Nghệ thuật hay là...chết?

CUNG KỲ - HOÀNG YẾN| 07/04/2011 00:05

Sau những ồn ào, bàn luận về tác phẩm Bay lên do Diệu Hà trình diễn, không ít người trong giới tỏ ý lo ngại màn mở đầu không mấy suôn sẻ có thể kéo theo những “gập ghềnh” trên con đường tiếp cận khán giả vốn đã không mấy dễ dàng của nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam.

Nghệ thuật hay là...chết?

Sau những ồn ào, bàn luận về tác phẩm Bay lên do Diệu Hà trình diễn, không ít người trong giới tỏ ý lo ngại màn mở đầu không mấy suôn sẻ có thể kéo theo những “gập ghềnh” trên con đường tiếp cận khán giả vốn đã không mấy dễ dàng của nghệ thuật trình diễn (NTTD) ở Việt Nam.

Kỳ 1: Oặt ẹo "tuổi thiếu niên"

Kỳ 2: Mong manh lằn ranh nghệ thuật và phản cảm

Công chúng phải được chuẩn bị tâm lý...

Họa sĩ Đào Anh Khánh tỏ vẻ lo lắng khi thấy Hà đi tiên phong với màn trình diễn gây sốc như vậy: “Nghệ sĩ làm hay sẽ thuyết phục người xem chấp nhận ý tưởng và hình ảnh tác phẩm, khiến họ thích thú và chờ đón.

Còn không, sẽ dẫn tới quan niệm sai, méo mó về nghệ thuật nói chung và NTTD nói riêng, chưa kể còn có thể khiến họ ác cảm với NTTD. Các nước phương Tây tân tiến và thoáng đến thế mà cũng rất thận trọng với chuyện khỏa thân. Cởi ra để công chúng trầm trồ, ngưỡng mộ... khi chiêm ngưỡng, nghĩa là mình thích mà xã hội cũng hưởng ứng, chứ nếu cởi mà xã hội không ủng hộ thì khó tồn tại”.

Để NTTD thật sự có chỗ đứng, trước hết, về phía công chúng, nói như họa sĩ Như Huy, cần mở lòng đón nhận cái mới và thay đổi tư duy để tiếp nhận cái mới. Vì NTTD là cái mới và nhiều loại hình nghệ thuật đồng hiện ở NTTD.

Khi tự biến thành “cột điện”, nhà văn Lê Anh Hoài khẳng định: “Đây là hoạt động nghệ thuật có tính thử nghiệm. Những người tham gia thực hiện với tinh thần cởi mở và vui chơi lành mạnh”. Nhưng công chúng chắc gì đã thông cảm với anh, chứ hãy khoan bàn đến chuyện hiểu tác phẩm muốn nói gì.

Các nghệ sĩ trình diễn còn muốn tác phẩm của mình thực hiện những sứ mệnh quan trọng như: thúc đẩy suy nghĩ của con người, thông qua quá trình tương tác giữa khán giả và người biểu diễn để mang đến cho công chúng cơ hội khám phá bản thân và tiếp cận các loại hình nghệ thuật mới. Nhưng dường như đa phần khán giả lại cho đó là hình thức giải trí tầm phào...

Rõ ràng, thay vì nhìn nhận vấn đề theo kiểu những gì mình đang xem có giống với những gì mình hiểu, mình biết thì hãy tìm cách tìm hiểu xem chúng khác ở chỗ nào để có thể đưa nhận thức và tâm hồn của người xem đến với những chân trời mới, ý niệm mới phong phú và thú vị hơn. Điều quan trọng hơn cả là công chúng phải được chuẩn bị trước về tâm thế, tâm lý cũng như phải hiểu biết thì mới cảm nhận được tác phẩm.

...Và được định hướng

Từ phía giới làm nghề, ngoài vai trò của đội ngũ giám tuyển thì sự lên tiếng của các tổ chức nghề nghiệp chắc chắn sẽ che chở cho các hoạt động này diễn ra an toàn hơn. Chí ít cũng là để báo chí và công chúng hiểu rằng, nghệ sĩ đã làm việc với tinh thần nghiêm túc để cho ra đời những tác phẩm NTTD.

Họ dùng thân thể để trình diễn tác phẩm chứ không coi tác phẩm như một công cụ để khoe khoang cơ thể. Điều quan trọng không kém là sự định hướng cho công chúng từ những người có chuyên môn và hiểu biết về NTTD sẽ đưa loại hình nghệ thuật này vào đúng quỹ đạo của nó, theo hành trình có tính toán.

Ngoài ra còn phải tính đến khả năng tiếp nhận và thẩm thấu của công chúng, từng bước một, ở những mức độ phù hợp, chứ không phải chỉ quan tâm đến những người làm nghề.

Không nên để NTTD được nhìn nhận như một phút bốc đồng hay trạng thái “điên” một cách tự phát của nghệ sĩ. Có thể thấy, những buổi trình diễn không xin phép dễ dẫn tới những hệ lụy về mặt pháp lý, làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của NTTD ở Việt Nam, bên cạnh đó là nhận xét thiếu thiện cảm của công chúng về NTTD với những hình ảnh được cho là phản cảm.

Phía các cơ quan quản lý văn hóa đã bộc lộ những lúng túng và có phần dè dặt đối với NTTD. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, dù thế nào, nghệ sĩ cũng phải tuân thủ việc xin cấp giấy phép cho hoạt động nghệ thuật của mình.

“Không chỉ phải làm cho tác phẩm có tính thuyết phục, người nghệ sĩ còn phải tạo được niềm tin nơi người quản lý để họ đồng ý cấp phép trình diễn tác phẩm nơi công cộng, trước đông đảo quần chúng. Và khi trình diễn, nghệ sĩ phải hòa nhập cũng như tuân thủ mọi luật lệ của không gian công cộng. Bên quản lý cũng cần tin tưởng nghệ sĩ và mạnh dạn cho phép họ hoạt động nghệ thuật.

Đây là thời kỳ thử thách đối với những người làm công tác quản lý nghệ thuật, nhưng không có nghĩa là muốn từ chối thì đưa ra lý do “vi phạm thuần phong mỹ tục”, hoặc viện những lý do chung chung”, họa sĩ Đoàn nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, NTTD đã “xâm nhập” Việt Nam hơn chục năm nay, nhưng các cơ quan quản lý văn hóa chưa xây dựng được những hành lang pháp lý cần thiết cho các hoạt động của loại hình nghệ thuật này.

Theo họa sĩ Trần Lương, phần thực thể quan trọng nhất trong NTTD là cuộc đối thoại đa chiều. Trước tiên là đối thoại nội tại giữa tinh thần và cơ thể sinh học của nghệ sĩ (đối thoại nội bộ của chủ quan, đặt các thách thức sinh học, các xung đột tinh thần, các bí mật cá nhân vào một khung cảnh, thời điểm cụ thể, tạo điều kiện bộc lộ cảm xúc, tiềm thức, ý tưởng), từ đó đánh giá, rút tỉa kinh nghiệm, bổ sung lý luận và từng bước giác ngộ...

Sau đó là phần đối thoại giữa chủ thể - nghệ sĩ với không gian, thời gian, với hoàn cảnh đang hiện hữu (đối thoại giữa nghệ sĩ với khách quan, tại chỗ và trong một khoảnh khắc cụ thể, trong đó khán giả là một phần của khoảng không gian cụ thể đó). Điều này càng cho thấy mối quan hệ hữu cơ gắn bó giữa nghệ sĩ và công chúng trong NTTD.

Với các định chế về quản lý văn hóa - xã hội ở nước ta hiện nay, sự ủng hộ từ phía các cơ quan văn hóa và bộ máy công quyền cũng góp phần quan trọng tạo môi trường thuận lợi cho NTTD phát triển.

Không nên chỉ đổ lỗi cho công chúng mà như đã nói ở trên, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía để NTTD trở về đúng với ý nghĩa của nó cùng với sự phát triển tự nhiên vốn có trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghệ thuật hay là...chết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO