài… trong giới hài, kịch nói cũng có mặt ở ghế giám khảo.

Tuy nhiên, trong những chương trình diễn ra gần đây, sự bất nhất giữa nhận xét của giám khảo và số điểm họ cho thí sinh đã làm nảy sinh không ít mâu thuẫn giữa thí sinh và thí sinh, thí sinh và chương trình.

Trong show Chinh phục đỉnh cao – The Pop Stars To The Opera Stars, mẹ Kasim Hoàng Vũ đã tỏ ra khá bất bình khi giám khảo luôn nhận xét Kasim tốt, hay, nhưng lại cho điểm không tương xứng…

Đi theo đó là không ít lần giám khảo các cuộc thi cho rằng khán giả đã quá cảm tính khi bình chọn cho thí sinh của mình. Các khẩu hiệu như nghe có ý thức, hát có ý thức… đã xuất phát từ sự mong muốn có được kết quả chính xác từ phía khán giả cũng phát sinh từ chương trình Thần tượng âm nhạc.

Tuy nhiên, tại sao Ya Suy dù không hát hay bằng Hoàng Quyên vẫn có thể đăng quang ngôi vị quán quân? Và chính giám khảo cũng cổ xúy và vui mừng ngay khi chương trình kết thúc?

Phải chăng, mọi kêu gọi là ảo để tôn vinh một mục tiêu, chiến lược khác mà chương trình mong muốn hơn là phản ánh một thực tế nào đó đang thực sự diễn ra ở các chương trình như thế này. Có lần, ca sĩ Phương Thanh cũng không thể vượt qua được lượt bình chọn từ phía khán giả so với người mẫu Anh Thư trong cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ…

Kết quả không thể làm hài lòng tất cả nhưng đó là một yếu tố quyết định chương trình có phải là thực tế hay không. Số lượng các chương trình truyền hình thực tế mới ngày càng nhiều nhưng để tìm ra một chương trình có kết quả thực tế gần như khá hiếm hoi.

Phải chăng, đây là giai đoạn đầu mà khán giả truyền hình cần tiếp nhận bởi sự thu hút, độ rating và tái tạo chương trình từ việc thu hút quảng cáo chính là yếu tố ngầm khiến cho những nhà sản xuất phải tính toán kỹ lưỡng làm sao yếu tố thực tế vừa được đảm bảo, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thuần giải trí của đại bộ phận khán giả hiện nay?

Và con đường để có một Reality Show đúng chất vẫn còn khá xa.

>Giá trị nhân văn trong truyền hình thực tế
>Vì sao truyền hình thực tế khiến đám đông phát cuồng?
>
Truyền hình thực tế: Khép trọn vòng lăng - xê

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Truyền hình thực tế: Thành công nhờ… phi thực tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO