![]() |
Với hầu hết ca sĩ, ngoài một vài chương trình truyền hình và hát phòng trà, việc chạy sô “tỉnh lẻ” đã không còn xa lạ nếu như không muốn nói đó là nguồn thu nhập chính.
![]() |
Ca sĩ VN biểu diễn ở các sân khấu “dã chiến” ở nước ngoài nhưng hòan toàn yên tâm về khán giả và cung cách tổ chức. |
Khi ca sĩ… trốn “Fan”
Ca sĩ Minh Quân cho biết, anh nhận sô diễn chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Biết bao chuyện dở khóc dở cười mà chỉ người trong cuộc mới hiểu hết. Để tránh bị khán giả phát hiện, Quân thường lẳng lặng đi vào điểm diễn. Trang phục biểu diễn được che kín bởi chiếc áo khoác bình thường để không ai nhận ra. Đến trước tiết mục của mình khoảng 30 phút.
Hát xong, phải làm sao xuống sân khấu thật nhanh để khán giả tập trung xem tiết mục của người kế tiếp. Có khi, còn phải thoát khỏi “vòng vây” của khán giả đang đợi ở bên cánh gà sân khấu. Có lúc, Quân đã trốn ở gầm sàn nhưng vẫn có người xông vào xin chữ ký hay xin mũ, áo...
“Những lúc đó, mình phải ứng xử khéo léo để khán giả không buồn. Chắc chắn họ không hài lòng vì đòi hỏi không được đáp ứng nên cần có thái độ nhẹ nhàng và lý do phải thuyết phục. Với những trang phục biểu diễn thì khán giả chắc sẽ thông cảm vì còn để diễn lần sau”, Quân cho biết.
Quân thường xuyên nhận được những lời mời chụp hình. Lúc đó, anh đành hẹn “người hâm mộ” về khách sạn hoặc chụp nhanh cùng họ khi có bảo vệ.
Sân khấu “dã chiến”
Ngoài việc gặp cảnh trớ trêu do khán giả gây ra, thì cung cách tổ chức sô của các bầu tỉnh lẻ cũng khiến ca sĩ... kinh hoàng. Lúc16g, nơi biểu diễn vẫn là bãi cỏ lút chân. Ba mươi phút sau, khoảng 10 người vào cắt cỏ để lộ một mô đất và đốt cỏ để lại than lổn nhổn, rồi căng phông màn, cắm đèn và chạy máy nổ...
Cảnh tượng này không hiếm xảy ra khi ca sĩ diễn ở các huyện lỵ, làng bản... Có khi, chương trình đã được công ty hay cơ quan nào đó “bao trọn gói” nên không bán vé, ai muốn vào xem thì vào. Nhà tổ chức cũng không chăm lo sân khấu sao cho tươm tất, miễn có nơi để ca sĩ đứng diễn là được.
Vì sân khấu ở “tỉnh lẻ” thường được dựng theo kiểu “dã chiến”, nên ca sĩ không có phòng thay đồ hay hóa trang. Thế nên họ phải chui xuống gầm sân khấu xếp hàng chờ đến lượt. Một đêm diễn thuê được mười bảo vệ thì chín người phải đứng ở các chốt canh chừng khán giả trốn vé. Chỉ còn một người gác cho ca sĩ, nhưng đứng đầu này thì khán giả chui vào đầu kia để gặp cho được ca sĩ.
Những chuyện “dở khóc dở cười” khác
Ngoài sô diễn ban đêm, một số ca sĩ chưa có tên tuổi thường hát ở các sân khấu hội chợ. Một lần, sân khấu kiểu này ở Vĩnh Phúc bị sập. Ca sĩ hoảng hốt chưa kịp thoát thân thì khán giả đã ùa vào. Một nữ ca sĩ, may nhờ bạn diễn có võ “giải cứu” khỏi đám đông định giở trò sàm sỡ.
Diễn ở tỉnh, khán giả đến xem ca sĩ nhiều hơn là nghe hát. Vì vậy, nhiều ca sĩ thú thật, không hát “playback” mới là lạ. Đã thế, điều kiện âm thanh, ánh sáng ở các sô diễn này thường không đảm bảo, nên ca sĩ sợ nhất là đĩa trục trặc hoặc... mất điện.
Mất điện thì nhanh chân... tháo thân để “bảo trọng”. Còn đĩa trục trặc mà ca sĩ đứng như trời trồng trên sân khấu thì chưa biết sẽ lãnh trọn gạch đá hay những gì do khán giả ném lên kèm với tiếng la hét...
Đó là chưa nói đến việc các ca sĩ có thể bị “bầu” xù cát-sê hoặc “nhăn nhó” đòi giảm giá khi gặp thời tiết xấu hay khán giả lèo tèo.Vì vậy, để “chắc ăn”, có ca sĩ đòi nhận thù lao trước lúc bước lên sân khấu...
Ca sĩ đi diễn ở tỉnh với muôn vàn chuyện bi hài là có thật. Nhiều người lo sợ nhưng không còn cách lựa chọn nào khác nên vẫn “dấn bước”. Biểu diễn nghệ thuật chỉ còn trên danh nghĩa. Không biết, đơn vị cấp phép biểu diễn có biết chuyện hay không khi vẫn liên tục cấp phép cho những chương trình tương tự?