Mong manh lằn ranh nghệ thuật và phản cảm

CUNG KỲ - HOÀNG YẾN| 31/03/2011 02:50

Hiện nay, nghệ thuật trình diễn (NTTD) có vẻ như ngày càng bung ra, bất chấp phản ứng khá tiêu cực của không ít người, hay thái độ dè dặt của các nhà quản lý văn hóa trước một số màn trình diễn gây “sốc”.

Mong manh lằn ranh nghệ thuật và phản cảm

Hiện nay, nghệ thuật trình diễn (NTTD) có vẻ như ngày càng bung ra, bất chấp phản ứng khá tiêu cực của không ít người, hay thái độ dè dặt của các nhà quản lý văn hóa trước một số màn trình diễn gây “sốc”.

Kỳ 1: Oặt ẹo "tuổi thiếu niên"

Cần cảm nhận đúng về “nuy” trong NTTD

Trút bỏ hết quần áo và phủ lên người toàn lông chim khi trình diễn tác phẩm Bay lên, Lại Thị Diệu Hà chia sẻ với báo giới: “Tôi cảm thấy không tự tin về cơ thể của mình và luôn che giấu điều đó. Nhưng giờ đây tôi lại nghĩ khác, khi làm nghệ thuật, mình cần phải trút bỏ mặc cảm để thành thật với chính mình”.

Trò chơi thưởng đáo miễn phí - Trình diễn tại Quảng Châu, Trung Quốc Live 2010

Sau Diệu Hà phải kể đến nhà văn Lê Anh Hoài. Anh tụt quần dài (dĩ nhiên vẫn mặc quần lót), ngồi trên bồn cầu đọc sách. Tác phẩm trình diễn WC đọc, trong chương trình Restart (Khởi động lại) diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại, nói về thói quen đọc sách trong nhà vệ sinh và xem đó là hành động bình thường!

Trước đó, một nam sinh viên năm thứ tư ở Huế khỏa thân chạy trước chợ Đông Ba để thể hiện một màn trình diễn...

Việc nghệ sĩ khỏa thân để chuyển tải những thông điệp của tác phẩm không có gì đáng ngạc nhiên. “Nuy” không còn là ngôn ngữ bó hẹp trong một nước nào hay chỉ dành riêng cho nghệ sĩ ở một lĩnh vực nào.

Nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng gốc Nam Tư Marina Abramovic đã bố trí hai người mẫu nam, nữ khỏa thân đứng đối diện, cách nhau vài chục centimét trên một lối vào nhỏ tại một triển lãm ở New York, Mỹ vào cuối năm ngoái. Triển lãm còn “trưng bày” một người mẫu khỏa thân nằm ôm bộ xương và một phụ nữ khỏa thân khác ngồi trên xe đạp...

Tuy nhiên, nếu xem xét dựa trên “thuần phong mỹ tục” của xã hội phương Đông, thì những màn trình diễn gây sốc, trong đó khỏa thân chỉ là một ví dụ, dễ nhận được sự phản ứng kịch liệt của rất nhiều người.

Về màn trình diễn của Diệu Hà, chị đã thể hiện tác phẩm Bay lên với tất cả sự nghiêm túc của một nghệ sĩ, chứ không coi tác phẩm như một công cụ để khoe thân thể. Nhưng có khá nhiều ý kiến bình luận trên các diễn đàn chê hình thể của Hà không đẹp.

Họa sĩ Trần Lương phân tích: “Khác với nghệ sĩ sân khấu phải có nét điển hình, phải khác thường, nghệ sĩ của NTTD cơ bản là những người bình thường. Vẻ đẹp của cơ thể trong NTTD mang nội dung nhân văn, chứ không phải là vẻ đẹp giải trí. Người xem ở ta cảm nhận và đánh giá NTTD giống như khi xem các vở diễn trên sân khấu, nhưng NTTD không chiều theo số đông bằng những tiêu chuẩn và quy ước xã hội phổ thông, thế nên không thu hút được nhiều khán giả”.

Cơ sở để đánh giá một tác phẩm NTTD

Một kiểu trình diễn gây sốc khác là... hành xác. Cách đây chưa lâu, nghệ sĩ trình diễn Li Wei (Trung Quốc) tạo ra những bức ảnh lạ bằng cách sử dụng đạo cụ là những tấm gương, những sợi dây bảo hiểm mỏng manh cùng với khả năng nhào lộn được hoàn thiện sau nhiều năm tập võ.

Người cơm - Trình diễn ở mỏ than Mạo Khê 10/2010

Những bức ảnh này được thực hiện tại nhiều địa điểm ở Hồng Kông, Trung Quốc và thể hiện Li Wei đang trong tư thế cắm đầu vào cửa kính chắn gió ô tô, băng đá, tung mình trên không trung với đám bạn giẫm trên lưng...

“Tôi bị mê hoặc bởi tính nguy hiểm, bất ổn của NTTD và hy vọng những tác phẩm của mình sẽ phản ánh được khía cạnh này”, Li Wei tiết lộ với báo giới. Ở ta, người xem không hiểu và... thấy sợ hãi khi Diệu Hà lấy bàn ủi nóng làm rộp da tay trong một màn trình diễn gần đây.

Họa sĩ Trần Lương cho rằng, các yếu tố gây sốc, hành xác hay cách tuyên truyền thông điệp không phải là cơ sở để đánh giá chất lượng của một tác phẩm NTTD, mà tính thẩm mỹ, nhân văn và những màn trình diễn nói lên được thân phận con người mới là phần cốt lõi.

Quả không dễ để tính toán sao cho “nuy” nằm trong chỉnh thể thống nhất về thẩm mỹ, tinh thần, ý tưởng..., sao cho công chúng nhận ra đó là ngôn ngữ nghệ thuật thực sự chứ không phải là sự phô diễn cơ thể một cách thô thiển.

“Nuy” chỉ thành công khi xem xong tác phẩm người xem nói rằng trong họ còn đọng lại những cảm xúc thẩm mỹ cùng những trăn trở mà nghệ sĩ gửi gắm, chứ không phải họ ấn tượng với những cảnh gây sốc hay cởi nhiều, cởi ít.

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc thổ lộ sau khi được xem vở kịch của một nữ tác giả người Anh trên sân khấu Berlin: “Tôi đã khóc trước cảnh làm tình của hai nhân vật chính thể hiện nỗi tuyệt vọng của tuổi trẻ trong một xã hội đầy định kiến”.

Vậy nên suy cho cùng, với NTTD cũng như các loại hình nghệ thuật khác, chính thái độ của khán giả trong khi thưởng thức một tác phẩm mới là tiêu chuẩn đánh giá chất lượng tác phẩm. Không hiểu, không thích cộng với cái nhìn cổ hủ, định kiến càng khiến NTTD trở nên xa lạ, thậm chí xa lánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mong manh lằn ranh nghệ thuật và phản cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO