Phim truyền hình Việt 2019: Sẽ chuyên nghiệp hơn

XUÂN HƯƠNG| 20/01/2019 07:00

Gu thẩm mỹ của khán giả ngày càng cao và mong muốn được xem những bộ phim truyền hình Việt Nam có nội dung hay. Chỉ có những sản phẩm chất lượng mới đủ sức cạnh tranh để tồn tại lâu dài...

Phim truyền hình Việt 2019: Sẽ chuyên nghiệp hơn

Ảnh minh họa: Cảnh trong phim Chạy trốn thanh xuân

Bức tranh đã sáng màu hơn

Giành chiến thắng tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần thứ 38 (diễn ra cuối tháng 12/2018) là 2 bộ phim "Việt hóa": Ngày ấy mình đã yêu (VFC sản xuất) và Gạo nếp gạo tẻ (DID TV sản xuất). Việc các phim Việt hóa được tham dự liên hoan phim và giành chiến thắng là điều bất ngờ, vì bấy lâu thể lệ các kỳ liên hoan phim thường niên chỉ nhận kịch bản thuần Việt.

Sự thay đổi này chứng tỏ tư duy mới, phù hợp với thực tiễn phát triển phim truyền hình Việt. Không còn khái niệm kịch bản Việt hóa hay thuần Việt mà quan trọng là chất lượng bộ phim và sự đón nhận của số đông khán giả ra sao.

Nhiều người trong giới nhìn nhận, nhờ Việt hóa mà diện mạo phim truyền hình 2018 đã khởi sắc hơn. Dấu ấn của 2 phim này cùng một số phim Việt hóa khác như Cả một đời ân oán, Hậu duệ mặt trời, Bố ơi mẹ ở đâu... khá thành công của năm 2018 sẽ tiếp tục làm nền tảng cho những dự án Việt hóa chuẩn bị "đổ bộ" màn ảnh nhỏ 2019.

Khởi đầu là phim Việt hóa Mối tình đầu của tôi lên sóng VTV3 trong tháng 1 này. Dự án phim Việt hóa Vua bánh mì cũng đang gây chú ý với thông tin tuyển diễn viên; hay Vì sao đưa anh tới và một số dự án khác đang được thực hiện.

Cảnh trong phim Hoa cúc vàng trong bão

Cảnh trong phim Hoa cúc vàng trong bão

Cũng nên nhắc đến một số bộ phim truyền hình có kịch bản thuần Việt như Nếu còn có ngày mai, Những khúc sông dậy sóng, Thương nhớ ở ai, Ngày mai bình yên, Cung đường tội lỗi, Giọt nước của dòng sông, Khép lại quá khứ, Mộng phù hoa, Con gái bố già, Quỳnh búp bê, Mật mã hoa hồng vàng, Mỹ nhân Sài Thành, Nhà ông Hoàng có ma, Con gái chị Hằng... tuy không tạo được sự đột phá lớn, nhưng được đầu tư chỉn chu về chất lượng, đề tài khá hay, hoặc nêu bật được những vấn đề gần gũi của đời sống nên ít nhiều đã góp gió thành bão vào bức tranh chung, giúp phim truyền hình năm 2018 mang màu sắc tươi sáng hơn.

Cảnh trong phim Mối tình đầu của tôi

Cảnh trong phim Mối tình đầu của tôi

Chuyên nghiệp là trên hết

Phim truyền hình Việt đã có những năm tháng hoàng kim với sự gia tăng nhanh chóng của các khung giờ phát sóng trên các kênh truyền hình lớn và sự tham gia sản xuất của các đơn vị tư nhân. Tuy nhiên, khi mỗi tập phim với mức chi trả cào bằng 200 triệu đồng không còn đủ chi phí tối thiểu cho khâu đầu tư sản xuất thì thị trường phim truyền hình Việt bắt đầu trở nên ảm đạm.

Không riêng gì năm 2018 mà từ vài năm trước đó, sức ép rating, quảng cáo khiến phim truyền hình Việt bị co cụm lại trên các đài truyền hình lớn. Số lượng nhà sản xuất giảm rất nhiều, sản lượng phim mới cũng bớt xuống chỉ còn phân nửa, nhiều nhà sản xuất chuyển sang làm trò chơi truyền hình hay phim chiếu rạp.

Phim ảnh bây giờ không có "cửa" cho những tay chơi nghiệp dư, làm phim theo kiểu chụp giựt. Có thể nói rằng, một cuộc chơi mới đã bắt đầu, một trật tự mới được xác lập và tất nhiên, sẽ xuất hiện những tay chơi mới.

Một số nhà sản xuất lâu năm như M&T Pictures, Mega GS, Blue Light... vẫn "trụ" lại với phim truyền hình nhưng chọn lọc kịch bản, đội ngũ làm phim từ đạo diễn đến dàn diễn viên đều có tay nghề và thực lực, chỉn chu về bối cảnh, kỹ thuật... để có được sản phẩm chất lượng tốt nhất trong điều kiện có thể.

Đặc biệt sau thời gian "ngủ đông", nhường "sân" cho các nhà sản xuất tư nhân, VFC - Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) từ 2 năm qua đã giành lại được vị thế, với Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Thương nhớ ở ai... có công lớn trong việc kéo khán giả quay lại xem phim Việt trên màn ảnh nhỏ.

Bên cạnh VFC, năm 2018 vừa qua cũng chứng kiến sự trở lại của Hãng phim TFS (Đài Truyền hình TP.HCM), với các phim như Về quê ăn tết, Bên kia sông.

Hiện nay TFS đã hoàn thành ghi hình các phim Mùa cúc Susi, Ráng chiều ấm áp,  Rừng thiêng... VFC và các nhà sản xuất tư nhân cũng đã và đang tiến hành đầu tư nhiều "dự án đinh" hứa hẹn tạo được sức bật lớn cho phim truyền hình Việt trong năm 2019. 

NSƯT Nguyễn Quốc Hưng - Phó giám đốc Hãng phim TFS, trong một bài trả lời phỏng vấn cuối năm đã nhận định: "Phim ảnh bây giờ không có "cửa" cho những tay chơi nghiệp dư, làm phim theo kiểu chụp giựt. Có thể nói rằng, một cuộc chơi mới đã bắt đầu, một trật tự mới được xác lập và tất nhiên, sẽ xuất hiện những tay chơi mới. Tất cả sẽ chỉ quy về 2 chữ "chuyên nghiệp" - chuyên nghiệp trong ý tưởng kinh doanh, thực hiện phim và cả trong cách PR, phát hành".

Còn NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đúc kết: "Đầu tiên phải có kịch bản hay, đề tài được xã hội quan tâm. Thứ hai, cần sự đầu tư chỉn chu của nhà sản xuất. Thứ ba, cần một ekip chuyên nghiệp. Sự nghiêm túc, đam mê của ekip, diễn viên sẽ tạo được sự thành công cho bộ phim. Như vậy có thể thấy, khi tự tin đầu tư vào nội dung kịch bản, đổi mới cách làm phim theo nhu cầu của khán giả thì phim Việt vẫn là một trong những thể loại trong chương trình truyền hình được yêu thích". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim truyền hình Việt 2019: Sẽ chuyên nghiệp hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO