Livestream: Xu hướng mới cho nhạc Việt?

Minh Nguyễn| 05/07/2019 08:00

Cùng với sự bùng nổ của nền tảng giải trí số như YouTube Connect, Facebook Live, livestream (truyền tải nội dung trực tiếp dưới dạng video trên Internet) trở thành “vũ khí” lợi hại để các ca sĩ tiếp cận khán giả, đồng thời đo lượng tương tác trực tiếp. Hình thức này vừa tạo thêm sự mới lạ cho nhu cầu thưởng thức âm nhạc, vừa trao thêm lựa chọn cho khán giả.

Livestream: Xu hướng mới cho nhạc Việt?

Bùng nổ từ cá nhân đến nhà đài

Livestream ca nhạc đã và đang trở thành xu hướng có lợi cho nhà sản xuất (NSX), ca sĩ và cả người nghe. Bởi NSX và ca sĩ không cần đầu tư quá nhiều tiền cho một chương trình truyền hình trực tiếp, người nghe không cần co cụm trong các phòng trà hay tua đi tua lại những bài hát thâu phát sẵn trên YouTube vẫn có thể thưởng thức một chương trình ca nhạc thu phát trực tuyến với chất lượng âm thanh đỉnh cao như tại rạp hát từ những giọng ca được yêu thích.

Tại Việt Nam hiện nay có hai hình thức livestream. Một là livestream liveshow của một ca sĩ để những khán giả không mua được vé có thể xem trực tiếp qua nền tảng mạng xã hội. Phần hình ảnh và âm thanh cũng được trau chuốt, nhằm đảm bảo phần thu tiếng trực tiếp cho định dạng DVD hoặc tải lên YouTube. Đinh Mạnh Ninh, Bảo Thy, Noo Phước Thịnh… là những ca sĩ mở đầu cho hình thức này.

Thứ hai là hình thức livestream trong khán phòng/ địa danh nổi tiếng với không gian ấm cúng. Có thể có một hoặc vài khán giả đến xem trực tiếp nhưng con số này không nhiều. Hình thức này đang được khá nhiều ca sĩ, NSX âm nhạc lựa chọn. Hà Anh Tuấn là ca sĩ mở đường cho trào lưu này với See Sing Share (2017). Hiệu ứng của See Sing Share lan tỏa rất nhanh, trung bình gần 10 triệu lượt xem mỗi tập, sự kết nối giữa Hà Anh Tuấn và khán giả không ngừng tăng lên. Tuấn và ekip tự tin tổ chức đến mùa thứ 3 và các đêm diễn offline khắp trong Nam ngoài Bắc luôn đông nghịt khán giả. Nối tiếp đó là Lam Trường Live 9: PM, với mục tiêu mở rộng và chinh phục khán giả trẻ bằng những bản phối mới, đồng thời chia sẻ về một thời vàng son của nhạc Việt. Thành công của chương trình đủ lớn để Lam Trường tự tin thực hiện tiếp mùa hai và rục rịch chuẩn bị cho đêm diễn offline trong thời gian tới.

Trong khi đó, chuỗi chương trình Music Home live with Anh Em (gọi tắt là Music Home) do FPT sản xuất đang dẫn đầu xu hướng livestream ca nhạc trên truyền hình. Ứng với mỗi số của chương trình có sự tham gia của một ca sĩ và khoảng 15-20 khán giả là bạn bè thân thiết của ca sĩ tại trường quay. So với các live show trực tiếp trước đây trên màn ảnh nhỏ, Music Home áp dụng công nghệ truyền hình tương tác với tính năng tùy chọn góc nhìn (multi-cam), khán giả tại gia có thể chủ động chọn góc máy quay khi xem trực tiếp và trải nghiệm âm thanh chân thật như đang có mặt tại nhà hát. Qua 8 số, Music Home nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Trung bình mỗi số có 2,5 triệu lượt xem trên Facebook, YouTube và Play Box của FPT - vượt xa các chương trình truyền hình trực tiếp truyền thống trước đây.

Có đi đường dài?

Streaming đã thay đổi không chỉ hình thức phát hành các sản phẩm âm nhạc, chuyển từ định dạng CD, DVD truyền thống lên trực tuyến mà còn thay đổi cả nhu cầu thưởng thức các sản phẩm âm nhạc trên toàn cầu. Các ca sĩ Âu Mỹ, nhóm nhạc K-pop rất tích cực đưa sản phẩm lên nền tảng trực tuyến để tiếp cận khán giả trên toàn thế giới.

livestream-01-9993-1562318702.jpg

Music Home số 5 với khách mời là ca sĩ Nguyên Thảo - một trong những số phát sóng có lượt theo dõi trực tuyến cao nhất của truyền hình FPT. Mặc khác, việc mời được Nguyên Thảo, vốn dĩ là ca sĩ cực kỳ khó tính trong âm nhạc càng góp phần khẳng định chất lượng của chương trình.

Tại Việt Nam, thị trường âm nhạc hiện đang chia thành hai phân khúc rõ nét. Nếu như ở phía Bắc, cụ thể là Hà Nội, liveshow vẫn ăn nên làm ra thì tại TP.HCM - thị trường vốn dĩ sôi động trong 5, 6 năm trở về trước trở nên thưa thớt. Ca sĩ thay vì tổ chức các liveshow hoành tráng sẽ thực hiện những đêm nhạc mini ít tốn kém tại phòng trà để gặp gỡ người hâm mộ hoặc xuất hiện trên các chương trình truyền hình. Tuy nhiên, không phải khán giả nào cũng có cơ hội đến phòng trà để thưởng thức, và không phải ca sĩ nào cũng đủ tên tuổi để có thể hát tại phòng trà trong khi âm nhạc qua màn ảnh nhỏ đang dần bão hòa vì cạn sức sáng tạo. Đây chính là cơ hội thúc đẩy livestream ca nhạc phát triển, và dần trở thành xu hướng được nhiều NSX, ca sĩ chọn lựa.

Trong nửa cuối năm 2019, thị trường nhạc Việt dự báo sẽ bùng nổ một cuộc đua livestream với các show diễn quy mô nhỏ, gắn liền với các giọng ca underground, các đại diện cho thế hệ singer - songwriter (ca sĩ kiêm người viết nhạc) trẻ đầy tiềm năng.

Thách thức lớn nhất của livestream ca nhạc chính là việc không phải ekip hoặc NSX nào cũng đủ khả năng đầu tư trang thiết bị, máy móc để mang lại hiệu quả âm thanh tương tự các chương trình biểu diễn được tổ chức tại nhà hát. Điều này đòi hỏi NSX và ekip thực hiện phải liên tục cập nhật trang thiết bị nghe nhìn, thu phát, biên tập đổi mới nội dung chương trình, các bài phối để không ảnh hưởng đến chất lượng.

Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của các nền tảng giải trí kỹ thuật số, nhìn những gì mà hình thức streaming phim ảnh đang tạo sức ép đến rạp chiếu, việc livestream ca nhạc bỏ xa liveshow truyền thống chỉ là chuyện sớm muộn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Livestream: Xu hướng mới cho nhạc Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO