Quản lý nghệ thuật không phải là phòng vệ!

BÍCH HỒNG| 30/07/2009 09:36

Đối tượng mới xuất hiện đặt công tác quản lý trước yêu cầu “phải nhạy cảm” được nêu đích danh tại Hội nghị Tổng kết quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh 2005-2008 chính là loại hình nghệ thuật đương đại ...

Quản lý nghệ thuật không phải là phòng vệ!

Đối tượng mới xuất hiện đặt công tác quản lý trước yêu cầu “phải nhạy cảm” được nêu đích danh tại Hội nghị Tổng kết quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh 2005-2008 (Đà Nẵng, 4-6/6)chính là loại hình nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn, video-art, mặc dù Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ủng hộ và coi nghệ thuật đương đại bình đẳng với các thể loại nghệ thuật khác trong đời sống văn hóa.

“Sóng cát” - Nghệ sĩ Thái Phiên từng vất vả để công bố những tác phẩm ảnh nghệ thuật khỏa thân của mình

Nghệ thuật đương đại = nổi loạn?

Ông Trần Quốc Chiêm - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội thừa nhận việc quản lý ngày càng khó khăn do sự phong phú của các trường phái, xu hướng sáng tác mới. Ông Chiêm đơn cử chương trình sắp đặt “Thăng” của các nghệ sĩ Đào Anh Khánh, Mạnh Hùng và Bradford Edwards kết hợp giữa sắp đặt, trình diễn kết hợp âm nhạc và múa.

Kế hoạch chương trình là có đốt một mô hình máy bay trực thăng (bằng chất liệu tre, vải, giấy) vào lúc kết thúc buổi diễn. Ngành văn hóa Hà Nội nhận định sẽ gây mất trật tự nếu đốt mô hình và kiên quyết yêu cầu họa sĩ bỏ ý định đó.

Họa sĩ Đào Anh Khánh cũng luôn được để mắt đến vì những chương trình “Đáo xuân”, trình diễn nghệ thuật sắp đặt tập trung đông giới nghệ sĩ và người xem dưới hình thức chơi xuân mà không xin phép.

Ông Đỗ Quốc Việt - chuyên viên Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, người từng va chạm nhiều với các “vụ việc” cho rằng mục đích “xấu” là có thật. Ông dẫn chứng triển lãm sắp đặt và video-art “Artconne Xions” do Viện Goethe tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có cảnh ráp nối việc làm thịt chó với hình ảnh một vị đại tướng lừng danh.

Cuộc triển lãm sắp đặt “Chiều buông toàn những thở dài” tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội với những bài thơ được viết trên đường phố Paris nay vẽ sơn son thếp vàng trong lòng chiếc cối đá. Nhưng những câu thơ dát vàng này lại mang toàn lời lẽ mà văn hóa công cộng không thể chấp nhận và đã bị kiểm duyệt, mặc cho nhà tổ chức và các tác giả phản ứng quyết liệt.

Trong triển lãm mang chủ đề “Nhân tạo siêu nhiên” của 10 tác giả thuộc nhiều quốc tịch tổ chức tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam có hình ảnh khỏa thân nhìn rõ phần mông của nhân vật, nhấn mạnh ở bộ phận chính giữa. Nhà tổ chức còn treo bức ảnh này ngay chính giữa phòng triển lãm, gây phản cảm nơi người xem.

Trong một triển lãm do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, giới thiệu tác phẩm “Nhà văn vẽ”, tác giả là các nhà văn quen thuộc. Tuy nhiên, tác giả Hoàng Minh Tường có bức vẽ Chí Phèo nằm ngủ trên đùi Thị Nở, nhưng cách diễn tả phản cảm nên Ban tổ chức buộc phải tháo xuống. Còn rất nhiều những ví dụ về các tác phẩm đã làm cho các nhà quản lý văn hóa phải... cảnh giác cao độ khi sự vi phạm quan điểm chính trị, thuần phong mỹ tục quá lộ liễu.

Nhìn lại quá trình cấp phép cho các triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh giai đoạn 2005 - 2008, ông Hoàng Đức Toàn - Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm cho rằng, công tác quản lý cấp phép triển lãm không thể buông lỏng vì thực tế đã có quá nhiều sự cố xảy ra như:

Tác phẩm sắp đặt “Tôi yêu sự trong sạch” của họa sĩ Trương Tân (trong khuôn khổ triển lãm Com-in của Viện Goethe tại Hà Nội), một số tác phẩm trong triển lãm Festival Mỹ thuật Trẻ, một số tác phẩm của Lý Trần Quỳnh Giang trong triển lãm cá nhân tại Trung tâm Văn hóa Pháp, một số tranh của họa sĩ Lê Hồng Thái đã bị ngăn chặn và xử lý để không ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Quản lý là không kìm hãm sáng tạo

Sau nhiều lần “ôm” tác phẩm đi tới đi lui giữa TP.HCM và Hà Nội mà vẫn chưa thể tổ chức triển lãm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên đành để cuốn sách ảnh nghệ thuật nude Xuân thì ra đời trước với số lượng in lần đầu là 2.000 cuốn. Cuốn sách này đã được bán hết ngay trong hai tháng đầu sau khi xuất bản và hiện đang chuẩn bị tái bản 2.000 cuốn.

Về cuộc triển lãm thì anh nói với báo chí, có lẽ sẽ chuyển về một địa phương nào đó “thoáng” hơn, hoặc triển lãm tại nước ngoài. Sự vất vả của Thái Phiên là một ví dụ điển hình về sự “tiên phong” trong lĩnh vực nghệ thuật nhạy cảm.

Ở một triển lãm sắp đặt trình diễn khác do họa sĩ Trần Lương tổ chức, một chiếc giường thủy tinh được bày trang trọng chính giữa; khách đến xem đang thắc mắc không hiểu ý đồ của tác giả thì một anh chàng vẹt đám đông chạy vào nằm ngay lên giường, tay chân khua khoắng loạn xạ.

Một cô gái kiên nhẫn ngồi bắt từng con côn trùng bỏ vào một cái hũ. Chúng bò ra cô lại bắt vào, cứ kiên nhẫn như thế suốt... một tuần tại một phòng triển lãm lớn. Một bức màn xô gợi nhớ thời bao cấp, vén lên thấy nguyên một mẹt cá khô đã bốc mùi nằng nặng.

Sau những cuộc triển lãm đầy sáng tạo như vậy, nhà quản lý văn hóa phải tăng cường “phòng vệ”. Dư luận thì đa chiều, một kiểu đa chiều không làm xã hội yên lòng.

Tại Hội nghị, ông Đỗ Kim Cuông - Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhìn nhận, văn học nghệ thuật không thể cứ đứng yên, phải đổi mới, phải thử nghiệm. Việc của các cơ quan chức năng là quản lý, nhưng quản sao để đừng kìm hãm sự sáng tạo, để không làm mất đi một môi trường tốt cho việc phát triển nghệ thuật.

Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh tâm sự, sự sáng tạo của các họa sĩ có xu hướng cách tân, đổi mới nghệ thuật thường bị suy giảm vì phải tính toán sao cho tác phẩm của mình được ra mắt công chúng. Và thế là tự thỏa hiệp với chính mình, tự kiểm duyệt.

Nghệ sĩ Thái Phiên đã gọi những tác phẩm ảnh nghệ thuật nude in trong tập Xuân thì là “ly rượu vang nhạt” và việc in những tác phẩm ấy trước khi triển lãm là tự kiểm duyệt mình. Như vậy công chúng có thể tò mò đặt câu hỏi: Tác phẩm đắc ý hơn nói bằng ngôn ngữ nghệ thuật nào mà họ không thể tiếp nhận nổi?

Dù sao, sự vất vả của Thái Phiên đã không làm nản lòng các nghệ sĩ khác. Đơn cử trường hợp của Dương Quốc Định mới cầm máy có 4 năm, nhưng đã có 30 giải thưởng ảnh nghệ thuật của nước ngoài, trong đó phần lớn là ảnh nude. Chỉ tiếc rằng đến giờ vẫn chưa có cuộc triển lãm nào của anh tại các đô thị lớn.

Tuy nhiên, giới hoạt động nghệ thuật có thể yên tâm với khẳng định của ông Hoàng Đức Toàn - Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm rằng đời sống xã hội phát triển nhanh đòi hỏi cấp quản lý phải nhanh nhạy nắm bắt thông tin để hoạch định những phương hướng, chính sách phù hợp, không cứng nhắc trong công tác quản lý.

Một chính sách phù hợp là cần thiết để các nghệ sĩ khỏi phải núp dưới danh nghĩa của các tổ chức văn hóa nước ngoài, hoặc tự bày “cuộc chơi” ở nhà riêng với một số bạn bè trong giới nghệ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản lý nghệ thuật không phải là phòng vệ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO