Sự hấp dẫn của báo cũ và bột màu

KHẢI LY| 20/08/2015 09:04

Từ 15/8, tại Làng lụa Hội An diễn ra một triển lãm mang tên "Bột màu và báo cũ”, cuộc chơi đầy hoài niệm về một giai đoạn của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Sự hấp dẫn của báo cũ và bột màu

Từ 15/8, tại Làng lụa Hội An diễn ra một triển lãm mang tên "Bột màu và báo cũ”, cuộc chơi đầy hoài niệm về một giai đoạn của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Đọc E-paper

Triển lãm trưng bày 24 bức tranh được các họa sĩ vẽ bằng bột màu trên nền là những tờ báo cũ ố vàng, hai chất liệu phổ biến của thập niên 1960 - 1970 ở miền Bắc. Những cái tên không xa lạ trong giới hội họa như Lê Thiết Cương, Tào Linh, Bình Nhi, Quốc Thắng, Phương Bình, Doãn Hoàng Lâm, Trần Gia Tùng, Nguyễn Như Đức, Đỗ Dũng, Đức Phạm, Nguyễn Nghĩa Cương... đều chưa già, đều thành công với sơn dầu, acrylic và nhiều chất liệu khác, nay quay lại với bột màu và báo cũ, cùng làm nên những tác phẩm hấp dẫn.

Có thể hình dung thế này, mỹ thuật miền Bắc những năm chiến tranh rất thiếu thốn, sơn dầu, toan và vài chất liệu thông thường khác như ngày nay là của hiếm, gần như là báu vật đối với họa sĩ. Và đôi khi ý tứ hình ảnh bật ra, người nghệ sĩ đành dùng bột màu trải lòng mình, trải những mảng màu nghèo nàn đó lên giấy báo cũ.

Khi vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hoặc xem một vài bộ sưu tập tư nhân có thể bắt gặp một số tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng. Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái đã để lại những tác phẩm như thế, như ghi lại dấu ấn một giai đoạn, một chứng nhân về con đường nghệ thuật vẫn đi đến đích dù trải qua biết bao khó khăn.

Họa sĩ Lê Thiết Cương trong vai trò Curator của Triển lãm "Bột màu và báo cũ” nói: "Nghệ thuật không phụ thuộc vào chất liệu. Chúng tôi muốn sử dụng bột màu và báo cũ để nói về cuộc sống hôm nay". Và đúng là với cuộc triển lãm này, các họa sĩ đã giúp công chúng hiểu biết về một giai đoạn quá khứ của mỹ thuật Việt Nam.

Tranh của Nguyễn Nghĩa Cường

Thật thú vị khi nghe người trong cuộc, họa sĩ Phạm Trần Quân, nói về bột màu và báo cũ: "Tranh bột màu trên giấy báo cũ không đòi hỏi sự cầu kỳ, trau chuốt qua từng nét vẽ như ở các thể loại khác. Bù lại, khi vẽ nhanh và dứt khoát, người họa sĩ phải đảm bảo đã ở vào trạng thái thăng hoa cao độ về cảm xúc và ý tưởng".

Nữ họa sĩ trẻ Bình Nhi chia sẻ: "Bột màu là chất liệu tôi yêu thích, bởi nó trong trẻo, xốp mịn và dễ tạo cảm xúc. Nay khi bột màu được vẽ trên báo cũ càng tăng thêm hiệu quả không gian và chất liệu. Cái ý sâu xa ở chỗ một tờ báo tưởng như bỏ đi lại được biến thành tác phẩm quý giá của họa sĩ”. Họa sĩ trẻ Quốc Thắng thì rất dứt khoát trong lựa chọn chất liệu: "Bột màu trên báo cũ luôn tạo cho tôi sự bất ngờ, bút pháp tung tẩy nên tôi rất hứng thú. Vì tôi chuyên vẽ phong cảnh nên những trang báo, những hình ảnh của báo cũ luôn tạo cảm hứng cho tôi...".

Tranh của Nguyễn Như Đức

Các họa sĩ đã đưa chất liệu này đến với hai cuộc triển lãm tại Hà Nội và Hải Phòng để đo lường sự hứng thú của công chúng với tác phẩm. Nay với cuộc triển lãm thứ ba, với số lượng tranh hoàn toàn mới, "Bột màu và báo cũ” đi vào Hội An yên bình, có một sự hòa hợp tuyệt vời giữa chất liệu cũ kỹ ấy với cuộc sống trân trọng văn hóa của người Hội An. Với địa điểm trưng bày tại Làng lụa Hội An, một bảo tàng văn hóa về nghề tơ lụa, "Bột màu và báo cũ” đã được du khách nhiều nước đến xem, thích thú với sự sáng tạo của họa sĩ Việt Nam.

>Chứng khoán Trung Quốc khiến thị trường mỹ thuật thế giới tan nát?

>Những ngôi sao nữ của mỹ thuật đường phố

>Triển lãm mỹ thuật đắt giá nhất thế giới

>Những thủ đô mới của mỹ thuật thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự hấp dẫn của báo cũ và bột màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO