Ngôi làng có thành cổ Diên Khánh

BÌNH AN| 27/05/2009 05:53

Bây giờ người ta hay nói đi tham quan thành cổ Diên Khánh, chứ ít ai nhắc đến ngôi làng có cái tên xưa cũ Khánh Thành nằm ở phía Nam tỉnh Khánh Hòa, cách Nha Trang 10km về hướng Tây, đang sở hữu một ngôi thành cổ.

Ngôi làng có thành cổ Diên Khánh

Bây giờ người ta hay nói đi tham quan thành cổ Diên Khánh, chứ ít ai nhắc đến ngôi làng có cái tên xưa cũ Khánh Thành nằm ở phía Nam tỉnh Khánh Hòa, cách Nha Trang 10km về hướng Tây, đang sở hữu một ngôi thành cổ.

Di tích hiện nay còn lại đủ bốn cổng thành: Đông, Tây, Tiền, Hậu được xây dựng từ năm 1793, khi Nguyễn Ánh đánh chiếm dinh Bình Khang. Thành Diên Khánh có mục đích chính là phục vụ quân sự (thành cao, hào sâu), là cơ quan đầu não của tỉnh Khánh Hòa khi ấy. Trong ký ức ông già bà cả, làng Khánh Thành là một tên gọi khác khi nói về khu vực thành Diên Khánh thời ấy.


Ngày xưa trong thành có hành cung, hình dáng giống như điện Thái Hòa ở Huế, cũng ngai vàng, sân chầu, vườn ngự uyển mùa ngâu ra hoa, ra trái chín vàng rực một khoảng sân dẫn ra mái tam quan. Xung quanh hành có dinh thự các quan án sát, tuần vũ, kiểm học, và cả kho gạo... Còn đa số nhà cửa của dân làng Khánh Thành chỉ toàn là vách đất, lụp sụp.

Năm Bính Tuất (1946), Pháp đến chiếm thành, đốt sạch xóm làng. Dân làng Khánh Thành đùm túm chạy giặc, gồng gánh kéo nhau rời khỏi thành. Sau đó, Pháp bắt những người có chức sắc cũ tập trung dân về thành, lập làng. Họ dọa người đứng đầu làng là ông Hương Kiểm, nếu không lập được làng sẽ bị giết.

Dân lác đác hồi cư, dựng nhà cửa trên đống hoang tàn đổ nát. Tên làng Khánh Thành ngày nay chỉ còn trong ký ức những người lớn tuổi, gắn liền với thành Diên Khánh và những cuộc chiến tranh trong quá khứ từ thời Tây Sơn sang thời Pháp thuộc...



Bây giờ đến làng này, điều đáng chú ý nhất vẫn là có thể tham quan thành cổ đắp đất cao hơn ba mét, mặt ngoài hơi thẳng đứng, mặt trong thoai thoải, có hai bậc thang dùng làm đường đi. Phía bên ngoài các cổng thành đều có hào dẫn nước từ sông Cái vào. Ngày xưa, bên ngoài hào có đường hào, bên trong có đường quan phòng vòng quanh bốn cổng thành.

Cổng thành có lầu tứ giác, mái uốn cong, bốn cửa ở bốn hướng, ban công hai bên. Mỗi cổng thành có ghi tên bằng chữ Hán (Đông, Tây, Tiền, Hậu). Hành cung ngày nay không còn, thay vào đó là trường học và các cơ quan, công sở... Nếu trước năm 1975, bờ thành vẫn còn hoang vu bởi cây cỏ mọc dày đặc, nhà cửa trong thành đa phần là nhà vườn, thì hôm nay, bộ mặt thành đã đổi khác.

Không chỉ bốn cổng thành được “làm mới” mà bờ thành được “phát quang” bằng phẳng. Nhà cửa ở ngôi làng xưa trong thành cũng tự phát với kiểu nhà ống, lầu cao, lô nhô vượt quá cổng thành, khiến cách nhìn của du khách hay người xa quê lâu ngày cũng khác đi. Một chút hoài niệm, một chút tiếc nuối nhưng biết sao được, quy luật bể dâu của muôn đời!


Một dự án trong thành Diên Khánh đang chờ triển khai nhằm khôi phục lại con đường quan phòng với mục đích chính là phục vụ du lịch. Để thực hiện dự án này sẽ phải giải tỏa nhiều nhà dân lấn chiếm đất sát bờ thành. Tuy nhiên, điểm thu hút khách du lịch không chỉ là con đường quan phòng này mà còn là nhiều thứ khác.

Mặc dù cách thành phố Nha Trang khoảng 15 phút đi xe máy, nhưng mấy ai ngược dòng lịch sử để nhớ có biết bao nhiêu cuộc chiến đã diễn ra nơi đây, kéo dài từ thời Tây Sơn đến thời Pháp thuộc với những danh tướng như Trần Quang Diệu, Trịnh Phong, Trần Đường.

Hay cái chết của nhà chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp - một vụ án đẫm máu và nổi tiếng năm 1908. Khi nhận án tử, Trần Quý Cáp bình thản ra pháp trường, giằng khăn bịt mắt, ngẩng cao đầu nhìn về quê hương (Quảng Nam), ung dung nói với quan giám trảm cho đặt án đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân ngũ bái rồi khẳng khái tựu hình.


Làng cổ nhạt phai dấu cũ, người ta đang chờ con đường quan phòng được khôi phục như một cách làm mới lại (như cũ) thành Diên Khánh. Tuy nhiên, giá như có hành cung, còn dinh thự, và giá như không lỏi chỏi nhiều nhà ống thì có lẽ thành Diên Khánh của làng Khánh Thành xưa sẽ tăng giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi làng vì được chọn làm nơi xây dựng thành quách mà trở thành chứng nhân của bao diễn biến lịch sử. Nhưng thôi, giữ lại được cho đến hôm nay bốn cổng thành, những con đường nhỏ, nhịp sống êm đềm, yên ắng mà ít nơi nào có được đã là quá tốt rồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngôi làng có thành cổ Diên Khánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO