Phim lịch sử: Cơn khát dài tập

PHƯƠNG QUYÊN| 11/05/2012 01:03

Anh hùng Nguyễn Trung Trực", bộ phim lịch sử được đầu tư, dàn dựng công phu và ấn tượng về mặt nội dung nhưng vẫn không gây được sự chú ý từ phía dư luận.

Phim lịch sử: Cơn khát dài tập

Hai mươi năm sau ngày cho ra mắt bộ phim dã sử Thạch Sanh - Lý Thông, đạo diễn Phan Hoàng, Giám đốc Hãng phim Cửu Long, mới lại quyết định bắt tay vào làm một bộ phim về đề tài lịch sử. Anh hùng Nguyễn Trung Trực, bộ phim được đầu tư, dàn dựng công phu và ấn tượng về mặt nội dung nhưng vẫn không gây được sự chú ý từ phía dư luận. Câu chuyện của Anh hùng Nguyễn Trung Trực đã đặt ra một vấn đề đáng quan tâm của điện ảnh Việt Nam.

Đọc E-paper

Khó từ đầu

Chiến hạm Espérence - mô hình trị giá 1,5 tỷ đồng

Anh hùng Nguyễn Trung Trực

là bộ phim truyền hình đề tài lịch sử, dài 20 tập, lấy bối cảnh là phong trào đấu tranh yêu nước hồi đầu thế kỷ XIX của người dân tỉnh Kiên Giang, dưới sự lãnh đạo của anh hùng Nguyễn Trung Trực nhằm chống lại giặc Pháp xâm lược.

Theo công bố từ Hãng phim Cửu Long, kinh phí thực hiện bộ phim này lên đến 500 triệu đồng/tập. Trong đó, nhà đài đầu tư 400 triệu đồng/tập, phần còn lại hãng phim phải tự xoay xở.

Những tưởng, với số tiền này hãng phim sẽ có thể thong thả trang trải, nhưng thực tế lại không phải vậy. Với nội dung bao gồm 18 trận đánh lớn, quy tụ 10 cascadeur chuyên nghiệp, 50 diễn viên người nước ngoài..., đoàn làm phim đã phải chi tiêu rất tiết kiệm.

Đạo diễn Phan Hoàng cho biết, so với thể loại phim truyền hình đề tài xã hội, làm phim lịch sử khó trăm bề. Ngoài khó khăn trong tìm kiếm bối cảnh quay, phim truyền hình lịch sử “ngốn” chi phí nhiều hơn rất nhiều lần ở khâu phục trang, đạo cụ...

Chỉ riêng đầu tư cho phục trang, đoàn làm phim đã mất đến hơn 300 triệu đồng. Đặc biệt, trong trận đánh cuối, để có được chiếc tàu giống với chiến hạm Espérence của thực dân Pháp, đoàn làm phim đã phải nhờ Bảo tàng Paris tổng hợp và gửi tư liệu để nghiên cứu.

Riêng kinh phí đóng chiếc tàu đạo cụ này đã chiếm đến 1,5 tỷ đồng. “Đây là một thử thách cho đoàn làm phim. Với kinh phí có hạn, chúng tôi phải chọn giữa cái đúng, cái đẹp và ngân sách”, đạo diễn Phan Hoàng chia sẻ.

Rất may là UBND tỉnh Kiên Giang, quê hương của anh hùng Nguyễn Trung Trực, thấy được khó khăn của đoàn làm phim nên đã hỗ trợ 1 tỷ đồng để đóng một phiên bản Espérence như ý.

Không chỉ khó khăn về bề nổi, theo nhà biên kịch Dương Minh, việc chọn đề tài lịch sử gây khó cho việc làm phim ngay từ khâu kịch bản. Người biên kịch phải tìm kiếm, đối chiếu với sử liệu rất kỹ, bởi chỉ cần sai lệch một chút thôi cũng sẽ gây ra hậu quả rất lớn.

Do vậy, kịch bản phim lịch sử phải được duyệt rất nhiều lần. Đồng cảm với nhà biên kịch Dương Minh, họa sĩ Trần Xuân Chúc cho biết, sử liệu là nguồn tham khảo duy nhất nhưng với người làm phục trang cho phim lịch sử, nguồn tư liệu này cũng rất hiếm hoi vì đây là yếu tố ít được đề cập trong sử sách.

Phim Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long phải dời lịch chiếu vì “giống phim Tàu” là một trong những ví dụ về thử thách trong trang phục ở thể loại phim lịch sử.

Lên sóng truyền hình cũng khó


Nhìn lại quá trình làm nghề của mình, đạo diễn Phan Hoàng khẳng định: “Các nhà làm phim nếu phải lựa chọn giữa phim xã hội và phim lịch sử thì quyết định làm phim lịch sử là một lựa chọn khó khăn. Chỉ có người nặng lòng với nghề mới quyết định chọn đường khó”. Đó chính là lý do suốt thời gian qua, trong khi hàng trăm phim truyền hình đề tài xã hội đã lên sóng thì chỉ có vài phim lịch sử trình làng.

Đạo diễn Phan Hoàng chỉ đạo diễn xuất phim lịch sử

Đứng ở góc độ nhà sản xuất, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, cho biết, đầu tư cho phim lịch sử quả thật không dễ dàng. Bởi phim lịch sử bao gồm cả giá trị giáo dục và tuyên truyền lịch sử nên đòi hỏi rất cao ở quá trình thực hiện, nhất là việc đầu tư cho khâu kịch bản.

Đầu tư cao, thực hiện khó, vậy mà thời gian trình chiếu của các phim lịch sử cũng chẳng thể lọt vào khung giờ vàng của nhà đài. Cụ thể, với Anh hùng Nguyễn Trung Trực, giờ lên sóng là 22 giờ.

Với Về đất Thăng Long, giờ phát sóng còn đến tận 22 giờ 30 phút... thì khán giả ít theo dõi cũng là điều dễ hiểu. Trong một tọa đàm bàn về cách nâng chất lượng phim truyền hình, bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Giám đốc Hãng phim M&T Pictures, cũng đã tiết lộ, việc phát sóng phim lịch sử trong khung giờ này khiến M&T Pictures thiệt hại hàng tỷ đồng do chi phí quá cao mà quảng cáo không đủ bù vào chi phí sản xuất.

Thực tế như thế nên Huyền sử Thiên Đô phần 3 vẫn chưa thể thực hiện. Và trong 10 dự án phim cho năm 2012 của Sóng Vàng cũng chưa có sự xuất hiện của phim lịch sử cũng không là chuyện lạ.

Điều đáng mừng là ngần ấy khó khăn cũng không ngăn được niềm đam mê của người làm nghề. “Dù khó nhưng Sóng Vàng vẫn quyết định sẽ làm phim lịch sử. Chúng tôi đang nghiên cứu một bộ phim về rừng Sác để hợp tác sản xuất với Hãng phim truyện 1”, bà Bích Liên tiết lộ.

Sau khi phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực hoàn thành, đạo diễn Phan Hoàng lại bắt tay vào làm 35 tập phim Mùa lá đỏ, sau đó là dự án phim 40 tập về anh hùng Trương Định. “Tôi thực sự cảm thấy hứng thú với dòng phim lịch sử, bởi ít ra những thước phim mình làm ra cũng có tác động phần nào đến người xem để họ biết tôn kính tiền nhân, những người đã xả thân làm nên lịch sử”, anh nói vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim lịch sử: Cơn khát dài tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO