"Ngược dòng"

KHẢI LY| 28/11/2012 08:52

Đoàn "hạng bét" ra sao? Một đám người hát rong lang thang, một đám người lố nhố ở những bãi cỏ ven làng dựng lên những trò chơi ném đĩa, ném banh, tung hứng, hát múa, hài kịch với những tấm băng rôn quảng cáo lem nhem vì nước mưa và vì cả vết ố của rượu.

Nguyễn Thị Thắm là đạo diễn xuất thân từ Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, học về điện ảnh trực tiếp của Hiệp hội Varan (Pháp). Một thời gian Thắm biến mất. Hơn năm sau, cô về, đem theo hàng nghìn phút phim cô đã quay trong hơn một năm sống với một đoàn tạp kỹ "hạng bét" lang thang khắp các vùng thôn quê xa vắng!

Đoàn "hạng bét" ra sao? Một đám người hát rong lang thang, một đám người lố nhố ở những bãi cỏ ven làng dựng lên những trò chơi ném đĩa, ném banh, tung hứng, hát múa, hài kịch với những tấm băng rôn quảng cáo lem nhem vì nước mưa và vì cả vết ố của rượu.

Trên cái nền của những đoàn tạp kỷ "hạng bét" ấy có những lúc cả đoàn cuốn cờ chạy trối chết vì bị trai làng rượt. Có những lúc uống đại bát rượu gạo hôi nồng chữa đau bụng giữa núi. Họ là ai, những người làm nghệ thuật ấy?

Theo ngôn ngữ của dân làng gọi họ là đám "pê đê” hát rong, sống chung chạ bầy đoàn trên cái phông nền "hạng bét" để kiếm sống và yêu nhau qua ngày, không biết cái gì đang chờ mình ở phía trước!

Nhưng mà kìa, trên cái phông nền lem nhem ấy, có những khoảnh khắc mà anh chàng làm nghề tung hứng vòng và trái bóng kia biểu lộ một niềm đam mê mãnh liệt khi anh ta làm rối trí những đứa trẻ làng bằng kỹ xảo.

Những mẩu đối thoại giảng giải kỹ xảo của anh ta với trẻ con trong làng cho thấy anh ta tin mình là một nghệ sĩ đích thực đang "truyền nghề” cho hậu bối.

Một anh "pê đê già” khác vào đến cánh gà vẫn còn giữ nụ cười tươi thỏa mãn khi anh được khán giả làng tung hô. Và kia, có giọt nước mắt của một cậu còn trẻ, cậu khóc vì ai đó chửi rủa "thằng pê đê vô lại ăn cắp".

Tại sao đạo diễn dành đến một năm để sống chung với đoàn tạp kỹ tái hiện về cuộc sống tăm tối nhưng mãnh liệt của những người có tình yêu đồng giới? Phim chưa hoàn thiện.

Nhưng qua những đoạn rời rạc đã cảm nhận được nơi chốn "hạng bét" vẫn có sự hiện diện của tinh thần đạo đức, của tình yêu (đồng tính) đích thực và bản chất nghệ sĩ vẫn tồn tại.

Trong tuần qua, nữ nhiếp ảnh trẻ tuổi, Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) tổ chức triển lãm ảnh Yêu là yêu tại Hà Nội có chủ đề về thế giới tình yêu của người đồng giới tính.

Những tác phẩm với phong cách nhiếp ảnh tài liệu mở toang cánh cửa định kiến cấm kỵ, thổi một luồng gió bàng hoàng vào trái tim con người khi chứng kiến khoảnh khắc yêu thương của những người đồng tính.

Nó bất chấp những bài rao giảng đạo đức của người ngoài cuộc, những nỗi đau khổ của thân nhân, người đồng tính cứ tìm đến tình yêu họ lựa chọn trước vòng vây sức ép của xã hội và gia đình.

Triển lãm ảnh Yêu là yêu không cổ vũ tình yêu đồng giới, nó chỉ có tiếng nói độc lập nhưng không hề vô trách nhiệm khi nói rằng "Cuộc sống vẫn diễn ra như nó vẫn thế”.

Hai nhà hoạt động nghệ thuật tình cờ đều là phụ nữ. Sự dấn thân lẻ loi của họ cất lên tiếng nói "ngược dòng" với hàng loạt bộ phim thị trường đang khai thác tình yêu đồng tính phơi bày nó trên màn ảnh như căn bệnh "lạ”, những bộ phim đã và đang gây tổn thương cho những người tìm kiếm tình yêu với một người đồng giới tính.

Hàng loạt bộ phim thị trường "định hướng" tình yêu dựa trên những lý lẽ của những người coi đó là một căn bệnh có thể chữa, rồi nhân danh số đông để áp đảo những người "đi nhầm đường lạc lối", với câu chuyện khiên cưỡng chắp vá của người ngoài cuộc .

Viết đến đây bỗng nhớ câu thơ của Xuân Diệu "Yêu là chết trong lòng một ít", đủ để rõ tình yêu phức tạp lắm, nếu không đủ nhạy cảm để thẩm thấu, xin chớ dùng điện ảnh để kể những câu chuyện yêu (đồng tính) một cách dễ dãi như thế!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Ngược dòng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO