"Nữ quyền" trong giới sản xuất phim Việt

XUÂN HƯƠNG| 20/10/2017 06:24

Các nữ giám đốc sản xuất đang chiếm số lượng khá đông trong giới đầu tư và điều hành làm phim ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, giám đốc của các hãng, công ty phim cũng đồng thời là giám đốc sản xuất, đứng tên trên bảng generic của mỗi phim do hãng sản xuất. Thời chỉ có hãng phim nhà nước thì "đặc quyền" này gần như hoàn toàn thuộc về cánh mày râu. Chỉ có duy nhất nữ biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát từng nắm vai trò Giám đốc của Hãng phim truyện Việt Nam.

Từ năm 2003, khi Nhà nước cho phép xã hội hóa điện ảnh, đã xuất hiện nhiều phụ nữ đảm nhận vai trò giám đốc sản xuất của các công ty tư nhân có chức năng làm phim.

Có thể kể đến Đinh Thị Thanh Hương và Đinh Thị Hoa của Galaxy Studio và Galaxy M&E, được biết đến với các phim Những cô gái chân dài (2004), Khi yêu đừng quay đầu lại, Quả tim máu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Giải cứu thần chết, Mỹ nhân kế, Dạ cổ hoài lang...; 2 chị em Ngô Thị Bích Hạnh và Ngô Thị Bích Hiền - chủ nhân Công ty BHD từng sản xuất bộ phim đầu tiên Vũ khúc con cò (1999) và nhiều phim khác như Áo lụa Hà Đông, Những nụ hôn rực rỡ, Cô dâu đại chiến, Lửa phật, Cánh đồng bất tận, Quyên...; Trương Ngọc Ánh với Công ty TNA Entertainment, thực hiện những phim điện ảnh kinh phí lớn như Hương ga, Truy sát, Vệ sĩ Sài Gòn, Sắc đẹp ngàn cân và sắp tới là Sơn Tinh - Thủy Tinh...; Ngô Thanh Vân với Công ty giải trí VAA, từng làm các phim Ngày nảy ngày nay, Bẫy rồng, Tấm Cám: chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn...; Hồng Ánh với Công ty Blue Productions, thực hiện các phim Đường đua, Đảo của dân ngụ cư; Vũ Thị Bích Liên với Công ty Golden Screen và Mega GS Communication (hiện nay) từng làm các phim Nhà có 5 nàng tiên, Quý tử bất đắc dĩ, Lật mặt 1 và 2, Rừng xanh kỳ lạ truyện; Mai Thu Huyền với Công ty Tincom Media, thực hiện các phim Giấc mơ Mỹ, Lạc giới; Thanh Thúy với Công ty Giải trí Thiên Phúc, làm các phim Taxi, em tên gì, Ma dai, Mỹ nhân, già gân và găng tơ, Sứ mệnh trái tim; Bee Phạm với Công ty Dream Event, thực hiện các phim Trúng số, Lửa Phật, Bao giờ có yêu nhau, 78910; Jenni Trang Lê - nhà sản xuất của Chánh Phương Film với các phim Dòng máu anh hùng, Long ruồi, Để Mai tính, Em chưa 18, Fan cuồng...

Tham gia giới sản xuất phim gần đây còn có Linh Bồ với phim đầu tay S.O.S Sói trắng; Tú Vi với phim Đời cho ta bao lần đôi mươi; NSND Hồng Vân với phim Xóm trọ 3D... và chắc chắn đội ngũ nhà sản xuất nữ vẫn còn tiếp tục tăng. Do chưa có trường lớp đào tạo bài bản nên những người có kiến thức chuyên ngành về nghề giám đốc sản xuất ở nước ta rất hiếm.

Cũng chỉ có một số nữ giám đốc sản xuất như Mai Thu Huyền, Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh, Thanh Thúy, Bee Phạm... xuất thân từ nghề diễn viên hoặc có học về đạo diễn, còn hầu hết đều từ dân kinh doanh hay quảng cáo và truyền thông chuyển sang. Học nghề từ thực tiễn công việc, có thất bại, có thành công và rút kinh nghiệm theo thời gian, đã có nhiều người trở thành nhà sản xuất phim chuyên nghiệp và thành công.

Link bài viết

Thường khi xem phim, khán giả chỉ quan tâm đến nội dung hay, dở, tên tuổi và diễn xuất của diễn viên, hoặc đạo diễn, chứ mấy ai để ý đến giám đốc sản xuất. Có thể nói, mô hình sản xuất phim đòi hỏi rất bài bản từ chi phí sản xuất (hiện trung bình trên 10 tỷ đồng/phim có chất lượng) đến ngân sách cho quảng cáo, tiếp thị và phát hành phim, tất cả là gánh nặng trên vai giám đốc sản xuất.

Về cơ bản, một giám đốc sản xuất phải biết từ thẩm định đề tài hay kịch bản phim, tính toán được cần bao nhiêu kinh phí để sản xuất, mời đạo diễn và diễn viên cho phù hợp... đến giám sát sản xuất, tìm nhà phát hành, chọn thời điểm ra mắt phim thích hợp, và còn phải là người đứng giữa nhà đầu tư và đạo diễn để cân bằng giữa yếu tố thương mại và chuyên môn.

Không chỉ vậy, thị trường sản xuất phim ở Việt Nam vẫn đang tồn tại khó khăn về đội ngũ nhân sự, thiếu kịch bản hay, và đặc biệt là khó có thể đánh giá đúng và chính xác thị hiếu thưởng thức phim ảnh của khán giả.

Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cho biết thêm: "Với thị trường điện ảnh Việt Nam hiện tại, chỉ cần cho ra đời một bộ phim "làm thế nào để đừng lỗ" đã là khó. Nếu nhà sản xuất làm ra một bộ phim không được đón nhận, xem như công sức, tiền bạc của cả ekip đổ sông đổ biển". Bởi vậy, dù được xác định là thị trường tiềm năng, sản xuất phim vẫn không phải là cuộc chơi dành cho những "tay non".

Nhìn chung, làm nhà sản xuất phim hiện nay đòi hỏi vừa có bản lĩnh và tầm nhìn kinh doanh, vừa có sự nhạy cảm và thăng hoa của một nghệ sĩ. Nói như đạo diễn Trương Dũng và Dustin Nguyễn thì nữ giới làm nhà sản xuất phù hợp hơn cánh mày râu, thực tế đã chứng minh điều này, và các nữ giám đốc sản xuất của phim Việt đều là những người am hiểu về điện ảnh và quy trình sản xuất một bộ phim nên giới làm nghề rất yên tâm khi cộng tác với họ.

Nếu có dịp đến các đoàn làm phim mà nhà sản xuất là các bóng hồng như Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân, Mai Thu Huyền..., đồng thời họ kiêm luôn vai trò diễn viên hoặc đạo diễn thì sẽ khó nhìn thấy hình ảnh sang trọng, nữ tính của họ như khi xuất hiện ở các sự kiện ra mắt phim, mà trông họ nam tính hơn cả đàn ông.

"Làm phim ở Việt Nam nói chung vẫn còn là nghề quá cực khổ và gian nan. Khi phim thành công thì vui, còn khi phim thất bại lại day dứt, trăn trở. Nếu không có nghị lực và đam mê cùng sự ủng hộ của những người đồng hành thì chắc chắn nữ giới chúng tôi khó làm tốt vai trò của một nhà sản xuất", bà Vũ Thị Bích Liên chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Nữ quyền" trong giới sản xuất phim Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO