Phim Việt: Hợp tác để ra thế giới

XUÂN HƯƠNG| 11/11/2018 06:27

Mong muốn được ra thế giới (tham dự liên hoan phim quốc tế hay phát hành ở nước ngoài), ngày càng có nhiều phim Việt là sản phẩm của sự hợp tác hoặc thuê nhân lực nước ngoài.

Phim Việt: Hợp tác để ra thế giới

Cảnh trong phim"Cô Ba Sài Gòn"

Đây cũng là xu thế cần thiết cho phim Việt trong thời hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh hợp tác

Theo số liệu từ Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, tổng doanh thu của thị trường phim Việt năm 2017 khoảng 3.220 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2016. Thị trường phim Việt đang tăng trưởng 25% mỗi năm và sẽ đạt hơn 5.600 tỷ đồng vào năm 2020. Thị trường khởi sắc cũng khiến sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và giữa các bộ phim ngày càng gay gắt.

Cộng với nhân lực trong nước thiếu thốn và nhắm tới mục đích ra thế giới nên việc hợp tác với cá nhân và hãng phim nước ngoài cũng được đẩy mạnh. Nói như nhà sản xuất - đạo diễn Ngô Thanh Vân - người có nhiều cơ hội và kinh nghiệm hợp tác làm phim với nước ngoài thì "hợp tác sẽ giúp điện ảnh Việt Nam tiến gần đến quỹ đạo phát triển chung của điện ảnh thế giới".

Trong vài năm nay, dễ dàng nhìn thấy những cái tên nước ngoài trong ekip làm các phim: Tấm Cám: Chuyện bây giờ mới kể, Hương Ga, Lôi báo, Sắc đẹp ngàn cân, Vệ sĩ Sài Gòn, Cô hầu gái, Cô Ba Sài Gòn, Người bất tử..., với các chức danh như đạo diễn, biên kịch, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, kỹ xảo, dựng phim...

Link bài viết

Rồi phim hợp tác giữa nhà sản xuất Việt Nam và hãng phim nước ngoài cũng khá nhiều, từ Để Mai tính 2, Em là bà nội của anh, Fan cuồng, Truy sát, Chàng vợ của em (Việt Nam - Hàn Quốc) đến gần đây có Sám hối (Việt Nam - Ấn Độ), Twilight zodiac - Đêm hoàng đạo (Việt Nam - Mỹ), Girls 2 - Những cô gái và găng tơ, Bí mật đảo Linh xà, Ảo ảnh, Tình xuyên biên giới (Việt Nam - Hong Kong), E-Book và Angels Face (Việt Nam - Pháp), Lala: Hãy để em yêu anh, Hồn papa da con gái, Trường học bá vương, Song Lang, Thiên đường (Việt Nam - Hàn Quốc), Mỹ nhân thần sách (Việt Nam - Thái Lan), Đặc vụ ngầm (Việt Nam - Mỹ)...

Có một thực tế là hầu hết nền điện ảnh trong khu vực châu Á ngày nay đều du nhập những kỹ thuật hiện đại của công nghiệp điện ảnh thế giới và có sự hội nhập giao lưu. Vì thế, đầu tư vào nhân lực, tận dụng chất xám của các chuyên gia nước ngoài cũng là cách khá nhiều nhà đầu tư Việt Nam đang làm để nâng chất lượng phim.

Chẳng hạn, dự án 578 mời các nhà sản xuất Mỹ và Hàn Quốc, trong đó có đạo diễn Alain Figlarz - người từng diễn xuất và chỉ đạo hành động cho hơn 100 bộ phim hành động tại Hollywood, phần hậu kỳ do công ty hậu kỳ lớn của Hàn Quốc từng làm "bom tấn" Đại thủy chiến thực hiện. Phim Thiên đường mời đạo diễn - diễn viên Hàn Quốc và công ty kỹ xảo lớn nhất châu Á là Dexter Studio hợp tác.

Theo nhà sản xuất của phim Mỹ nhân thần sách, việc hợp tác mang đến nhiều cơ hội học hỏi từ ekip Thái Lan về phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học. Phương tiện, thiết bị làm phim rất hiện đại của nước ngoài sẽ giúp các nhà làm phim Việt Nam học hỏi về công nghệ và kỹ xảo điện ảnh khi hợp tác sản xuất.

Hợp tác cũng là cách để phát huy tốt nhất thế mạnh của mỗi bên. Tất nhiên, muốn hợp tác với đội ngũ quốc tế thì đội ngũ làm phim trong nước cũng phải chuyên nghiệp và giỏi chuyên môn. Có nhiều ekip làm phim như thế sẽ góp phần thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển.

Cẩn trọng khi chọn đối tác hợp tác

Theo các chuyên gia, để xây dựng thương hiệu điện ảnh của một quốc gia thì phải đạt được 2 yêu cầu chính yếu: có phim đoạt giải thưởng quốc tế uy tín và có phim bán được (hoặc phát hành được) ra nước ngoài. Cũng nhờ có sự hợp tác mà một số phim gắn mác "made in Vietnam" đã và sẽ được phát hành ra thế giới hay tham dự các liên hoan phim quốc tế. Như Song Lang vừa đại diện điện ảnh Việt Nam dự tranh giải thưởng Phim châu Á xuất sắc và Tinh thần châu Á của Liên hoan phim quốc tế Tokyo. Cô Ba Sài Gòn được gửi đi dự vòng loại Phim nói tiếng nước ngoài của giải thưởng Oscar 2019.

Mỹ nhân thần sách sẽ có 2 phiên bản riêng biệt được lồng tiếng Việt và tiếng Thái để phát hành cùng thời điểm tại 2 nước với sự trợ giúp của GMM - công ty giải trí truyền thông lớn nhất Thái Lan. Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân - đồng đạo diễn phim Thiên đường cho biết: "Nếu phim chỉ do Việt Nam sản xuất sẽ khó phát hành ở nước ngoài. Do đó, chúng tôi chủ động mời Cion Pictures - đơn vị có 20 năm làm nghề ở Hàn Quốc hợp tác để Thiên đường có thể dễ dàng ra rạp ở nước bạn".

Hướng đến thị trường nước ngoài cũng là mục tiêu của dự án 578, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ: "Nhiều người đang không tự tin về doanh số khi cứ nghĩ đỉnh cao này hay đỉnh cao khác là điểm khó vươn tới. Theo tôi, đỉnh cao về doanh số của phim Việt không có giới hạn cuối cùng. Phim lớn sẽ đi kèm với cơ hội lớn. Dự án 578 cần một ekip giỏi trong nước và quốc tế để đáp ứng thị hiếu của khán giả trong và ngoài nước".

Thế nhưng thực tế cũng cho thấy, không phải sự hợp tác nào trong những năm qua cũng gặt hái được thành quả tốt đẹp. Đã có một số nhà sản xuất Việt Nam thiếu kinh nghiệm, tiềm lực lại yếu nhưng nôn nóng muốn tạo dựng tên tuổi nên đã "liều" hợp tác với đối tác nước ngoài chỉ ngang tầm, dẫn đến sản phẩm ra lò bị xếp vào hàng "thảm họa". Có thể kể đến Lọ Lem Sài Gòn (Việt Nam - Hàn Quốc), Ranh giới trắng đen (Việt Nam - Indonesia), Girls 2: Những cô gái và găng tơ (Việt Nam - Hong Kong), Yêu em từ khi nào (Việt Nam - Trung Quốc), Lala: Hãy để em yêu anh (Việt Nam - Hàn Quốc) khi công chiếu đã không tạo được chút tiếng tăm nào mà còn nhanh chóng biến mất. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim Việt: Hợp tác để ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO