Trùng tu, bào quan di tích văn hóa: con cháu mất phần?

CUNG KỲ| 29/04/2009 08:17

Việc nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh bị biến dạng sau khi được tu bổ và phục hồi diễn ra từ nhiều năm nay. Gần đây, hàng loạt di tích nổi tiếng ở phía Bắc được “làm mới”, gây nên làn sóng phản ứng khá mạnh mẽ từ công luận.

Trùng tu, bào quan di tích văn hóa: con cháu mất phần?

Việc nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh bị biến dạng sau khi được tu bổ và phục hồi diễn ra từ nhiều năm nay. Gần đây, hàng loạt di tích nổi tiếng ở phía Bắc được “làm mới”, gây nên làn sóng phản ứng khá mạnh mẽ từ công luận.

Di tích được đưa đi...đấu thầu! 

Đầu tư hơn 10 tỷ đồng, nhưng đình Mông Phụ bị trùng tu với quá nhiều sai sót, đã giết chết di sản

Ngày 16/4, trả lời phỏng vấn báo chí, một quan chức của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho rằng, theo quy định hiện hành, việc tu bổ, tôn tạo một số di tích cấp tỉnh được xếp chung vào các công trình xây dựng cơ bản nên quy trình thủ tục giống như một dự án đơn thuần. Vì thế, nhiều đơn vị không có chuyên ngành cũng có thể tham gia đấu thầu và trúng thầu khiến việc tu bổ các di tích không đạt được đúng mục đích như mong muốn. Thế nhưng, qua tìm hiểu những văn bản pháp luật có liên quan thì không phải hoàn toàn như vậy.

Theo Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh do Bộ Văn hóa - Thông Tin (nay là Bộ VH-TT&DL) ban hành, thì việc tu sửa cấp thiết di tích chỉ được tiến hành sau khi có quyết định của UBND cấp tỉnh. Giới hạn phạm vi tu sửa cấp thiết di tích bao gồm: Sửa chữa các bộ phận, cấu kiện hỏng bằng cách nối, vá, chống đỡ hoặc thay thế cấu kiện mới tương tự. Sở VH-TT&DL hoặc cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh chịu trách nhiệm thành lập và trực tiếp quản lý tổ tu sửa cấp thiết di tích. Tổ tu sửa cấp thiết di tích bao gồm một cán bộ quản lý di tích ở tỉnh và một kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng có nhiệm vụ lập báo cáo tu sửa cấp thiết di tích trình UBND cấp tỉnh phê duyệt...

Việc thẩm định dự án và thiết kế được thực hiện theo Điều 35 Luật Di sản văn hóa, Điều 17 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Quy chế quản lý đầu tư xây dựng của Chính phủ. Việc phê duyệt dự án và thiết kế chỉ được thực hiện sau khi hồ sơ dự án hoặc thiết kế có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa thể thao. Thành phần tổ giám sát thi công phải tuân thủ các quy định hiện hành của Bộ Xây dựng, ngoài ra phải có một kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng và một cán bộ quản lý di tích thuộc cơ quan quản lý di tích cấp tỉnh.
Rõ ràng, những quy định của pháp luật, dù có thể chưa hoàn chỉnh, nhưng đã tạo cơ chế kiểm soát khá chặt chẽ việc tu bổ, tôn tạo một số di tích, kể cả di tích ở cấp tỉnh, trong đó nhấn mạnh đến việc tham gia của cơ quan quản lý văn hóa ở tỉnh đó. Nếu có những sai phạm trong tu bổ và tôn tạo di tích thì trước hết là xuất phát từ hồ sơ dự án do cơ quan này trình lên.

Chạm vào văn hóa: Bằng tâm hay bằng tay?  

Có thể, trong phạm vi một bài phỏng vấn, ông Thứ trưởng chưa nói hết ý, nhưng có một thực tế đau xót hơn, là thái độ vô trách nhiệm của những người quản lý văn hóa đã “góp công” đẩy bộ mặt di tích ở nước ta đến mức báo động. Những người trong ngành văn hóa thường rỉ tai nhau rằng, chính những người làm văn hóa không có “tâm” đã trở thành kẻ “phá” văn hóa nhiều nhất, quả đúng trong trường hợp này.

Ông Trần Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, trong lần trả lời phỏng vấn mới đây cũng nói: “Cuối năm nay, quy trình chuẩn tu bổ di tích hoàn tất sẽ thay thế cho quy chế cũ, quy định cụ thể về các thủ tục, cũng như các tiêu chí bắt buộc khi tiến hành tu bổ, sửa chữa, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử. Theo đó, có thể sẽ áp dụng quy chế chỉ định thầu đối với công trình tu bổ, tôn tạo di tích. Một số vị trí tham gia vào quá trình này như người giám sát, thợ chính... cũng cần phải có kiến thức về tu bổ di sản, có chứng chỉ hành nghề đặc biệt mới được tham gia vào việc tu bổ”.

Xin đừng biện minh rằng do luật còn bất cập, trình độ người thợ chưa cao, thậm chí do “tu bổ di tích trong thời kỳ khó khăn của đất nước nên việc xây dựng không theo một tiêu chuẩn nào”. Cũng đừng để khi di tích đã bị phá bỏ hay xây mới, cơ quan quản lý văn hóa mới cử đoàn cán bộ đi khảo sát thực tế... Lúc đó thì đã quá muộn.

Chừng nào người làm văn hóa còn “ăn thịt” di tích văn hóa nhưng vẫn được bao che; chừng nào cán bộ quản lý văn hóa còn chưa bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... thì di tích vẫn bị xâm hại. Hãy cứ làm tốt trong phạm vi những quy định hiện hành, hay... không làm gì cả. Cứ để yên cho di tích tồn tại, như lời kêu gọi của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính trong một hội thảo về bảo vệ di tích: “Đừng vội vã làm hết, hãy để lại phần cho con cháu!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trùng tu, bào quan di tích văn hóa: con cháu mất phần?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO