Long Biên, một cây cầu văn hóa, một gallery nghệ thuật

KIM HOA| 19/10/2009 06:23

Lễ hội Văn hóa - Nghệ thuật Ký ức cầu Long Biên năm 2009 đã diễn ra trong hai ngày 10 và 11/10 vừa qua, tái hiện những ký ức lịch sử của cầu Long Biên, biến nó thành “cây cầu văn hóa, một gallery nghệ thuật lớn nhất thế giới”...

Long Biên, một cây cầu văn hóa, một gallery nghệ thuật

Lễ hội Văn hóa - Nghệ thuật Ký ức cầu Long Biên năm 2009 đã diễn ra trong hai ngày 10 và 11/10 vừa qua, tái hiện những ký ức lịch sử của cầu Long Biên, biến nó thành “cây cầu văn hóa, một gallery nghệ thuật lớn nhất thế giới” - như niềm hy vọng của bà Nguyễn Nga - một nữ doanh nhân Việt kiều Pháp, Giám đốc “Ngôi nhà nghệ thuật”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần N.N, là người khởi thảo lễ hội này.

Tôn vinh cầu Long Biên như một biểu tượng gắn liền với Thủ đô - một cây cầu vắt ngang hai thế kỷ, nối liền quá khứ và hiện tại, một hình ảnh quen thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội qua một lễ hội, với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, thêm một lần nữa đặt cây cầu Long Biên của "một thời đạn bom, một thời hòa bình” vào lòng người Hà Nội hôm nay, đặc biệt là những người Hà Nội trẻ.

Một tác phẩm được bán đấu giá trong Lễ hội Ký ức cầu Long Biên

Lễ khai mạc sáng 10/10 đã diễn ra đúng như hứa hẹn từ trước của Ban tổ chức với “sự độc đáo và khác biệt”: Một đoàn tàu hỏa chạy bằng hơi nước chở các vị đại biểu khởi hành từ ga Gia Lâm sang ga Long Biên để cắt băng khai mạc; rồng và trống hội dẫn quan khách và nghệ sĩ đi dọc cầu tham quan triển lãm... Trang phục của thế kỷ XIX, trang phục các dân tộc VN và những bộ phim về cầu Long Biên từ trước tới nay, cùng ca trù, chầu văn, chèo, tuồng, hát xẩm, quan họ... lần lượt được trình diễn, công chiếu khiến lễ hội luôn trong không khí tưng bừng, náo nức...

Cầu Long Biên không chỉ đẹp hơn, tấp nập hơn, rộn rã hơn trong những ngày qua bởi những tác phẩm nhiếp ảnh quý giá về cầu Long Biên lịch sử qua các thời kỳ, bởi lễ thả diều với hàng trăm con diều bay lượn trong trời thu đến từ các làng nghề nổi tiếng như Bá Giang, Kim Thành, Kiến Thụy, hay bởi những bức tranh khắc gỗ thế kỷ XIX phản ảnh cuộc sống và sinh hoạt của người dân, những tác phẩm hội họa về chủ đề cầu Long Biên, mà còn bởi sự nhập cuộc của người Hà Nội hôm nay: Các họa sĩ “xuống cầu” để ký họa và truyền thần tại chỗ, đông đảo người dân tham gia cuộc đi bộ “Vì hòa bình”, lễ cầu an với 999 ngọn hoa đăng tỏa sáng lấp lánh giữa sóng nước sông Hồng về đêm...

Để chuẩn bị cho Lễ hội Ký ức cầu Long Biên, không chỉ bà Nguyễn Nga mà trong quá trình phác thảo “những nhịp dẫn” đầu tiên của cây cầu ký ức cũng là quá trình góp sức chung lòng của bao người dân Hà Nội, những người yêu Hà Nội, luôn mang trong lòng ký ức về “Hà Nội có cầu Long Biên”.

Có thể nói “Ký ức cầu Long Biên” là một công trình lễ hội hoành tráng được thiết kế trên tinh thần “xã hội hóa” khởi xuất từ sáng kiến của doanh nghiệp N.N. Nhờ thế, Hà Nội đã có thêm một chương trình nghệ thuật đặc sắc, nằm trong chuỗi 55 hoạt động chào mừng kỷ niệm 55 năm giải phóng Thủ đô, 999 năm Thăng Long - Hà Nội.

TRƯỚC ĐẠI LỄ NGÀN NĂM THĂNG LONG - HÀ NỘI

Biểu trưng Hà Nội trên “Con đường gốm sứ”

Tập hợp các biểu trưng của Hà Nội bằng tranh gốm sứ dài 68m (150m2) trên đoạn tường bao đê đường Trần Quang Khải thuộc dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng - Quà tặng Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm” do Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội thực hiện, đã chính thức khởi công. Các biểu tượng đặc trưng nhất của Hà Nội sẽ có mặt tại “bảo tàng di động ngoài trời” này, bao gồm: Khuê Văn Các, chùa Một Cột, cầu Thê Húc, phố cổ, Ô Quan Chưởng, cầu Long Biên... Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2009.

Dự án vườn hoa 1 triệu USD

Đó là ý tưởng của ông Khoát Văn Trần - một doanh nhân Việt kiều Mỹ, đại diện Công ty Keystone, với mong muốn được đóng góp cho Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội thông qua một công trình cụ thể nhằm tôn vinh Thiền sư Vạn Hạnh - người đã giúp vua Lý Thái Tổ dựng nên thành Thăng Long. Hiện tờ trình xin tặng vườn hoa mang tên Sư Vạn Hạnh với tổng số tiền đầu tư dự kiến khoảng 1 triệu USD của ông Trần đã được gửi tới UBND TP. Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Long Biên, một cây cầu văn hóa, một gallery nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO