Phim hay khán giả vẫn đắn đo

QUÝ YÊN| 23/10/2012 03:29

Diễn ra từ 18-24/10 tại TP.HCM và từ 6-8/12 tại Hà Nội, Liên hoan phim Việt - Hàn lần thứ I (VKFF - 2012) là nơi khán giả Việt Nam thưởng thức những tác phẩm điện ảnh hàng đầu Hàn Quốc.

Phim hay khán giả vẫn đắn đo

Diễn ra từ 18-24/10 tại TP.HCM (cụm rạp MegaStar Crescent Mall) và từ 6-8/12 tại Hà Nội (MegaStar Vincom Towers), Liên hoan phim Việt - Hàn lần thứ I (VKFF - 2012) là nơi khán giả Việt Nam thưởng thức những tác phẩm điện ảnh hàng đầu Hàn Quốc nhằm hiểu hơn nền văn hóa của đất nước này, và đây cũng chính là bước đầu tiên trong việc đưa văn hóa Việt Nam đến với xứ sở kim chi.

Đọc E-paper

Cha Ye-Ryeon và Johnny Trí Nguyễn

Tinh túy của điện ảnh xứ Hàn Với ý nghĩa “kết nối những tâm hồn”, VKFF - 2012 trình chiếu tổng cộng 10 tác phẩm thuộc nhiều thể loại. Trong đó, nổi bật là phim dã sử Masquerade (Hoàng đế giả mạo) của đạo diễn Choo Chang-Min, phim tình cảm Always (Mãi yêu em) của đạo diễn Song Il-gon, phim tâm lý As One (Đồng đội) của đạo diễn Moon Hyun-sung...

Ông Brian Hall, Tổng giám đốc MegaStar, thành viên Ban tổ chức VKFF - 2012, cho biết, đây là những bộ phim có chất lượng, là tinh túy của điện ảnh Hàn Quốc. Qua những thước phim ấy, hình ảnh về đất nước, con người Hàn Quốc cùng lối sống năng động, sáng tạo nhưng cũng còn lưu giữ dấu vết của một thời phong kiến... được thể hiện sống động.

Để thu hút khán giả đến với Liên hoan phim, những bộ phim được lựa chọn trình chiếu có sự góp mặt của nhiều diễn viên Hàn Quốc nổi tiếng như Yoon Eun-Hye, Kim Yun-Seok..., đồng thời Ban tổ chức còn mời hai diễn viên đang được chú ý khá nhiều là Cha Ye-Ryeon và Johnny Trí Nguyễn giữ vai trò đại sứ. Cặp đôi này đã tham dự nhiều hoạt động để cổ vũ cho Liên hoan phim.

Từng tham gia nhiều bộ phim điện ảnh thành công như: My little black dress, Sector 7 ; các phim truyền hình: The Royal family (2011), Dr. Champ (2010), Invincible Lee PyungKang (2009), Stars lover (2008), Working Moms (2008), Naughty love (2007)... và là gương mặt quen thuộc với khán giả Việt Nam qua vai diễn trong bộ phim kinh dị Mười, Cha Ye-Ryeon đã thu hút được sự chú ý của khán giả trẻ khi xuất hiện tại Liên hoan phim.

Cô chia sẻ: “Cả thế giới đang được truyền cảm hứng từ làn sóng Hàn Quốc thông qua cầu nối là điện ảnh, tôi hy vọng sự hiện diện của tôi sẽ khiến khán giả chú ý nhiều hơn đến sự kiện này”.

Ngoài Cha Ye-Ryeon, đến Việt Nam tham dự VKFF - 2012 còn có một trong những đạo diễn hàng đầu Hàn Quốc, ông Choo Chang-Min (đạo điễn các phim: Masquerade - Hoàng đế giả mạo (2012), City of The Rising Sun (1998), Happy Undertaker (2000), The End of April (2000), Mapado (2005), Lost in Love (2006), I love You (2010) và nhà sản xuất Won Dong-Yeon.

Khán giả “kén” phim? Tất nhiên, sự có mặt của Cha Ye-Ryeon và Johnny Trí Nguyễn đã khiến những người hâm mộ hai gương mặt này chú ý đến Liên hoan phim. Ngày khai mạc, rất nhiều văn nghệ sĩ Việt hiện diện trên thảm đỏ cũng đã lôi kéo khán giả đến rạp nhưng dường như vẫn chưa đủ.

Sau ngày khai mạc, ở các buổi chiếu tiếp theo chỉ thấy khán giả đến rạp lẻ tẻ, thậm chí có suất đếm chưa được 10 người. Nguyên nhân có khá nhiều.

Trong khi các liên hoan phim khác phát vé mời, tạo điều kiện cho khán giả theo dõi rộng rãi, thì VKFF - 2012 lại bán vé với mức giá khá cao, tương đương giá vé xem các phim bom tấn đang trình chiếu. Do vậy, khán giả cũng không mấy mặn mòi.

Bên cạnh đó, nơi tổ chức Liên hoan là cụm rạp MegaStar Crescent Mall, một địa điểm khá xa khu vực trung tâm thành phố, không thuận lợi đi lại, nên dù hạ tầng kỹ thuật thuộc hạng tối tân cũng không đủ sức hấp dẫn khán giả.

Theo ông Brian Hall, điều đáng chú ý là phần lớn phim được chiếu trong Liên hoan lần này thuộc dòng phim nghệ thuật, nên tuy đạt chất lượng về mặt nội dung nhưng lại thiếu những tên tuổi hiện đang được yêu thích. Một mình Cha Ye-Ryeon chưa đủ tạo nên sức hút, và dường như phần lớn khán giả Việt không mấy thích dòng phim nghệ thuật.

Diễn ra ở mỗi thành phố một tuần lễ, thời gian không ngắn nhưng cũng chưa đủ dài để nhiều người biết đến VKFF - 2012. Sẽ có khán giả tiếc nuối khi biết thông tin về Liên hoan muộn, nhưng cũng sẽ có người biết được thông tin mà chẳng quan tâm.

Bởi Liên hoan mới chỉ dừng lại ở việc chiếu phim Hàn trên đất Việt, tính chất trao đổi ngược lại vẫn chưa có. Và do vậy, Liên hoan vẫn chưa thực sự là một hoạt động giao lưu văn hóa đúng với kỳ vọng của người tổ chức.

“Chúng tôi biết nhược điểm này nhưng với chúng tôi, đây là một hoạt động dài hơi và tuần chiếu phim lần này chỉ là điểm khởi đầu. Những hoạt động đưa phim Việt cùng Johnny Trí Nguyễn sang Hàn Quốc tuyên truyền cho phim Việt sẽ được thực hiện trong tương lai”, ông Brian Hall khẳng định.

Hy vọng tương lai mà người tổ chức Liên hoan đề cập không còn quá xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim hay khán giả vẫn đắn đo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO