Một mai phố cổ "qua đời"...

HOÀNG YẾN| 04/01/2010 00:01

Hà Nội từ thời “phố Phái” cho đến bây giờ đâu còn nguyên vẹn dáng vẻ cổ kính của đất kinh kỳ. Nhà cổ xuống cấp, thậm chí nhiều ngôi nhà đang dần biến mất!

Một mai phố cổ

Hà Nội từ thời “phố Phái” cho đến bây giờ đâu còn nguyên vẹn dáng vẻ cổ kính của đất kinh kỳ. Nhà cổ xuống cấp, thậm chí nhiều ngôi nhà đang dần biến mất! Người dân sống trong nhà cổ phải chịu đựng sự chật chội, bức bối và bất tiện đủ đường từ nhiều năm nay.

Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa phận tám phường của quận Hoàn Kiếm với tổng diện tích quy hoạch khoảng 100ha. Từ ngàn xưa, sinh hoạt thường nhật của người dân diễn ra trên đường phố đã trở thành nét đặc trưng của phố cổ Hà Nội, tạo nên nét văn hóa rất riêng, như các hoạt động sử dụng không gian công cộng (mua bán hàng hóa, dịch vụ ăn uống, bán rong hoa, rau, quả...).

Vỉa hè trở thành nơi gặp gỡ, trò chuyện bên ấm chè, điếu thuốc, và còn là nơi hành nghề của các nghệ nhân, như viết chữ, vẽ, làm một số đồ gỗ... Theo dự án Hà Nội 2010 - Di sản và đặc trưng văn hóa, TP. Hà Nội không nhất thiết phải giữ gìn nguyên vẹn tất cả các công trình đã có, mà chỉ cần giữ cho được phong cách và tâm hồn đặc hữu của cả một khu phố cổ rộng lớn, đồng thời đáp ứng yêu cầu về môi trường sinh sống của một đô thị hiện đại.

Điều đáng tiếc là không gian công cộng ở phố cổ hầu như không còn. Hàng rong bị cấm. Vỉa hè phố cổ không bị biến thành nơi để xe (thì xe được bố trí để xuống lòng đường!), nhưng bị lấn chiếm làm nơi buôn bán. Rất nhiều nhà cổ bị biến dạng cả mặt tiền lẫn kết cấu bên trong. Ban Quản lý phố cổ được sự trợ giúp của các kiến trúc sư thành phố Toulouse (Pháp) đã điều tra, thống kê có 274 nhà cổ cần bảo tồn. Trong số này, nhiều nhà đang xuống cấp nặng nề, phần gỗ hầu hết đã mục ruỗng, cầu thang và gỗ ghép sàn ọp ẹp..., như các nhà số 31, 47, 60, 66, 70 Hàng Bạc; 28, 70, 84, 86 Mã Mây; 13 Hàng Đường...

Đã có nhiều cuộc họp giữa Ban Quản lý phố cổ Hà Nội với các chủ hộ có nhà cổ để bàn phương án trùng tu, bảo tồn, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là chưa thể xác định rõ thể chế sở hữu đối với các ngôi nhà và những cơ sở pháp lý khác. Thế nên, mặc dù những ngôi nhà này bị cấm tự ý phá dỡ, tu sửa, nhưng nhiều người đã phá đi để xây mới, chấp nhận đóng tiền phạt. Chủ 51 trong số 274 ngôi nhà còn xin rút nhà mình khỏi danh sách nhà cổ cần bảo tồn!

Năm 2000, Liên minh Châu Âu đã tài trợ 2,8 triệu franc để cứu những ngôi nhà cổ Hà Nội, nhưng chỉ giải ngân được kinh phí cải tạo nhà 87 Mã Mây và 38 Hàng Đào. Nhà 87 Mã Mây gồm hai khối nhà hai tầng được trùng tu theo nguyên trạng, không những trở thành địa chỉ thu hút khách du lịch, mà còn được sử dụng để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và làm bối cảnh trong nhiều bộ phim về Hà Nội. Còn nhà 38 Hàng Đào, nguyên là đình Đồng Lạc (đình chợ bán yếm lụa) được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII), được sửa chữa, bảo tồn từ đầu năm 2000 và hiện là... trụ sở của Ban Quản lý phố cổ.

Hiện chưa có con số thống kê chính thức còn bao nhiêu trong số 274 ngôi nhà vẫn còn... cổ hay đã được xây lại. Người ta chỉ ước tính có hơn 200 ngôi nhà cần giữ nguyên hiện trạng để bảo tồn.

Năm 2003, nhà 51 Hàng Bạc được chọn thí điểm cải tạo theo kiến trúc nhà dân sinh trong khu bảo tồn. Nhiều gia đình vẫn sống ở địa chỉ này nên rất khó cho việc bố trí tham quan, nghiên cứu. Cuối năm nay, nhà 28 Hàng Buồm tiếp tục được phía Pháp giúp đỡ sửa chữa. Điều đáng tiếc là nhà 47 Hàng Bạc (niên đại ra đời chưa được xác định rõ, ước vào khoảng trước năm 1883, căn cứ vào ảnh chụp của người Pháp), nằm trong danh sách cần bảo tồn gấp nhưng vẫn chưa được “sờ” đến!

Hiện chưa có con số thống kê chính thức còn bao nhiêu trong số 274 ngôi nhà vẫn còn... cổ hay đã được xây lại. Người ta chỉ ước tính có hơn 200 ngôi nhà cần giữ nguyên hiện trạng để bảo tồn.

Nhà số 50 phố Hàng Bạc, nguyên là đình Trương Thị, được xây dựng năm 1811, nhưng có đến 20 hộ dân đang cư ngụ và bây giờ đã thành nhà riêng của họ. Khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa đều qua đời dễ dàng như vậy. Chẳng hạn, quận Hoàn Kiếm có khoảng 500 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu đang sinh sống trong các di tích. Đó là chưa nói đến việc các nhà cao tầng, khách sạn cao nghễu nghện mọc lên san sát trong phố cổ, che lấp nhà cổ và phá vỡ cảnh quan...

Trong khi hồ sơ khu phố cổ Hà Nội đang được thực hiện để đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, thì nhà cổ Hà Nội lại mất dần và tiếp tục xuống cấp. Nhà cổ, phố cổ là những dấu xưa Hà Nội còn lưu lại đến hôm nay, có thể giúp những thế hệ người Hà Nội cũng như du khách thêm hiểu và yêu Hà Nội.

Khi những người Hà Nội thanh lịch đang trở nên hiếm hoi, thì việc thăm những ngôi nhà cổ, phố cổ để tìm lại nét thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội càng trở thành nhu cầu bức thiết. Ai đã đến Hội An, đến Huế (chứ chưa nói đi nước ngoài), thấy người dân ở đấy gắn bó với nhà cổ và nhà ở trở thành những địa chỉ văn hóa thu hút du khách, lại càng chạnh lòng khi nghĩ về Hà Nội!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một mai phố cổ "qua đời"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO