Kiến trúc đô thị và cuộc giằng co mới - cũ

HỒNG BÍCH| 15/01/2015 06:35

Những dự án mới đang tranh giành không gian ở các khu vực trung tâm văn hóa, kinh tế của đô thị, uy hiếp nghiêm trọng đến các công trình, kiến trúc mang nhiều giá trị lịch sử.

Kiến trúc đô thị và cuộc giằng co mới - cũ

Những tháng cuối năm 2014, chuyện về Thương xá Tax bị giải tỏa để xây dựng trung tâm thương mại cao 40 tầng chưa lắng xuống. Dư luận vẫn còn chút hy vọng mong manh vào sự lên tiếng của một số cơ quan ngoại giao và tổ chức văn hóa quốc tế đề nghị bảo tồn một phần các chi tiết kiến trúc của Thương xá để tích hợp vào công trình mới. Sự cố gắng này cũng chỉ nhằm cứu lấy giá trị lịch sử kiến trúc của Sài Gòn xưa thông qua một công trình.

Đọc E-paper

Kiến trúc bên bờ sông Hàn có nhiều điểm nhấn là các tòa tháp cao tầng

Kiến trúc sư Trịnh Duy Anh, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, bày tỏ bức xúc: "Ở đây, việc phải bảo tồn Thương xá Tax là chuyện không thể bàn cãi, một đô thị mà cứ đập hết những di sản kiến trúc thì sẽ là một đô thị mất hết phần hồn, mất hết ký ức". Nhưng số phận của Thương xá Tax đã được định đoạt.

Và cuộc sống lăn qua vạch mốc đầu tiên của năm 2015, với một tin khá chấn động đối với giới quy hoạch kiến trúc đô thị cả nước. Tại cuộc họp quy hoạch kiến trúc diễn ra ngày 25/12/2014, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã tán đồng chủ trương cho Công ty CP Đầu tư DHC đầu tư xây dựng dự án "Ngọn hải đăng" trên sông Hàn.

Cả chủ đầu tư và lãnh đạo thành phố đều nhấn mạnh công năng của dự án là đưa người dân và du khách lên điểm cao của ngọn hải đăng ngắm cảnh, tạo điểm nhấn du lịch kiến trúc. Mới nghe tưởng đâu đây là công trình công cộng, hoặc phục vụ việc vui chơi giải trí tạo cảnh quan, nhưng thực ra đó là công trình xây khách sạn cao 25 tầng giữa dòng sông, đoạn chảy qua trung tâm thành phố.

Vẫn là căn bệnh tranh giành không gian ở các khu vực trung tâm văn hóa, kinh tế của đô thị của các nhà đầu tư. Mặc dù về quy hoạch khu trung tâm hai bên bờ sông công bố công khai trước nay chưa hề có thông tin sẽ dành không gian mặt nước sông Hàn cho việc xây dựng một công trình cao tầng. Việc xuất hiện dự án này khá bất ngờ với dư luận, và với cả giới chuyên môn.

Điều khôi hài là mới cuối năm ngoái, TP. Đà Nẵng lọt vào "Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới" của trang mạng du lịch TripAdvisor, trong đó nêu rõ du khách đánh giá cao thắng cảnh của con sông Hàn với kiến trúc cảnh quan đô thị đẹp và hiện đại. Không gian dòng sông mang vẻ sang trọng và mơ mộng khi chỉ có những cây cầu với kiến trúc đẹp vắt ngang.

Khi mở rộng cảnh quan hai bên bờ sông cách đây 8 năm, dù con đường lấn ra mặt nước nhưng phải sử dụng phương án đóng cọc đổ bê tông làm đường nổi, chứ không lấp dòng chảy phía dưới.

Và dư luận đã lên tiếng, không chỉ người dân Đà Nẵng bức xúc, mà giới chuyên môn như các kiến trúc sư ở Hà Nội và TP.HCM đều có ý kiến trái chiều với chủ trương này.

Các kiến trúc sư có uy tín về chuyên môn như Ngô Viết Nam Sơn, Nguyễn Văn Tất, Hoàng Đạo Kính; các nhà nghiên cứu như Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng đều cho rằng cần hết sức thận trọng khi xây dựng một công trình cao tầng trên mặt sông (cách bờ 30m) mà chưa có báo cáo ảnh hưởng về môi trường, dòng chảy, cảnh quan kiến trúc, ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa cho khu vực, đương nhiên sẽ tạo nên dư luận trái chiều, thậm chí còn đặt ra vấn đề có thể công trình chiếm vị trí "vàng" trên mặt sông (nằm giữa hai cây cầu Rồng và cầu Sông Hàn) này bị sức ép của nhà đầu tư.

Còn nhớ cách đây 10 năm, một nhà đầu tư cũng đã phải buông bỏ dự án xây khách sạn nghỉ dưỡng (khoảng 5 triệu đôla) trên đồi Vọng Cảnh, Huế, mặc dù đã làm lễ động thổ.

Trước sức ép mạnh mẽ từ dư luận, và đặc biệt UNESCO đã lên tiếng khuyến cáo tác hại xây dựng tại những vị trí làm tổn thương không gian văn hóa của sông Hương, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định thu hồi giấy phép đầu tư của dự án.

Thương xá Tax không may mắn như vậy, chỉ vào giờ cuối được các tổ chức ngoại giao nước ngoài lên tiếng cũng chỉ hỗ trợ giữ lại một phần các chi tiết trang trí nội thất.

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy TP. Hội An, cho biết, việc quy hoạch mở rộng không gian đô thị Hội An không đơn giản, mà chịu nhiều sức ép từ phát triển kinh tế, du lịch. Các nhà đầu tư đều "chấm" vị trí xây dựng khách sạn càng gần phố cổ càng tốt.

Quy hoạch đã có hướng dẫn khống chế độ cao công trình, nhưng hầu như chủ đầu tư nào cũng muốn được xây dựng cao tầng, đe dọa phá vỡ không gian đô thị ở phố cổ. Tuy nhiên, Hội An đã cương quyết nói không với tất cả các dự án có độ cao vượt quá quy định.

Nếu nhìn vào tương lai gần có thể tưởng như Hội An để vuột nhiều dự án hạ tầng du lịch hấp dẫn, nhưng nhìn xa hơn sẽ thấy giữ được kiến trúc cổ cho Hội An, từ đó lấy giá trị văn hóa kiến trúc làm nền tảng cho phát triển bền vững.

Hãy nhớ lại sự chen lấn của các dự án khách sạn bên bờ sông Hương (Huế) đã tác động đến cảnh quan của một di sản thiên nhiên, để thấy sông Hàn (Đà Nẵng) không nên lặp lại sai lầm, cho phép xây dựng những công trình có quy mô lớn ngay giữa dòng sông như thế.

>TP.HCM ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị
>Kiến trúc đô thị và vai trò của những nhà phát triển BĐS

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiến trúc đô thị và cuộc giằng co mới - cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO