Thời trang Việt nhìn từ thương hiệu nhỏ

BÍCH HỒNG| 13/05/2016 06:47

Vài cửa hàng thời trang nhỏ vẫn có thể là những cái tên quen thuộc trong lòng người tiêu dùng, và sự sáng tạo mới là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của thời trang Việt.

Thời trang Việt nhìn từ thương hiệu nhỏ

Một lần xem trình diễn thời trang do các tập đoàn dệt may lớn nhất thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) tổ chức, không khỏi ngỡ ngàng khi thấy sự gắn kết mật thiết giữa nhà thiết kế và ngành may mặc. 

Đọc E-paper

Ngày hôm sau, khi chúng tôi đến tham quan nhà máy, một lần nữa lại thấy những bộ sưu tập trình diễn đêm qua đã được bày bán trong các showroom dành cho đối tác lớn, và hôm sau nữa thì thấy chúng xuất hiện tại hội chợ cho khách mua lẻ.

Các nhà thiết kế thời trang ở đây không phải là những chuyên gia, cũng không phải là những nhân viên thiết kế như một con ốc trong bộ máy khổng lồ đang vận hành. Họ vẫn tham gia những cuộc thi thời trang, được tự do sáng tạo nhằm chinh phục các khách hàng chính là các tập đoàn sản xuất hàng may mặc, trong đó có những tập đoàn có kim ngạch xuất khẩu từ 1 - 9 tỷ USD.

Một thị trường lớn như vậy ắt phải là cuộc "đãi gạo" kén chọn người tài vô cùng gắt gao? Nhưng không phải, những đêm trình diễn thời trang do tập đoàn dệt may tổ chức lại nhằm mục đích tìm kiếm tài năng trẻ - những người không mang theo gánh nặng truyền thống văn hóa, mà chỉ có khao khát sáng tạo cho thị trường hiện tại.

Khi quay về Việt Nam, bỗng thấy diện mạo khác của các nhà thiết kế trẻ. Một sự vất vả và bơ vơ khi gắn kết sự nghiệp với những cửa hàng nhỏ bé, quanh quẩn với những lùm xùm do truyền thông mớm cho.

Ở trong nước, chúng ta chứng kiến hai nhà thiết kế cãi nhau về một tấm choàng gắn vào tà áo dài truyền thống, người tiêu dùng không biết rõ ý nghĩa của câu chuyện, chỉ nhìn thấy một sân khấu thời trang không lung linh.

Và thật ra, nếu theo dõi những bước đi thời trang sẽ thấy tấm choàng ấy đã xuất hiện trên sàn catwalk từ 20 năm nay, nó theo sát với đủ thứ trang phục từ Âu sang Á, để thấy rằng các nhà thiết kế đã hoạt động trong môi trường bé nhỏ mà còn phải đối diện với sự cô đơn vì tính cạnh tranh nhỏ mọn.

Cô đơn cũng được. Nhìn từ sự nỗ lực của những nhà thiết kế lẻ loi đang cố gắng làm việc tại Hà Nội và TP.HCM, đang cố gắng duy trì cảm hứng sáng tạo với chuỗi 2 - 3 cửa hàng mang tên mình vẫn thấy đó là những cố gắng để thời trang đi vào cuộc sống, nó khác một chút với những sân khấu hoành tráng lấp lánh ánh đèn, những giải lụa dài hàng chục mét không giúp cho cái đẹp đi vào cuộc sống.

Khoảng 4 năm gần đây, phụ nữ Việt đã "chịu" cái tên Li Lam, một nhà thiết kế quyến rũ phụ nữ đến với vẻ đẹp mảnh mai, sắc nét và cổ điển. Li Lam tạo ra phong cách cho một bộ phận phụ nữ, họ tin rằng đó là vẻ đẹp hiếm. Và thế là Li Lam phát triển được ở thị trường TP.HCM và ra Hà Nội cũng rất thành công.

Một cặp vợ chồng đều là nhà thiết kế, đến từ Tây Ban Nha đã gầy dựng nên cái tên "Chula" cũng là một trào lưu mặc đẹp ở những cô gái trẻ, cá tính, thích tạo dựng phong cách sôi nổi nhưng lịch sự. Chula thú vị ở chỗ đưa cuộc sống lên trang phục rất Việt Nam và rất toàn cầu. Chula sẽ chinh phục người trẻ thành đạt, do tạo tâm lý gần như "hàng độc" với chất liệu luôn đổi mới, giá khá cao so với mức thu nhập trung bình.

Chủ thương hiệu Chula, Diego Cortizas và Laura Fontán cho biết, họ đều rất thích chất liệu lụa của Việt Nam, đó là mảng sản phẩm thời trang quan trọng của Chula. Đó là sự kết hợp giữa sự táo bạo trong đường xẻ và cắt cúp, sự hài hước trong cách chắp, ghép các mảng màu. Mỗi một mẫu thiết kế đều mang đến cho người xem một câu chuyện, rất riêng biệt, độc đáo và không hề trùng lắp.

Chula còn mang đến Việt Nam một ý niệm sân khấu thời trang thú vị: một con đường nhỏ trong các khu phố cổ Hội An hoặc Hà Nội, một sân vườn, đôi khi chỉ là quán cà phê. Trang phục độc đáo và ánh mắt say sưa của khán giả chính là niềm cảm hứng cho thị trường tiêu dùng hướng về nhãn hiệu này.

Nhìn lại hai phong cách hoạt động này có thể thấy, vài cửa hàng thời trang nhỏ vẫn có thể là những cái tên quen thuộc trong lòng người tiêu dùng, và sự sáng tạo mới là yếu tố quan trọng nhất đem lại điều gì đó cho sự phát triển của thời trang Việt.

>Xu hướng thời trang từ các nhà thiết kế

>Hội họa song hành cùng thời trang

>Những tên tuổi Việt trong làng thời trang thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời trang Việt nhìn từ thương hiệu nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO