Thẩm mỹ biểu diễn: những chuyện phản cảm

21/12/2011 05:20

Nghệ sĩ, ở bất cứ quốc gia nào, đều là những người tiên phong có ảnh hưởng rõ rệt nhất trong thẩm mỹ, thời trang, thậm chí lối sống cho cả một cộng đồng.

Thẩm mỹ biểu diễn: những chuyện phản cảm

Nghệ sĩ, ở bất cứ quốc gia nào, đều là những người tiên phong có ảnh hưởng rõ rệt nhất trong thẩm mỹ, thời trang, thậm chí lối sống cho cả một cộng đồng.

Đáng ngại thay, thẩm mỹ trong biểu diễn của ngành giải trí Việt Nam gần đây hầu hết lại liên quan đến chuyện “lộ hàng”, “phản cảm”, “gợi dục”...

Khá bất ngờ khi một nhà thiết kế có tiếng điềm tĩnh như Thuận Việt lại giận đến độ đòi lấy lại áo dài mà anh đã thiết kế cho một thí sinh trong cuộc thi Siêu mẫu VN 2011.

Lý do là cô này đã tự tiện tháo những họa tiết Thuận Việt đính trên chiếc áo dài mà ban tổ chức cậy nhờ anh thiết kế cho toàn bộ thí sinh trong đêm chung kết, thay những họa tiết đó bằng họa tiết sặc sỡ cùng rất nhiều tua rua khác cho... hoành tráng.

Cứ ngỡ mình là... nhà thiết kế

Cô thí sinh đó cũng hồn nhiên cho biết mình làm vậy để được khác biệt và nổi bật, bất chấp đề thi và ý tưởng chung được ban tổ chức và nhà thiết kế đưa ra. Đó là trong khuôn khổ một cuộc thi.

Còn ở những cuộc trình diễn thì chuyện các người đẹp muốn nổi bật hơn người là vô số kể. Còn nhớ trong chương trình Duyên dáng Việt Nam năm ngoái tại Phú Yên, người đẹp T.T.M. cũng bỗng nhiên thay đôi bông tai rất giản dị, nền nã dành cho bộ sưu tập áo yếm “rất Việt Nam” bằng những sợi dây lấp lánh trước trán bắc qua đôi bông tai.

Trông cô cứ như một phụ nữ Ấn Độ trong một cơn hứng chí mặc áo yếm lượn lờ trên sân khấu, chứ không phải một người mẫu đang trình diễn nét đẹp của bộ sưu tập áo yếm Việt. Sự việc này dĩ nhiên đã là một cú sốc cho nhà thiết kế lẫn người thưởng ngoạn trong đêm diễn.

Cũng có lần giới truyền thông phát hoảng vì các người mẫu “tự nhiên” dẹp bỏ cái áo lá được nhà thiết kế cẩn thận đính kèm bộ trang phục bằng vải voan khi trình diễn trên sân khấu. Kết quả là đêm diễn lẫn bộ sưu tập hoàn toàn thất bại vì khán giả bị bội thực “núi đôi” cùng những lời phê bình không thương tiếc.

Nói về “nỗi khổ những đứa con bị thay hình đổi dạng”, nhà thiết kế Nguyễn Công Trí - người đã gầy dựng phong cách thời trang rất thành công cho nhiều nghệ sĩ của làng giải trí Việt - đầy tâm trạng:

“Thông thường chúng tôi thiết kế hoặc tư vấn luôn cả những phụ trang đi kèm như giày, thắt lưng, hoa cài áo, hoa tai, dây chuyền... nhưng các nghệ sĩ cũng như khách hàng luôn muốn tự sáng tạo. Mà những sáng tạo đó đôi khi đã gây nên sự phản cảm”.

P.V. trong việc kết hợp một chiếc áo sát cánh lấp lánh mà Công Trí đã thiết kế cho cô cùng chiếc quần cộc thật ngắn do cô tự phối với chiếc áo đó là một ví dụ cho sự không phù hợp, dẫn đến phản cảm và người làm nghề thiết kế phải đôi lần chịu trận.

Tâm lý phải “hơn chị hơn em” và việc họ luôn cần phải khác đi hoặc lạ hơn trong mỗi sự kiện xuất hiện chính là một áp lực. Áp lực đó buộc các nghệ sĩ phải đầu tư nhiều và sáng tạo hơn cho trang phục, tìm kiếm cái dễ đập vào mắt công chúng nhất, trong mỗi lần xuất hiện.

Có người chọn sự thanh lịch, trang nhã nhưng cũng không ít người đã chọn cách đeo thật nhiều trang sức, gắn vào người đủ loại “kim sa hạt lựu”, lông, tua hay diện những bộ váy thật ngắn, áo hở bụng, hở ngực, hở lưng... để được “nổi bật hơn người”.

Nghệ sĩ hay truyền thông phản cảm?

Người mẫu, diễn viên Ngô Thanh Vân - một trong những nghệ sĩ được đánh giá là có “gu ăn mặc” và đang sở hữu một dòng sản phẩm thời trang của riêng mình - cho biết:

“Tôi chuộng những thiết kế thật đơn giản, nhưng không chỉ nghệ sĩ mà cả người tiêu dùng khi chọn đồ thiết kế đều chuộng những mẫu thật nhiều chi tiết. Những mẫu áo đơn giản tôi mặc luôn nhận được những lời khen, nhưng nếu làm những mẫu như vậy ra thị trường thì chắc chắn rất khó bán”.

Nhà thiết kế Công Trí cũng nhận định: “Giản tiện tối đa những chi tiết, trở về phong cách cổ điển sang trọng, thanh nhã chính là xu hướng hiện nay và sắp tới của thời trang thế giới”.

Nhưng vẫn còn nhiều nghệ sĩ Việt chưa bắt kịp hoặc nhận thấy sức hấp dẫn của xu hướng này. Phần lớn nghệ sĩ của ta đều bị nỗi ám ảnh mang tên “hoành tráng” lấn át trong việc chọn lựa trang phục, bất chấp hoàn cảnh mình xuất hiện. Mà nỗi ám ảnh đó một phần cũng do giới truyền thông mang đến.

Các tạp chí thời trang hay các trang báo mạng tại VN hiện nay liên tục đăng tải những bộ trang phục “thoáng mát” hoặc đắt tiền quá mức. Thông tin “lộ hàng” của các nghệ sĩ trong lẫn ngoài nước được chọn đưa ra trang nhất mỗi ngày.

Hình ảnh một nghệ sĩ ăn mặc thanh lịch sẽ không xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông bằng một nghệ sĩ ăn mặc diêm dúa, hở hang hay phản cảm.

Dẫu bị chỉ trích, họ vẫn là tâm điểm của báo giới và cả dư luận trong một thời gian dài và đương nhiên “nổi tiếng”. Đó là lý do vì sao nhiều nghệ sĩ trẻ hoặc không còn trẻ nhưng mãi chưa nổi tiếng đã chọn cách ăn mặc hở hang hoặc “không giống ai” để được biết đến nhanh chóng.

Giới truyền thông cũng không ngần ngại chĩa máy vào những “khu vực nhạy cảm” của các nghệ sĩ, “săn” những bức ảnh không thể nóng hơn mỗi khi họ xuất hiện để tăng lượng bạn đọc.

“Tôi thấy nhiều phóng viên cứ ngồi bệt xuống đất và chĩa ống kính lên chụp hỏi sao không “lộ hàng” hoặc tạo nên các khuyết điểm như đùi to, tỉ lệ giữa chân và các phần còn lại không cân đối của nghệ sĩ, mang đến một hình ảnh vô cùng phản cảm” - Công Trí nói thêm.

Vậy nên nỗ lực ăn mặc đẹp, thanh lịch của nghệ sĩ cũng rất cần sự góp sức đầy thiện ý và nhiệt tình từ giới truyền thông, vốn có quyền năng định hướng và ảnh hưởng dư luận hơn cả nghệ sĩ.

Cái đẹp trong biểu diễn nằm ở đâu?

Ở thời điểm này khi đi xem những vở diễn hay chương trình nghệ thuật trên sân khấu, không khó để nhặt ra nhiều điều chưa đẹp: nghệ sĩ ăn mặc lố lăng hay phản cảm, diễn viên văng tục để gây cười, vài nhân vật cố tình “chuyển đổi giới tính” để câu khách...

Vấn đề là những chiêu ấy lại được một bộ phận không nhỏ công chúng đón nhận, nườm nượp mua vé, vỗ tay rầm rầm và cổ vũ nhiệt tình. Ðến nỗi nhiều vở diễn bán hết vé chỉ vì trong đó có anh chàng bóng lộ với những trò náo kịch tưng bừng. Những tiểu phẩm hài vang rộn tiếng cười vì các “danh hài” cứ liên tục đệm những tiếng lóng chứ không phải vì những tình huống gây cười cần có.

Thậm chí không dừng lại ở phạm vi sân khấu hộp với một lượng khán giả phải mua vé, gần đây những màn giả gái, nam không ra nam, nữ không ra nữ một cách cố ý (nhưng không biết để làm gì) lại hiên ngang xuất hiện trên truyền hình quốc gia, nơi hàng triệu người lớn lẫn trẻ nhỏ đều có thể dễ dàng xem được.

Cái đẹp, cái hay thì chắc chắn sẽ có nhiều người thích. Nhưng ngược lại, cái có nhiều người hưởng ứng chưa chắc đã là cái hay, cái đẹp. Sự quan tâm của đám đông đôi khi chỉ vì những cái khác, lạ, “độc”, liều dễ dàng nổi lên giữa một mặt bằng chung nhàn nhạt. Hiệu ứng số đông này thường chỉ mang tính nhất thời và có khi được khởi xướng bởi một nhóm hâm mộ cuồng nhiệt.

Nhưng nguy hiểm là nhiều nghệ sĩ lại lấy điều đó làm kim chỉ nam của mình; nếu giả gái mà có nhiều người thích thì cứ thế mà son phấn, õng ẹo hay độn đắp các kiểu; nếu hở hang mà nổi tiếng hơn thì cứ thế mà cởi, khoe, lộ hàng; nếu cứ tung văng mạng những “cha, mẹ, mồ mả, tổ sư” trên sân khấu mà vẫn mua vui được thì việc gì phải suy tư với kịch bản hay lời thoại văn học...

Thậm chí nhiều nghệ sĩ còn mạnh dạn gọi đó là những “sáng tạo nghệ thuật” của mình. Và kết quả, chúng ta có một nền nghệ thuật biểu diễn quá sức rộn ràng với những chiêu trò, lấp lánh phục sức bên ngoài chỉ đủ để “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Vậy vai trò của hội đồng nghệ thuật nằm ở đâu khi hầu hết các chương trình biểu diễn ở VN đều phải có một buổi tổng duyệt trước buổi diễn chính thức?

Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh (phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN) cho biết: “Về nguyên tắc nếu vở diễn hay chương trình đó không vi phạm yếu tố chính trị hay không tuyên truyền văn hóa đồi trụy đều có thể biểu diễn được”.

Còn đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc (thành viên hội đồng nghệ thuật sân khấu TP.HCM) cho biết: “Mỗi khi đi dự phúc khảo một vở diễn, chúng tôi cũng rất oải những trò giả gái hay làm quá một cách lố lăng, nhưng chỉ có thể góp ý cho họ sửa đổi thôi chứ không thể cấm được”.

Cái đẹp trên sân khấu là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố. Nhưng cái đẹp quan trọng nhất chính là cái thần bên trong người nghệ sĩ khi biểu diễn. Có người không cần mặc đồ đẹp, không cần đóng vai chính nhưng vẫn để lại ấn tượng về một nhân vật có hồn. Cái đẹp đó chỉ có được bằng sự nghiêm túc khổ luyện, tự tôn trọng mình và tôn trọng khán giả.

Ở thời buổi mà dường như mọi thứ đều có thể xuất hiện và mất hút rất nhanh, những giá trị hay dở đôi khi lẫn lộn khó lường, cũng thật khó để tạo ra và giữ lại những giá trị thẩm mỹ căn cơ trong nghệ thuật. Biết là khó cũng vẫn phải cố gắng tìm, chứ chẳng lẽ cứ để khán giả vào xem nghệ sĩ gắn lông chim lòe loẹt, õng ẹo khoe hàng mãi sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thẩm mỹ biểu diễn: những chuyện phản cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO