Thị trường giải trí ở TP.HCM: "Muốn gì có nấy"

ĐINH HƯƠNG| 29/06/2012 04:06

Thị trường giải trí (xem - nghe) ở TP.HCM không có bản sắc riêng, nhưng có sự đa dạng với đủ phong cách, từ sang trọng đến bình dân, để chiều theo thị hiếu của khán giả.

Thị trường giải trí ở TP.HCM:

Thị trường giải trí (xem - nghe) ở TP.HCM không có bản sắc riêng, nhưng có sự đa dạng với đủ phong cách, từ sang trọng đến bình dân, để chiều theo thị hiếu của khán giả.

Đọc E-paper

Từ rạp chiếu phim đến sân khấu kịch

TP.HCM đang tập trung nhiều cụm rạp và phòng chiếu phim nhất nước với doanh thu bán vé mỗi năm chiếm hơn 70% tổng doanh thu của cả nước. Các rạp chiếu phim chia ra nhiều loại: Rạp chiếu phim riêng biệt có Cinebox Hòa Bình, Cinebox Lý Chính Thắng, Thăng Long, Toàn Thắng, Đống Đa, Fafilm Cinema; rạp chiếu phim nằm trong khu thể thao - giải trí như Galaxy Nguyễn Du; nhiều nhất là cụm rạp nằm trong khu trung tâm thương mại và giải trí như: Megastar Hùng Vương Plaza, Megastar Quận 7, Megastar CT Plaza (Tân Sơn Nhất), Diamond Cinema (Diamond Plaza), Galaxy Nguyễn Trãi (Citi Mart), BHD Cinema (Maximart quận 10), Lotte Cinema (Lotte Mart- quận 7)...

Một phòng chiếu phim của Megastar ở Sài Gòn
Sảnh chờ của một rạp chiếu phim

Ngoài hơn 50 phòng chiếu 2D, TP.HCM còn có hơn 20 phòng chiếu công nghệ Dolby 3D và RealD. Nguồn phim chiếu rạp rất phong phú (Việt, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông)..., mà hầu hết là siêu phẩm “bom tấn”, phim tình cảm, hoạt hình ăn khách.

Càng ngày, khán giả càng được chiều chuộng hơn trong mô hình phức hợp gồm một cụm rạp với nhiều phòng chiếu, phòng chơi game, cửa hàng ăn uống, mua sắm. Trong những năm tới sẽ có thêm 5-7 cụm rạp mới được khai trương ở TP.HCM.

Cảnh trong vở kịch Thử yêu lần nữa

Muốn xem kịch ở TP.HCM không phải đợi đến ngày cuối tuần như ở Hà Nội, vì nhiều sân khấu sáng đèn hàng đêm. Những vở kịch mang tính thể nghiệm, tìm tòi trong dàn dựng và diễn xuất, hay kịch chính luận thì có Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (5B); Kịch Idecaf dành cho khán giả trẻ, dân văn phòng; Kịch Phú Nhuận mang phong vị Bắc với nội dung đi sâu vào tâm lý xã hội, giáo dục gia đình, tình yêu; Kịch Hoàng Thái Thanh nổi trội với dòng kịch tâm lý, tình cảm, tình yêu mang sắc thái nhẹ nhàng; Nhà hát Thế giới Trẻ khai thác các đề tài thời sự về gia đình, tình yêu dành cho khán giả trẻ, sinh viên - học sinh; rạp Công nhân với các vở kịch chính luận, hay các suất diễn theo chủ đề. Sân khấu Nụ Cười Mới phục vụ các vở kịch dài, kịch ngắn, live show; sân khấu kịch Sài Gòn dựng kịch sinh hoạt cho khán giả bình dân; sân khấu Trần Hưng Đạo chuyên diễn kịch cải lương...

Cảnh trong một vở kịch ăn khách của Sân khấu Phú Nhuận

Còn muốn xem múa rối thì có Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng (Nhà Văn hóa Lao Động) với dàn nhạc biểu diễn và hát live (sống); xem xiếc ở Công viên 23 Tháng 9... Mỗi sân khấu mang một sắc thái riêng, và liên tục “đổi món” cho khán giả.

Từ nhà hát đến phòng trà...

Trong lĩnh vực ca nhạc, TP.HCM là thị trường sôi động nhất, là điểm đến của phần lớn các ca sĩ nổi tiếng trong cả nước và hải ngoại trở về nước biểu diễn. Khán giả muốn thưởng thức một chương trình ca nhạc hoành tráng hay liveshow cá nhân được đầu tư chuyên nghiệp thì đến Nhà hát Lớn, Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành. Sân khấu ca nhạc Lan Anh vào cuối tuần hay dịp lễ thường tổ chức chương trình ca nhạc tạp kỹ theo chủ đề, tập trung nhiều ca sĩ nổi tiếng.

Liveshow của Mỹ Linh ở Sài Gòn

Sân khấu ca nhạc tổng hợp hằng đêm bình dân phải kể đến: Trống Đồng (3.000 chỗ), Cầu Vồng (2.000 chỗ) với các loại hình nghệ thuật ca múa nhạc, tấu hài, tạp kỹ, có mặt các ngôi sao ca nhạc, diễn viên sân khấu - hài, ca sĩ trẻ, ca sĩ hải ngoại...

Tụ điểm ca nhạc bình dân còn có Phương Nam (quận 10), Công viên Lê Thị Riêng, Công viên Phú Lâm (quận 6)... Vào cuối tuần, sân khấu Ốc đảo của Công viên Đầm Sen dành cho khán giả yêu thích cải lương, tân nhạc giao duyên...

Nếu thích nhạc của Phạm Duy, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn... thì đến ATB trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Phòng trà Tình ca (Tân Bình) và Văn Nghệ (Phú Nhuận) giới thiệu các tác phẩm “vượt thời gian” do một số ca sĩ Việt kiều biểu diễn.

Muốn nghe nhạc đỏ, nhạc cách mạng thì đến phòng trà cà phê Cao Minh (Bình Thạnh). Phòng trà Mộc Guitar (Tân Bình) chuyên ca khúc về Hà Nội. Dã Quỳ (Lê Quý Đôn) hát dân ca...

Xem xiếc ở Sài Gòn

Thích các thể loại nhạc trẻ thịnh hành thì đến phòng trà Không tên (đường Hai Bà Trưng). Phòng trà We, Da Vàng, Đồng Dao (Pasteur) và Tiếng xưa thường tổ chức liveshow mini, giới thiệu album của các ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng.

Nhiều phòng trà độc đáo khác như Smile (Phú Nhuận) không micro, hòa vào tiếng đàn guitar, violon trữ tình là giọng hát mộc của ca sĩ trẻ. CLB nhạc Jazz Sax nArt (của nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn) thường xuyên có ban nhạc Hà Nội Jazz. CestMoi - Làn sóng nhỏ của ca sĩ Thanh Hoa (Phú Nhuận) hát các ca khúc bất hủ...

TP.HCM còn có các quán bar - ca nhạc phục vụ một bộ phận giới trẻ thích không khí trẻ trung, sôi động như: phòng trà - bar MTV, Bar 2000, Cao Phong, 888, Number 1, Yesterday, Carmen, Digan... Seventeen Club (Tôn Đức Thắng) là điểm đến của những ai thích các ban nhạc nước ngoài và ca khúc nước ngoài.

Liveshow của Hồ Ngọc Hà

Đa số các quán cà phê máy lạnh hay sân vườn đều có chương trình “Hát với nhau” vào cuối tuần. TP.HCM cũng có rất nhiều quán karaoke như trên đường Sư Vạn Hạnh, Lê Văn Sỹ, Hoàng Văn Thụ... với những tên tuổi như Nice, Dân Ca, Làn Sóng Xanh, Lam Trường...

... Và khán giả “rộng cửa” đón nhận

Mấy năm trở lại đây, dù “khủng hoảng kinh tế” có ảnh hưởng tới túi tiền của khán giả, song thị trường giải trí ở TP.HCM nói chung vẫn “nở nồi”. Là thành phố đông dân nhất nước, TP.HCM đang là một thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư và kinh doanh liên quan đến lĩnh vực giải trí.

TP.HCM hiện nay là thành phố văn hóa đa vùng miền, bởi người Sài Gòn gốc chỉ chiếm khoảng 30%, cho nên khán - thính giả luôn “rộng cửa” đón nhận mọi trào lưu nghệ thuật. Hầu hết những chương trình giải trí mang tính thể nghiệm, phá cách dù có bị từ chối ở nơi khác thì đều có cơ hội được đón nhận ở đây.

Mặt tiền của một phòng trà

Sự đa dạng của thị trường giải trí ở TP.HCM chứng tỏ sự nhanh nhạy, chịu khó đầu tư và “chiều chuộng” khán giả của các nhà kinh doanh. Tuy nhiên, thời kinh tế khó khăn, khi đa phần công chúng phải “thắt lưng buộc bụng” thì khán giả Sài Gòn cũng “cân đong đo đếm” nếu các dịch vụ đi kèm và sản phẩm giải trí không “đáng đồng tiền bát gạo”.

Chẳng hạn tình trạng phòng trà ca nhạc Sài Gòn đang rơi vào cảnh vắng khách vì mọc lên quá nhiều, mà không có phòng trà nào đủ sức độc quyền ca sĩ tên tuổi, hay không tạo ra được không khí thoải mái - sang trọng - lịch sự và lãng mạn cho khách đến nghe.

Hoặc trong khi các cụm rạp nằm trong khu phức hợp giải trí - mua sắm - ăn uống luôn đông khách thì các cụm rạp cũ và riêng biệt lại rơi vào cảnh “ăn đong” hoặc vắng khán giả.

Càng ngày người dân TP.HCM càng quan tâm hơn đến các chương trình giải trí có chiều sâu, có sự đầu tư chuyên nghiệp. Nhất là khi họ có thừa kênh giải trí trên truyền hình mỗi đêm, các phương tiện nghe nhìn hiện đại tại nhà, nếu ca nhạc ở phòng trà, kịch nói ở sân khấu, phim chiếu rạp chưa đủ sức hấp dẫn thì khó mà kéo được khán giả ra khỏi nhà.

Xem ra, thị trường giải trí “rộng cửa” song cũng không dễ để đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường giải trí ở TP.HCM: "Muốn gì có nấy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO