Nghe nhạc "lậu": Chuyện không của riêng ai

PHÚC NHƯ THỦY| 21/10/2018 06:26

Mặc cho các kênh phát nhạc trực tuyến hợp pháp ngày càng phát triển, một lượng lớn người nghe vẫn chép nhạc về từ các trang web như YouTube để nghe ngoại tuyến.

Nghe nhạc

Nghị sĩ Axel Voss - người đi đầu ủng hộ dự luật bản quyền châu Âu mới

Theo báo cáo mới của Liên đoàn Công nghiệp Ghi âm Quốc tế (IFPI), có tới hơn 1/3 số người nghe nhạc toàn cầu vẫn nghe nhạc lậu. IFPI đã khảo sát một nhóm đại diện từ 16 - 64 tuổi ở 18 quốc gia, bao gồm cả Anh, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Brazil và Nam Phi - những nơi có lượng người nghe chiếm phần lớn trong thưởng thức âm nhạc toàn cầu.

Trong khi sự phát triển vượt bậc của các nền tảng phát trực tuyến hợp pháp như Spotify, Apple Music và Tidal được cho là đã giúp ngăn chặn nạn thưởng thức nhạc bất hợp pháp, thì vẫn có 38% người nghe tiếp tục mua nhạc thông qua các phương tiện bất hợp pháp.

Hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất là trích xuất từ trực tuyến (32%), sử dụng phần mềm có sẵn để ghi lại âm thanh từ các trang web như YouTube với chất lượng thấp; tải xuống thông qua các dịch vụ chia sẻ tập tin tập trung hoặc phần mềm chia sẻ theo giao thức ngang hàng như BitTorrent đứng thứ hai (23%); mua lại thông qua công cụ tìm kiếm ở vị trí thứ ba (17%).

Link bài viết

"Hành vi vi phạm bản quyền âm nhạc đã biến mất khỏi các phương tiện truyền thông trong vài năm qua nhưng chắc chắn chưa kết thúc", David Price - Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích thị trường tại IFPI chia sẻ với The Guardian. "Mọi người vẫn thích những thứ miễn phí, vì vậy không ngạc nhiên khi có rất nhiều người tham gia vào việc này. Và việc sao chép bất hợp pháp âm nhạc tương đối dễ dàng. Nói thật, đó là điều khó khăn cho chúng tôi", ông nói.

Những người sao chép nhạc trực tuyến nói với IFPI rằng động cơ chính của họ là có thể nghe nhạc mà không phải trả tiền cho một thuê bao cao cấp của những nền tảng như Spotify. Hầu hết các dịch vụ hợp pháp đều tính phí khoảng £10 (13,2 USD)/tháng để nghe nhạc mà không kèm theo quảng cáo. Trong khi IFPI ước tính YouTube thể hiện doanh thu hằng năm dưới 1 USD trên mỗi người dùng so với 20 USD trên Spotify. Và kết luận những dịch vụ cho phép người dùng tải lên không trả lại giá trị hợp lý cho cộng đồng âm nhạc.

David Price cho biết thêm, rất ít vụ việc sao chép diễn ra trên các dịch vụ trực tuyến như Spotify, Apple Music và những dịch vụ này cần làm nhiều hơn để trở nên thân thiện với người dùng hơn thì mới có thể thu hút mọi người hướng đến việc trả tiền cho đăng ký. Ông cũng đổ lỗi cho "các nền tảng video lớn như YouTube" vì đã không làm đủ cách để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền.

"Có một số lĩnh vực nhất định mà họ có thể cải thiện về mặt an ninh, chẳng hạn như mã hóa tốt hơn", ông nói. Các trang web trích xuất thường chỉ cần nhập một liên kết từ YouTube, các trang web sau đó sẽ tạo tệp MP3 miễn phí từ liên kết để tải xuống bất hợp pháp. "Không có cách nào đưa cho các trang web một liên kết từ Spotify hoặc Netflix và có thể tải xuống ngay lập tức, nhưng bạn có thể làm điều đó với một số nền tảng video lớn", David giải thích.

"Đây là một trò chơi dễ dàng cho rất nhiều trang web kiểu này. Nó không giống như thiết lập một trang web torrent (torrent là một mạng lưới P2P - tức nhiều người cùng kết nối trực tiếp với nhau để chia sẻ file, chuyên dùng để trao đổi dữ liệu có dung lượng lớn hoặc cực lớn đến hàng trăm GB) như Pirate Bay, nơi bạn phải thu thập toàn bộ nội dung này và sắp xếp, quản lý chúng đến một mức độ nào đó. Về cơ bản, bạn cung cấp cho mọi người quyền truy cập âm nhạc đã được tải lên ở nơi khác", David phân tích.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi luật để hạn chế tính bất hợp pháp của các trang web trích xuất và khiến các trang web khó khăn hơn trong việc có được doanh thu thông qua quảng cáo. Kết hợp cùng các hãng thu âm, IFPI đã giúp đóng cửa một trong những trang web trích xuất lớn nhất là YouTube-MP3 vào tháng 9 năm ngoái.

Các nghệ sĩ nổi tiếng trên Spotify

Các nghệ sĩ nổi tiếng trên Spotify

Xin nói thêm, YouTube-mp3.org cực kỳ phổ biến đối với những ai thích nghe nhạc "chùa" từ YouTube. Đây là trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới và 40% số lượng file nhạc MP3 lấy từ video YouTube được thực hiện thông qua đây. Bởi vậy, nó gây sự chú ý khi liên quan tới vấn đề bản quyền, khiến các hãng thu âm và Hiệp hội Âm nhạc ở Mỹ đòi kiện cáo.

Có 35% số người nghe không sử dụng dịch vụ phát trực tuyến trả phí cho biết mọi thứ họ muốn nghe đều có trên YouTube. Nhưng điều này sẽ thay đổi sau khi chỉ thị bản quyền của châu Âu đã được phê duyệt vào trung tuần tháng 9 vừa qua, được thiết kế để cập nhật Luật Bản quyền cho thời đại kỹ thuật số. Từ trước đến nay, người dùng internet thường phải tự chịu trách nhiệm về các nội dung họ tải lên các nền tảng như YouTube, Facebook.

Điều 13 của chỉ thị này buộc các nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm ngăn chặn người dùng chia sẻ tài liệu có bản quyền. Nếu chỉ thị gây tranh cãi này được ban hành thành luật vào đầu năm 2019, các trang web như YouTube sẽ phải tìm ra bản quyền cho các tài liệu trước khi chúng được cung cấp cho người dùng.

Theo luật hiện hành, các nền tảng này không chịu trách nhiệm về vi phạm bản quyền nhưng phải xóa nội dung vi phạm theo yêu cầu của chủ sở hữu bản quyền. Đầu năm nay, nghị sĩ Axel Voss - thành viên Nghị viện Châu Âu thuộc Đảng Dân chủ Tự do Đức nói với Wired rằng, mặc dù đề xuất này không hoàn hảo, nó vẫn tốt hơn nhiều so với hệ thống hiện tại. Mô hình hiện nay đang để cho các công ty lớn kiếm lời từ quảng cáo bên cạnh các nội dung vi phạm bản quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghe nhạc "lậu": Chuyện không của riêng ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO