Thái Lan - địa điểm "vàng" của điện ảnh thế giới

Hồng Như| 15/10/2019 08:00

Theo báo cáo của Hãng phim Thái Lan, trong 7 tháng đầu năm 2019 có 462 sản phẩm bao gồm phim điện ảnh, chương trình thực tế và quảng cáo của nước ngoài được quay tại đây, mang về 117 triệu USD vào ngân sách nhà nước.

Thái Lan - địa điểm

Điểm đến nhiều sức hút

Thái Lan bắt đầu xuất hiện trên màn ảnh thế giới vào năm 1971 trong phim The Big Boss của Bruce Lee, với bối cảnh tại Pak Chong - một thị trấn nhỏ nằm phía Đông Bắc thủ đô Bangkok. Năm 1978, Patpong, Bangkok trở thành bối cảnh của phim The Deer Hunter do Michael Cimino đạo diễn. Kể từ đó, Thái Lan liên tục xuất hiện trên màn ảnh thế giới, trong phim Hollywood và các nước khu vực châu Á.

Bangkok là nơi “ba chàng ngự lâm” Phil, Stu và Alan trong The Hangover phần 2 trải qua nhiều biến cố. Năm 2012, bộ phim hài Trung Quốc Lost in Thailand, quay tại Chiang Mai mang về 200 triệu USD phòng vé tại quốc gia tỷ dân. Nhiều du khách Trung Quốc đến Thái Lan “mục sở thị” địa điểm trong phim. Số chuyến bay từ Trung Quốc đến Chiang Mai tăng đáng kể, một số hãng hàng không phải mở thêm tuyến bay trực tiếp giữa hai địa điểm này. The Railway Man - bộ phim chiến tranh do Anh sản xuất - không chỉ quay tại Thái Lan mà còn dựa trên ký ức về câu chuyện có thật của phiến quân Nhật trên cầu sông Kwai, Thái Lan.

Những năm gần đây, số lượng nhà sản xuất (NSX) nước ngoài đến Thái Lan ngày càng tăng và thường xuyên hơn. Tính riêng trong lĩnh vực điện ảnh, từ tháng 1/2019 đã có 36 phim được quay xung quanh các đảo tại Phuket và Krabi, trong đó có phần 9 của Fast & Furious.

Các nền tảng phát trực tuyến như Netflix, HBO cũng chọn Thái Lan làm địa điểm thực hiện các dự án. Hiện Netflix đang triển khai loạt phim The Stranded do nhà biên kịch người Thái - Sophon Sakdaphisit - đạo diễn với đa phần cảnh quay được thực hiện tại đất nước này. HBO với chương trình Food Lore gồm 8 phần về ẩm thực châu Á, hẳn nhiên Thái Lan là điểm dừng chân không thể bỏ lỡ.

Bí mật của sự tăng trưởng

Để thu hút các đoàn phim quốc tế, nhà chức trách Thái Lan đã lượt bớt thủ tục đăng ký và giấy phép không cần thiết. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, quy trình cấp phép được sắp xếp hợp lý và thực hiện dễ dàng. Các cơ quan có trách nhiệm như: Bộ Du lịch và Thể thao, Bộ Văn hóa, Bộ Lao động và Bộ Môi trường cùng phối hợp nhịp nhàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đoàn phim.

Tháng 8/2015, lãnh đạo Bộ DL&TT Thái Lan đề nghị chính phủ thông qua sáng kiến hoàn lại một phần tiền cho các đoàn làm phim nước ngoài khi quay phim tại đây. Cụ thể, nếu đoàn phim chi 100 đến 200 triệu Baht khi làm phim ở Thái sẽ được hoàn lại 15-20% tổng chi phí. Nếu bộ phim có thể quảng bá hình ảnh đất nước và con người Thái Lan ra thế giới sẽ được hoàn thêm 3%. Đồng thời, chính phủ cũng miễn thuế cho các diễn viên nước ngoài đóng chính trong các bộ phim này.

Bên cạnh đó, sự đa dạng trong đặc điểm địa hình ở Thái Lan và phong cách làm việc chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm của người Thái cũng là lý do để các nhà làm phim cân nhắc. “Chúng tôi nhận được rất nhiều lời khen về cách làm việc. Bởi chúng tôi đã làm rất nhiều bộ phim trong thời gian dài và Thái Lan tự hào đi trước các nước trong khu vực Đông Nam Á về vấn đề này”, bà Ubolwan Sucharitakul - Giám đốc Hãng phim Thái Lan, cơ quan chịu trách nhiệm hợp tác với các NSX nước ngoài, thuộc Bộ DL&TT Thái Lan chia sẻ.

Mặc dù vậy, rào cản lớn nhất hiện nay của Thái Lan vẫn là vấn đề nhân lực. Vì vậy, Thái Lan đang tìm cách thiết lập tiêu chuẩn năng lực mới, đồng thời chú ý đào tạo các làm phim trong nước đạt chuẩn quốc tế. Đây vừa là mục tiêu vừa là thách thức mà Thái Lan phải vượt qua để tiếp tục tăng trưởng và trở thành địa điểm tin cậy của điện ảnh thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thái Lan - địa điểm "vàng" của điện ảnh thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO