Tìm bầu sữa cho "những đứa con thứ hai"

BÍCH HỒNG| 01/08/2014 00:38

Ngoài một vài đại diện được ưu ái trước mắt hoặc trong tương lai, còn lại là “những đứa con hạng hai” phải xếp sau muôn vàn vấn đề cấp bách hơn.

Tìm bầu sữa cho

Thỉnh thoảng dư luận vẫn được nghe về những đề xuất dự án đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, ví dụ để xây dựng vài trăm nhà hát từ Bắc vào Nam, hoặc công trình quần thể văn hóa về bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam cần hơn 400 tỷ đồng. Những con số khủng này tạo cho dư luận ấn tượng văn hóa đang được dự kiến đầu tư quá mức, không phù hợp với thực tế.

Đọc E-paper

Tuy nhiên, ngoài một vài đại diện được ưu ái trước mắt hoặc trong tương lai, còn lại là “những đứa con hạng hai” phải xếp sau muôn vàn vấn đề cấp bách hơn.

Số phận những dự án chờ ngân sách

Hội An là một ví dụ. Đô thị cổ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Kiến trúc của nhân loại. Người Hội An cố gắng bảo vệ di sản, trên cơ sở đó phát triển kinh tế du lịch. Nhưng với cơ chế nộp ngân sách lớn, nguồn thu của Hội An được để lại hằng năm không đủ theo kịp tiến độ trùng tu nhà cổ trên phố. Mấy năm nay phố cổ đối mặt với nguy cơ ngập lụt và sạt lở trực tiếp, năm nào cũng có thêm hàng chục ngôi nhà bị rạn nứt.

Biện pháp bảo vệ khu phố cổ Hội An đã được xác định là phải xây dựng bờ kè dọc con sông Hoài để bảo vệ nền đường Bạch Đằng thì mới giữ được sự ổn định về cấu trúc của nhà cửa trong khu vực lõi của di sản. Tổng dự toán của bờ kè bảo vệ là khoảng 240 tỷ đồng. Nhưng với lý do khó khăn về ngân sách, đầu năm 2014, Hội An đã nhận thông tin từ Trung ương chính thức “cắt” khoản đầu tư này. Trong lúc chờ ý kiến của Chính phủ, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch TP. Hội An, cho biết, Hội An không thể tìm nguồn kinh phí tương đương ở đâu khác.

Câu chuyện thứ hai là Liên hoan Piano Quốc tế lần thứ ba do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức đã chính thức dừng lại vì không có nổi nguồn tài trợ khoảng... 1,2 tỷ đồng! Đây là cuộc thi piano duy nhất của Việt Nam được tổ chức lần đầu năm 2010, với sự giúp đỡ của NSND Đặng Thái Sơn và nhiều đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ một số nước.

PGS-TS. Lê Văn Toàn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, giải thích: “Cuộc thi mang tầm quốc tế, ấn định tổ chức hai năm một lần, nhưng bây giờ chúng tôi phải ngưng vì không thể tìm ra nhà tài trợ. Ngay từ đầu ngân sách nhà nước đã không chi cho việc tổ chức cuộc thi âm nhạc này, dẫu về uy tín nó đã đủ điều kiện chất lượng nằm trong hệ thống AFT (Alink Argerica Foundation) quảng bá các cuộc thi âm nhạc trên toàn thế giới. Bao nhiêu việc đã được chuẩn bị nay bỗng chốc sụp đổ chỉ vì không ai đầu tư cho việc phát triển đời sống âm nhạc cổ điển cả”.

Vượt qua số phận thế nào?

Đầu tư xây bờ kè sông để bảo vệ di tích kiến trúc Hội An với nguồn kinh phí 240 tỷ đồng đã được chính quyền TP.Hội An đề xuất với Chính phủ nhiều năm. Việc bị cắt giảm danh mục đầu tư xuất phát từ kinh phí ngân sách ngày càng khó khăn. Ai cũng thấy công trình này là cấp thiết nhưng vẫn bị cắt giảm thì điều đó có nghĩa là sẽ còn rất lâu mới quay lại danh mục đầu tư khi kinh tế tiếp tục khó khăn kéo dài như hiện nay.

Tuy nhiên, khó khăn của Hội An làm nhiều người nhớ Đà Nẵng không cần chờ đợi ngân sách nhà nước (vì phải chờ quá lâu), đã tự vận động xã hội hóa để xây dựng một bệnh viện điều trị ung thư với tổng vốn đầu tư 1.105 tỷ đồng. Đà Nẵng đã có cơ chế ưu đãi các nhà đầu tư để các doanh nghiệp này đóng góp kinh phí vào việc xây dựng bệnh viện.

Hội An không chỉ là thương hiệu văn hóa, mà đó là nền tảng để phát triển thương mại - du lịch mạnh mẽ trong gần 20 năm qua. Hội An đã không nghĩ đến việc kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư góp thêm nguồn kinh phí xây dựng, bảo vệ phố cổ. Việc trông chờ vào ngân sách nhà nước quá lâu đã làm Hội An nay thật sự khó khăn, bởi huy động đóng góp từ doanh nghiệp bây giờ không còn hợp lý khi bản thân các doanh nghiệp cũng dừng nhiều công trình đầu tư ở Hội An do suy thoái kinh tế.

Bài học xã hội hóa thành công các mục tiêu văn hóa, xã hội của Đà Nẵng luôn có giá trị để các địa phương tham khảo. Vấn đề là chính quyền xây dựng các cơ chế để vừa thu hút nguồn lực đóng góp, vừa đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư thì mục đích sẽ đạt được.

Với những hoạt động như cuộc thi piano quốc tế nói trên, đáp số cũng không thể từ ngân sách nhà nước. Chúng ta thấy Nhà nước không đầu tư cho nghệ thuật đương đại bằng các hoạt động giao lưu quốc tế, các triển lãm, biểu diễn, nhưng mỹ thuật Việt vẫn đến được Hội chợ Mỹ thuật Hồng Kông, Singapore, các họa sĩ vẫn đi triển lãm nhiều nước bằng sự tài trợ họ nỗ lực tìm kiếm, các nhà văn vẫn tìm được các tổ chức tài trợ dịch sách ra ngoại ngữ và xuất bản ở nước ngoài.

Ngay cả việc đưa nghệ sĩ điện ảnh đến các liên hoan phim quốc tế cũng chưa bao giờ có tiền ngân sách, đôi khi là tiền tài trợ của một hãng chuyên bán rượu. Chuyên nghiệp hóa việc tìm tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật là cách cả thế giới đang thực hiện.

>Hội An chống sao chép sản phẩm du lịch
>Hội An: Bài học "Du lịch có trách nhiệm"
>
Du lịch Hội An không còn ảo tưởng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm bầu sữa cho "những đứa con thứ hai"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO