Lý Sơn làng đảo

BÍCH HỒNG| 09/06/2009 04:19

Đó là một ngôi làng có những nét đặc sắc của văn hóa vùng biển. Làng biển Lý Sơn nằm cách bờ biển Quảng Ngãi 18 hải lý, gồm hai đảo lớn và bé chứa đựng những di tích văn hóa, lịch sử với mật độ dày nhất nước.

Lý Sơn làng đảo

Đó là một ngôi làng có những nét đặc sắc của văn hóa vùng biển. Làng biển Lý Sơn nằm cách bờ biển Quảng Ngãi 18 hải lý, gồm hai đảo lớn và bé chứa đựng những di tích văn hóa, lịch sử với mật độ dày nhất nước.

Âm Linh tự - nơi thờ nhũng người lĩnh triều đình nhà Nguyễn đi trấn giữ Hoàng Sa

Mỗi bước đi đều có thể bắt gặp chiều dài lịch sử khai thiên lập địa vùng đất mới với những đình làng Lý Hải, bảo tàng sống về tâm thức người Việt với nghi lễ tế, hội hè và kiểu kiến trúc trang trí tứ linh, bát bửu, lưỡng long tranh châu, ngũ phúc. Trong làng, hàng trăm ngôi nhà ngói âm dương nằm nép mình trong vườn xanh mướt.

Dọc theo con đường lớn duy nhất chạy quanh hòn đảo Lý Sơn, men theo mép nước, thỉnh thoảng lại bắt gặp một miếu thờ cá voi (tôn thờ loại cá này, dân vùng biển miền Trung gọi là cá ông) nằm lặng lẽ trong nắng. Trong miếu vẫn còn những bộ xương cá voi dài gần chục mét.

Ngay trung tâm, chốn linh thiêng được coi trọng nhất là Âm Linh tự, nơi dân làng làm lễ tế sống trước khi những người lính triều Nguyễn đi thuyền ra cắm mốc biên giới và khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hồi thế kỷ XVIII.

Từ hòn đảo nhỏ, hàng nghìn lượt thuyền của triều đình đã vượt sóng biển Đông ra Hoàng Sa, từ chỉ huy đến lính tuyển mộ hầu hết là con em ngư dân Lý Sơn đã quen sóng gió. Vì vậy, bây giờ đảo có vô số nghĩa trang mộ gió lặng lẽ dành cho người ra đi và nằm lại vĩnh viễn trong lòng biển xa.

Dân làng vẫn thường xuyên đến thắp hương cho những ngôi mộ trống không đó, tưởng nhớ cha ông bằng một tấm bia ghi tên tuổi. Mỗi năm vào giữa xuân, lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất ở đây là lễ khao tề, được tổ chức để tưởng nhớ công lao của những người lính đã hy sinh ở Hoàng Sa mấy trăm năm trước.

Người Lý Sơn luôn nâng niu, gìn giữ chốn tâm linh của mình. Dinh thờ, miếu mạo trong làng xây dày đặc và chỗ nào cũng được tô điểm, gìn giữ nghiêm ngặt.

Hấp dẫn nhất ở Lý Sơn phải kể đến những ngôi chùa nằm lọt thỏm trong lòng các ngọn núi lửa đã tắt. Chùa Hang, di tích văn hóa, lịch sử quốc gia vốn hình thành từ một ngôi đền Chăm cổ, những tượng Chăm đã bị người Pháp đưa đi từ đầu thế kỷ XX, và dân đảo thay thế bằng tượng Phật và thờ tiền hiền của ba tộc họ lớn nhất.

Có những ngôi chùa được xây dựng ngay trong lòng miệng núi lửa đã tắt. Leo hơn một tiếng đồng hồ mới lên tới đỉnh núi Thới Lới, miệng núi lửa hình phễu, đường kính rộng gần 1km. Ở đây chưa có rác du lịch, cũng chưa ai chặn bắt mua vé tham quan, chưa có các bé lẽo đẽo nài khách mua quà lưu niệm.Trên cánh đồng tỏi, thôn nữ vẫn còn xấu hổ bỏ chạy nếu khách giơ máy ảnh lên chụp.

Từ thuở khai thiên lập địa, làng biển Lý Sơn vẫn được gọi là đảo khát, vì giếng ở đây rất ít có nước ngọt. Người ta sản xuất những lu đựng nước khổng lồ, đường kính hơn một mét, cao hai mét để hứng nước mưa dùng quanh năm. Những ngày đảo khát, người già, phụ nữ tụ tập trên bến, chờ tàu chở nước ngọt, mua từng can nước 30 lít với giá bốn nghìn đồng.

Mỗi ngày tiền nước gấp ba lần tiền chợ. Khách đến nhà sẽ được mời uống nước dừa thay cho nước ngọt. Trời sinh voi sinh cỏ. Đảo vẫn bốn mùa xanh mát bóng cây và vô cùng trù phú. Đặc sản đãi khách có đủ 14 loại ốc biển, vỏ ốc còn để lại trên đĩa với đủ màu lóng lánh. Cạnh đó, đĩa gỏi bạch tuộc trộn với khổ qua cũng hấp dẫn không kém.

Vườn nhà của dân Lý Sơn được ngăn bằng đá nham thạch

Làng biển đã được nối với đất liền bằng những chuyến tàu cao tốc, khoảng 30 phút đi lại. Tuy nhiên, khách du lịch chưa đến đây nhiều. Làng biển đẹp mê hồn hôm nay vẫn còn ngủ yên giữa biển khơi ngập tràn ánh mặt trời, ôm giữ trong lòng nó những kỷ niệm của một thời cha ông mở đường tìm đất sống.

Làng lúc nào cũng hăng hăng mùi tỏi, nơi đây trồng được thứ tỏi nhỏ múi, thơm lừng không nơi nào bằng. Cánh đồng tỏi của làng trải dài đến tận chân núi được chia ô bằng những mảnh nham thạch rất đẹp.

Mỗi ngày, những người phụ nữ dậy sớm, xuống biển xúc cát trắng đội về để thay cát trồng mùa tỏi mới. Trong lúc ấy, cánh đàn ông lặn sâu xuống biển ba bốn mét để bứt rong về làm phân bón cho ruộng tỏi. Vương quốc tỏi thật sự thấm đẫm mồ hôi của những người nông dân như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lý Sơn làng đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO