Thị trường ca nhạc TP. HCM: Phai hương, nhạt sắc

QUÂN TRẦN| 13/07/2011 00:29

Trong khi các chương trình ca nhạc tại Hà Nội thời gian gần đây thường cháy vé dù giá vé không rẻ, thì các “sô” diễn tại TP.HCM lại phải chật vật mới có khán giả. Các bầu sô chia sẻ, thị trường âm nhạc đòi hỏi phải có thời gian tái tạo thì họa may mới khởi sắc được cũng như có thể mang đến cho khán giả những đêm nhạc chất lượng.

Thị trường ca nhạc TP. HCM: Phai hương, nhạt sắc

Trong khi các chương trình ca nhạc tại Hà Nội thời gian gần đây thường cháy vé dù giá vé không rẻ, thì các “sô” diễn tại TP.HCM lại phải chật vật mới có khán giả. Các bầu sô chia sẻ, thị trường âm nhạc đòi hỏi phải có thời gian tái tạo thì họa may mới khởi sắc được cũng như có thể mang đến cho khán giả những đêm nhạc chất lượng.

Lượng nhiều, chất ít

Thực ra các chương trình ca nhạc ở TP.HCM vẫn diễn ra đều đặn, có thể kể tên một số chương trình như: Sea show, Gala Mùa hè sôi động, Khi tôi 18, Quà tặng âm nhạc, Giai điệu hot... và trong những chương trình này cũng có sự xuất hiện của những ca sĩ trẻ nổi tiếng. Nhưng, thực tế đa số khán giả đều đến xem bằng vé mời, hoặc nếu có mua vé thì cũng chọn loại vé có giá khá rẻ.

Đây chính là lý do khiến các chương trình ca nhạc phải thu hẹp quy mô. Đêm âm nhạc và thời trang Machisno Fashion Week Thu Đông mới đây được tổ chức ở một địa điểm nhỏ với vỏn vẹn chừng 300 khách, đêm nhạc Ngày hội âm nhạc tuổi 30 diễn ra trong khuôn viên IDECAF.

Đặc biệt, tour diễn được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật gần đây là Café tour lại diễn ra tại... các quán cà phê nhỏ trong thành phố. Theo các bầu sô, để giải bài toán doanh thu thì không còn cách nào khác.

Bên cạnh thu hẹp quy mô còn phải kể đến chất lượng khá kém, nếu không muốn nói là thả nổi của những chương trình ca nhạc gần đây. Chẳng hạn như Sea show, Gala Mùa Hè sôi động... chỉ là những đêm nhạc thuần túy, các ca sĩ xếp hàng hát vài bài, không đầu tư nhiều cho thiết kế sân khấu, không dành nhiều thời gian cho công tác biên tập chương trình...

Một thực tế nữa là những tên tuổi một thời như Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà... cũng dần ít xuất hiện ở những “sô” diễn kiểu này, vậy nên không có gì hấp dẫn để có thể lôi kéo khán giả đến xem.

Tìm lại niềm tin

Bầu sô Quang Huy, người từng thành công với loạt chương trình Thế giới V.pop cách đây vài năm, chủ Công ty Âm nhạc We - pro, đơn vị đã làm nên tên tuổi của các ca sĩ Lương Bích Hữu, Ưng Hoàng Phúc, Phạm Quỳnh Anh, Thu Thủy, chia sẻ:

“Các chương trình biểu diễn âm nhạc Việt Nam cần có thời gian để tái tạo thị trường”. Theo Quang Huy, các bầu “sô” cần đầu tư nhiều hơn để các đêm diễn thực sự chất lượng và quan trọng hơn là phải chịu... bù lỗ để lấy lại niềm tin của khán giả.

Cũng đề cập vấn đề tái tạo thị trường, một bầu “sô” khác nhấn mạnh, việc cần thiết nữa là không nên bắt tay với các “thảm họa nhạc Việt”. Thời gian gần đây, “thảm họa nhạc Việt” là cụm từ được nhắc đến nhiều trước sự xuất hiện của nhiều ca khúc và video clip không giống ai của các ca sĩ “từ trên trời rơi xuống”.

Tuy nhiên, các ca sĩ gieo rắc “thảm họa” vẫn tự tin nhờ “tai tiếng” mà họ đắt sô. Nếu dừng việc bắt tay với các “thảm họa” để làm sạch thị trường âm nhạc thì chương trình ca nhạc sẽ chất lượng hơn, các “thảm họa” cũng không có cơ hội phát triển và thị trường nhờ vậy sẽ lại tạo được niềm tin nơi khán giả.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, việc tái tạo thị trường âm nhạc tại khu vực có lượng người chịu đến rạp xem các chương trình ca nhạc nhiều như TP.HCM không thể chỉ trông chờ vào những tác động của các đêm diễn.

Còn khá nhiều yếu tố khác đang tồn tại cần phải giải quyết, chẳng hạn như ca sĩ thay vì tập trung vào chuyên môn, sáng tạo nghệ thuật để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc chất lượng thì lại chạy theo việc “khoe hàng” để có thể nhanh chóng nổi tiếng nhờ “tai tiếng”.

Nhu cầu hưởng thụ âm nhạc và tận mắt chiêm ngưỡng thần tượng của mình trình diễn là có thật, nhưng nếu phải lựa chọn hoặc là ngồi nhà xem các chương trình ca nhạc trên truyền hình đã được kiểm duyệt, được chăm chút, hoặc là bỏ tiền mua vé đến rạp để xem trực tiếp những chương trình được dàn dựng cẩu thả, chất lượng nghệ thuật kém thì chắc chắn khán giả sẽ không dại mất tiền để mua sự bực bội.

Vậy nên, chỉ khi nào thị trường âm nhạc TP.HCM tích cực chỉnh đốn thì mới mong thu hút được khán giả đến rạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường ca nhạc TP. HCM: Phai hương, nhạt sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO