Trò chơi dân gian: Có chỗ trong không gian hiện đại?

KIM HOA| 15/04/2009 08:45

Có một sự thật là, khách tham quan trong và ngoài nước sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi thấy tờ chương trình mới nhất về hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ghi rõ: “Ngày 30 tháng 4: Trò chơi dân gian và múa rối nước”; “Ngày 1 - 3 tháng 5: Trò chơi dân gian và múa rối nước”...

Trò chơi dân gian: Có chỗ trong không gian hiện đại?

Có một sự thật là, khách tham quan trong và ngoài nước sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi thấy tờ chương trình mới nhất về hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ghi rõ: “Ngày 30 tháng 4: Trò chơi dân gian và múa rối nước”; “Ngày 1 - 3 tháng 5: Trò chơi dân gian và múa rối nước”...

Từ nhiều năm nay, trò chơi dân gian luôn “có chỗ” trong các chương trình hoạt động của bảo tàng này. Có thể nói, đây là một địa chỉ vô cùng ưu ái loại hình di sản văn hóa truyền thống quan trọng và độc đáo này. Nơi đây không chỉ tái hiện, lưu giữ, bảo tồn một giá trị tinh thần đã được định hình, mà còn mang đến cho khán giả hiện đại những kiến thức, tình cảm đẹp đẽ hướng về cội nguồn dân tộc.

Riêng rối nước hầu như thường xuyên được tổ chức tại Bảo tàng vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật mỗi tuần, về phương diện nào đó có thể gọi đây là một “trò chơi dân gian điển hình” đạt đến một trình độ nghệ thuật cao và vô cùng đặc sắc của người Việt.

Vì thế, bên cạnh các nhà hát múa rối chuyên nghiệp của Trung ương và Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học lâu nay đã trở thành một điểm tập kết rất “cạnh tranh”, quen thuộc, chung thủy của nhiều phường rối như Phường rối Bình Phú (Hà Nội), Phường rối Nghĩa Hưng (Nam Định), Phường rối Nhân Hòa (Hải Phòng), Phường rối Nguyên Xá (Thái Bình)...

Một số trò chơi dân gian được tổ chức phục vụ du khách, thậm chí còn được tổ chức cho du khách trực tiếp tham gia như các trò kéo co, nhảy lò cò, múa sạp, rồng rắn lên mây, đi cà kheo, ném còn... đã giúp họ rút ngắn quá trình tiếp cận đời sống, tâm hồn và văn hóa của người Việt trong quá khứ, cũng như nhận biết khá chính xác những thách thức trong việc bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống này.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trò chơi dân gian không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí thuần túy, mà còn thực sự là một hoạt động chứa đựng những quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, những ý tưởng thẩm mỹ mang đậm dấu ấn, sắc thái của quá trình lịch sử tộc người, vùng miền văn hóa. Trò chơi dân gian còn được nhìn nhận ở khía cạnh nhân văn, thiết thực trong đời sống tinh thần, thể chất của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc...

Nếu như trong lịch sử, trò chơi dân gian chiếm một vị trí đắc địa trong hầu hết các không gian và môi trường sống của người dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, thì ngày nay trò chơi dân gian dường như đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong khi các trò vui hiện đại hiện diện, đặc biệt là sự quyến rũ chết người của các trò game online.

Có thể lạc quan hơn một chút khi trở về với trò chơi dân gian tại một lễ hội nào đó tổ chức ở vùng quê, nhưng cũng sẽ thất vọng hơn một chút khi phát hiện trò chơi ở các lễ hội đó không vô tư cho cả người chơi và người tổ chức bởi tính chất thương mại, bởi những ám ảnh “có thưởng” theo kiểu đánh bạc, may rủi khá phổ biến hiện nay.

Bảo tồn và cách tân trò chơi dân gian cũng là một hướng nhìn biện chứng tích cực đối với sự sống còn của nó trong đời sống đương đại. Trên thực tế, một số cơ quan, đơn vị, trường học đã biết phát huy tính tích cực của trò chơi dân gian, đem nó vào không gian sống của họ, ở những thời điểm phù hợp: các dịp liên hoan, nghỉ ngơi, dã ngoại...

Nhiều gia đình hiện đại cũng rủ nhau vào công viên, không chỉ đi tàu hỏa, lên cầu trượt, chơi đu quay mà còn tự tổ chức, làm mình trẻ lại bằng những trò chơi dân dã một thời: bịt mắt bắt dê, ném còn (bóng), kéo co...

Không ít bậc cha mẹ muốn con “xích lại” với tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên của chính họ qua những con tò he rực rỡ, qua chiếc đèn ông sao rước đêm trăng tròn và rầu lòng khi thấy con trẻ khó bứt khỏi sự cám dỗ của các trò giải trí hiện đại.

Tính đa dạng, rẻ tiền, dễ chơi, thích hợp với cả số ít người hoặc đông người, cộng với sự chan hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường... của trò chơi dân gian được xem là lợi thế, dễ tạo nên không khí hứng khởi, không khí lễ hội lành mạnh.

Tuy nhiên, việc các đài truyền hình quá lạm dụng trò chơi - kiểu trò chơi nhằm khai thức trí tuệ, kích thích năng lượng sống của con người là đáng quý, nhưng xen vào đó quá nhiều trò thiên về nội dung “đánh bạc”, “ thử vận may”... lại gây những hiệu ứng xấu, thậm chí là phản cảm và phản giáo dục.

Ngay cả nghệ thuật sắp đặt trong hội họa hiện nay, về mặt nào đó cũng có thể gọi là “trò chơi” của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, dường như đôi khi chính tác giả của trò chơi đó cũng không biết mình định nói gì, không dám chắc liệu thông điệp mà mình gửi gắm trong đó có tới được người xem hay không, hay thực chất chỉ là sự “bắt chước”, cố tình “làm mới” một cách vô vọng?

Rõ ràng, trong đời sống và không gian đương đại, trò chơi dân gian vẫn có chỗ của nó. Vấn đề là bất cứ sự bảo tồn hay cách tân nào cũng không được phép coi thường sở thích và quan niệm thẩm mỹ của công chúng đương đại. Sự sáng tạo đôi khi quá đà đối với trò chơi dân gian lại là sự phản bội đối với quá khứ và những giá trị văn hóa đã được thừa nhận, chưng cất qua thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trò chơi dân gian: Có chỗ trong không gian hiện đại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO