Quyền lực mềm của văn hóa

BÍCH HỒNG| 10/04/2014 09:20

Nếu coi marketing là công cụ của các đô thị trong thời đại ngày nay, thì các hoạt động văn hóa và giải trí sẽ trở thành trọng tâm của chiến lược phát triển đô thị trong tương lai.

Quyền lực mềm của văn hóa

Nếu coi marketing là công cụ của các đô thị trong thời đại ngày nay, thì các hoạt động văn hóa và giải trí sẽ trở thành trọng tâm của chiến lược phát triển đô thị trong tương lai.

Đọc E-paper

Ngày đầu tiên Hội Sách TP.HCM lần thứ 8 năm 2014 mở cửa, các công ty bán sách thu về 3,2 tỷ đồng. Người trẻ đi hội sách đông chẳng kém người già đi lễ chùa tháng Giêng. Những lúc thế này, có lẽ những người bán sách sẽ thấy khởi đi một niềm hy vọng về sức đọc của một siêu đô thị dường như không bao giờ ngủ.

Nhưng cũng phải nói cho công bằng, đây là thời kỳ đỉnh điểm các nhà phát hành sách tổ chức được "ba mũi giáp công" gồm: hội sách, tung nhiều chiêu tiếp thị trên mạng Facebook để thông tin về sách hay đến độc giả, và thứ ba là việc giảm giá trên 35% sách của tác giả đang được yêu thích.

Nếu một nhà đầu tư đến TP.HCM đúng thời điểm này, đi dạo Hội Sách và nghe chút thông tin, chắc sẽ có nhiều niềm tin hơn về sức mạnh tri thức và lực lượng lao động trẻ của thành phố.

Tổ chức những hội sách lớn cỡ quy mô của Hội Sách 2014 đạt được nhiều hiệu quả hơn là chuyện bán sách và cổ vũ văn hóa đọc. Nó tạo ra một hình ảnh đẹp, quảng bá cho đô thị đang cần những hướng phát triển mới. Nếu như coi marketing là công cụ của các đô thị trong thời đại ngày nay thì sản phẩm mà các đô thị đưa ra là các hoạt động văn hóa và giải trí sẽ trở thành trọng tâm của chiến lược phát triển trong tương lai.

Bốn chiến lược các đô thị sử dụng để xây dựng hình ảnh đều là phát triển văn hóa giải trí như: xây dựng các biểu tượng (chọn lọc hình ảnh hoặc xây dựng các kiến trúc mới độc đáo), tổ chức những sự kiện lớn (Olympic, Festival), gán cho đô thị các chủ đề (như New York - thủ đô văn hóa thế giới), và cuối cùng là khai thác di sản.

Các đô thị đã ý thức được văn hóa là nguồn tài nguyên chính trong nền kinh tế hậu công nghiệp, và sử dụng chính văn hóa như một công cụ để phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.

Với xu hướng này, có thể điểm mặt cụm ba thành phố rất gần nhau đều muốn dùng văn hóa để phát triển, nhưng không bắt chước để tạo ra những đô thị ven biển na ná nhau. Thành công xuất sắc nhất là Hội An, nơi đã đưa một di sản kiến trúc thành một bảo tàng văn hóa sống và biến nó thành "Điểm đến hấp dẫn nhất châu Á" trong hành trình 15 năm qua.

Hội An giỏi thu hút ý tưởng văn hóa phục vụ phát triển kinh tế, tạo ra một không gian kiến trúc cổ nhưng lại ôm gọn được bản sắc nhiều nền văn hóa xưa và nay hòa trộn. Những quán cà phê Pháp giữa phố cổ chẳng hề đối chọi với nhà hàng Nhật Bản hay chợ bán đèn lồng. Những làng nghề ven đô là những khu du lịch mang chức năng bảo tàng sống về kiến trúc nhà rường, nghề cổ truyền và ẩm thực địa phương.

Huế cũng là một đại diện của xu hướng này, với tên gọi mới "Thành phố Festival" đã giúp cho Huế một công cụ và cơ hội quảng bá, phát triển du lịch. Ở Việt Nam, chỉ có Huế mới đủ sức thuyết phục sự tham gia của vài chục quốc gia vào một lễ hội như Festival Huế.

Nằm giữa hai đô thị quá mạnh về di sản văn hóa, Đà Nẵng là đô thị trẻ hơn về nền tảng, đã khôn khéo chọn lối đi phát triển nền tảng cho sự văn minh. Không có các di sản văn hóa như lịch sử, kiến trúc hỗ trợ, không có lễ hội dân gian, nhưng Đà Nẵng đã xây dựng văn hóa từ chính môi trường và con người đô thị hiện đại.

Không có thành phố lớn nào ở Việt Nam có thể cạnh tranh với Đà Nẵng về sự an toàn, thân thiện, tử tế tỏa ra từ lối sống con người. Đây cũng là một thành phố thể hiện quyền lực từ môi trường được bảo vệ, được coi là một đô thị sạch khá hiếm hoi ở châu Á. Mới đây, đầu tháng 4, Đà Nẵng đã được đưa vào danh sách "Một trong 10 điểm đến mới hấp dẫn của châu Á".

Bài học của ba thành phố miền Trung đều có những đặc điểm đô thị kinh tế và văn hóa ven biển, nhưng đã tạo được bản sắc riêng về văn hóa địa phương, làm động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu những kịch bản thành công bị áp dụng rập khuôn tràn lan, tạo ra hàng loạt đô thị na ná nhau về bản sắc thì thật vô nghĩa!

>Hội sách TP.HCM: Sân chơi thiết thực
>Xem gì ở Festival Huế 2014?
>
Festival Huế 2014: Nhiều "món ngon" chưa dọn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyền lực mềm của văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO