Phim ngoại thắng thế ở thị trường Việt

NHƯ THỦY| 02/05/2017 06:33

Trong khi doanh thu của hầu hết phim Việt khá èo uột thì phim ngoại nhập lại liên tục lập kỷ lục phòng vé ở Việt Nam.

Phim ngoại thắng thế ở thị trường Việt

Trong khi doanh thu của hầu hết phim Việt khá èo uột thì phim ngoại nhập lại liên tục lập kỷ lục phòng vé ở Việt Nam.

Đọc E-paper

Cuối tuần qua, Fast & Furious 8 đã không chỉ "làm mưa làm gió" ở phòng vé toàn cầu với hàng loạt kỷ lục đáng nể chỉ sau 3 ngày công chiếu chính thức, mà còn lập nhiều kỷ lục tại Việt Nam. Chỉ sau 2 ngày khởi chiếu sớm (12 và 13/4), Fast & Furious 8 đã thu được hơn 20 tỷ đồng, trở thành phim khởi chiếu sớm có doanh thu cao nhất Việt Nam.

Khi chính thức công chiếu từ ngày 14/4, chỉ tính riêng 3 ngày cuối tuần, Fast & Furious 8 đạt doanh thu hơn 70,5 tỷ đồng và 818.382 lượt khán giả đến rạp xem phim (theo thông báo của CGV).

Năm 2015, Fast & Furious 7 - phần phim cuối cùng có tài tử Paul Walker tham gia - đã thu được hơn 7 triệu USD tại Việt Nam (150 tỷ đồng), trở thành phim nước ngoài có doanh thu cao nhất.

Trước Fast & Furious 8, vào tháng 3 năm nay, với hiệu ứng truyền thông cộng với niềm tự hào khi các địa danh nổi tiếng của Việt Nam xuất hiện trong bom tấn đầu tiên của Hollywood quay tại Việt Nam, Kong: Skull Island (Kong: đảo Đầu lâu) chỉ trong một tuần công chiếu đã thu hút tới 1,3 triệu lượt người xem và cán mốc doanh thu 104 tỷ đồng, trở thành bộ phim có doanh thu trong tuần đầu tiên phát hành cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Theo tờ Business Korea, chỉ riêng cụm rạp CJ CGV ở Việt Nam đã bán ra tổng cộng 1,6 triệu vé xem phim Kong: đảo Đầu lâu, thu về 6,3 triệu USD (tương đương 143 tỷ đồng).

Ngoài 2 bộ phim trên, từ đầu năm 2017 còn có một số phim nước ngoài khác đạt doanh thu cao hơn rất nhiều so với phim Việt phát hành cùng thời điểm, như: Your Name, phim hoạt hình của Nhật Bản, đã bán ra 37.000 vé sau 3 ngày ra mắt (từ 13/1), và con số doanh thu 3,6 tỷ đồng cho thấy phim có sức hút lớn với khán giả dù đã bị phát tán bản lậu trực tuyến.

Phim Beauty and the beast (Người đẹp và quái vật) cũng đạt doanh thu ấn tượng ở Việt Nam, hơn 20 tỷ đồng, trở thành phim live-action của Disney có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.

Theo số liệu được các nhà phát hành công bố, xXx: Return of Xander Cage (Phản đòn) thu về hơn 40 tỷ đồng (từ 27/1 - 2/2), Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 thu về gần 40 tỷ đồng sau 6 ngày ra mắt (kể từ 28/1).

Ở Việt Nam, thị trường nhập và phát hành phim ngoại hiện nằm trong tay của chưa tới 10 đơn vị, gồm: CGV Việt Nam, Lotte Cinema, Mega GS Distribution, Saigon Movies Media Distribution, Galaxy Distribution, BHD, The Green Media, MVP... Trong số này, trừ The Green Media chưa có hệ thống rạp chiếu riêng, còn lại đều có ít nhất từ một cụm rạp trở lên.

Theo số liệu của Cục Điện ảnh, tính đến hết năm 2016, cả nước có 138 rạp, cụm rạp chiếu phim, với tổng số lượng phòng chiếu là 510 và tổng số lượng ghế ngồi là 86.500.

Tuy gần đây, Platinum bị buộc phải đóng cửa 3 cụm rạp với tổng số 28 phòng chiếu, nhưng CGV Việt Nam đã khai trương thêm 2 hệ thống rạp nữa ở Trà Vinh và TP.HCM, nâng tổng số sở hữu lên 40 cụm rạp với 257 phòng chiếu và 35.057 ghế ngồi.

>>Phát hành phim: Đến lúc "đàm phán cứng"

Hiện CGV là đơn vị được 2 hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam, tức 90% phim Hollywood được nhập về Việt Nam thông qua CGV. Ngoài ra, CGV còn độc quyền nhập thêm những phim do CJ Entertainment - một nhà phân phối và sản xuất phim lớn nhất Hàn Quốc - phát hành.

Theo tờ Business Korea, CGV Việt Nam đạt doanh thu 16 triệu USD (364 tỷ đồng) nhờ bán ra khoảng 4 triệu vé trong quý I/2017. Và cụm rạp này chiếm 50% doanh số phòng chiếu và 65% thị phần phân phối phim tại Việt Nam, ông Kwak Dong Won - Giám đốc Quản lý của CJ CGV Việt Nam cho biết.

Có thể nói, với dân số trên 90 triệu người, đa phần là người trẻ - đối tượng chủ yếu đến rạp xem phim hiện nay, thị trường Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ số lần đến rạp trung bình của người Việt Nam hiện còn thấp hơn các nước trong khu vực, cụ thể, số lần đến rạp của người Việt Nam chỉ bằng 1/6 Malaysia và 1/12 so với Hàn Quốc.

Theo bà Bích Liên - đại diện của Mega GS Distribution, số lần đến rạp của người Việt sẽ tăng lên và đến năm 2018, tổng doanh thu phòng vé tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015, tức vượt mốc 200 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng). Điều này có nhiều khả năng thành hiện thực khi hệ thống rạp hiện đại đang được tiếp tục mở rộng ra nhiều vùng, miền.

Ví như, ngoài TP.HCM và Hà Nội, CGV còn hướng đến các thành phố có dân số tiềm năng, với nhu cầu thưởng thức phim tại các rạp chiếu phim hiện đại đủ lớn mà chưa có cụm rạp nào đáp ứng.

Hiện đang sở hữu 8 cụm rạp, kế hoạch BHD đặt ra là đến năm 2018 - 2020 sẽ có hơn 20 cụm rạp trên toàn quốc; Galaxy đang có 7 cụm rạp và chuẩn bị khai trương cụm thứ 8 tại Q.12, TP.HCM trong mùa hè này; Mega GS cũng sẽ đạt từ 4 - 5 cụm rạp trong năm 2017 - 2018.

Bên cạnh dòng phim chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, gần đây, các nhà phát hành đang mở rộng sang các nền điện ảnh khác như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Nga, Pháp, Ấn Độ,... vừa để thăm dò thị hiếu, vừa làm phong phú hơn nhu cầu thưởng thức của khán giả Việt Nam.

Chỉ tiếc rằng, khi thị trường rạp ngày càng mở rộng, khán giả chịu khó đến rạp xem phim hơn thì phim điện ảnh Việt lại có nguy cơ bị "thất sủng", số lượng tăng nhưng chất lượng không tương xứng dẫn đến doanh thu kém, không ít phim âm thầm "cất kho" chỉ trong vòng 1 - 2 tuần công chiếu.

>>Phim Việt kỳ vọng vào sức trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim ngoại thắng thế ở thị trường Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO