Không gian tranh Việt tại Singapore

PHẠM ĐÁN BÌNH/DNSGCT| 05/07/2016 06:11

Tọa lạc ở số 23 đường Yong Siak, khu phố cổ kính Tiong Bahru của Singapore là một không gian mỹ thuật có tên ArtBlue Studio, nơi giới thiệu tác giả – tác phẩm hội họa Việt Nam.

Không gian tranh Việt tại Singapore

Tọa lạc ở số 23 đường Yong Siak, khu phố cổ kính Tiong Bahru của Singapore là một không gian mỹ thuật có tên ArtBlue Studio - nơi giới thiệu tác giả, tác phẩm hội họa Việt Nam đến với khách thưởng ngoạn, giới sưu tập, kinh doanh tranh bản địa, rộng ra là khu vực và cả thế giới khi mà đảo quốc Sư tử đã trở thành một trung tâm nghệ thuật có tầm vóc và uy tín toàn cầu.

Đọc E-paper

Bà Nguyễn Thị Phượng - người sáng lập và cũng là đồng chủ nhân của ArtBlue Studio kể rằng, vào năm 2001 khi cô đang ở TP.HCM thì cơ duyên được gặp một nhà sưu tập tác phẩm mỹ thuật đến từ London và được ông mời làm trợ lý. Nhờ công việc này, bà Phượng đã có cơ hội gặp được khá nhiều họa sĩ trong cả nước, trong đó có những tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam cũng như những tác giả trẻ đang nổi lên, được chú ý.

Trả lời phỏng vấn của Tạp chí nghệ thuật online The Muse – một đối tác của nhật báo The Straits Times, nữ chủ nhân của ArtBlue Studio cho biết: “Thông qua họ, tôi không chỉ khám phá lịch sử hình thành cùng sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam, mà còn hiểu được cuộc sống của từng họa sĩ. Có khá nhiều người đã kinh qua chiến tranh hay đã định cư ở nước ngoài, số khác thì du học ở nhiều nước và tất cả các họa sĩ ấy luôn có những câu chuyện thú vị để nói về cuộc đời và sáng tác của họ”.

Cẩm nang Singapore Art Gallery Guide giới thiệu ArtBlue Studio với tiêu đề “Một kho tàng tranh Việt Nam chưa được khám phá”, tranh in trong bài là tác phẩm sơn mài của họa sĩ Dương Sen

Với vốn liếng và kinh nghiệm có được từ những năm cọ xát với mỹ thuật Việt Nam, đến năm 2006, bà Nguyễn Thị Phượng sang Singapore lập nghiệp, bắt đầu quá trình quảng bá hội họa Việt Nam với các gallery ở đảo quốc mà thế mạnh của bà chính là mối quan hệ mật thiết với các họa sĩ ở quê nhà.

Quan trọng hơn nữa là bà được cộng tác với Bảo tàng Mỹ thuật Singapore nhằm xây dựng bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật Việt Nam của bảo tàng này. Công việc đó đã giúp cho bà trở thành một nhà tư vấn mỹ thuật rồi bước kế tiếp là chủ nhân gallery: ArtBlue Studio ra đời và đi vào hoạt động từ năm 2006 dù mới chính thức khai trương cách đây vài năm.

Từ đó đến nay, bà Nguyễn Thị Phượng đã cùng với chồng - ông Jacques Renaud (cũng là một chuyên gia về mỹ thuật Việt Nam) dành trọn thời gian cho công việc giới thiệu tranh của các họa sĩ Việt Nam đến với giới thưởng ngoạn và các nhà sưu tập quốc tế thông qua các triển lãm cá nhân và nhóm tác giả tại ArtBlue Studio cũng như đưa tranh của họ đến với các hội chợ, triển lãm mỹ thuật được tổ chức tại Singapore, đặc biệt là tại Hội chợ mỹ thuật giá vừa phải (Affordable Art Fair, cũng được tổ chức tại New York, Los Angeles, Melbourne, Hong Kong).

“Đó là một phương cách tuyệt vời để quảng bá các họa sĩ của gallery chúng tôi cũng như giới thiệu mỹ thuật Việt Nam nói chung”, bà Phượng nói. Hay “Affordable Art Fair là cơ hội hoàn hảo để ArtBlue Studio chia sẻ đam mê của mình và giới thiệu mỹ thuật Việt Nam với các nhà sưu tập mới” như cách diễn đạt của đồng chủ nhân Jacques Renaud.

Họa sĩ Phương Quốc Trí sang Singapore vẽ chân dung trực tiếp tại ArtBlue Studio

Tại các kỳ Hội chợ mỹ thuật giá vừa phải ở Singapore một vài năm gần đây, có nhiều gallery tham dự cũng trưng bày tranh Việt Nam song ArtBlue Studio là gallery duy nhất chỉ đem đến hội chợ toàn bộ tác phẩm là của các họa sĩ người Việt.

Bà Phượng cho biết: “Thật ra, ở bước khởi đầu chúng tôi đã chẳng thấy được giá trị to lớn của tranh Việt Nam như đã thấy được ở tranh Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia. Và quả là một cơ hội lớn đối với chúng tôi khi mà tranh của các bậc thầy hội họa tại Việt Nam vẫn còn mua được với giá vừa phải”.

Cách chọn tác phẩm của ArtBlue Studio theo nữ chủ nhân là tìm đến với những tên tuổi đã được khẳng định song cũng khám phá những tài năng mới và đưa họ đến với công chúng yêu hội họa: “Chúng tôi dành nhiều thời gian đi khắp Việt Nam, trò chuyện với các họa sĩ và xem các triển lãm tranh. Những gì chúng tôi tìm kiếm là tình yêu dành cho cái mới mẻ, cái độc đáo…”. Và “Lòng đam mê cũng như vai trò của chúng tôi là khơi mở tấm lòng của mọi người đối với nghệ thuật mà chúng tôi yêu mến”, bà Phượng nói.

Một góc trưng bày tranh tại ArtBlue Studio, hai tranh chân dung phía trên là tác phẩm của họa sĩ Phương Quốc Trí

Trả lời câu hỏi của The Muse: “Thị trường Singapore cũng như thị trường toàn cầu đón nhận mỹ thuật Việt Nam như thế nào?”, bà Phượng cho biết: “Mỹ thuật Việt Nam sống động và gây được ấn tượng mạnh mẽ. Đó chính là thứ nghệ thuật đem lại hạnh phúc cho cuộc sống. Nên mỹ thuật Việt Nam đã được đón nhận nồng nhiệt cả ở Singapore và thế giới nói chung. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ thấy được nhiều hơn nữa những ngôi sao mỹ thuật mới đến từ Việt Nam trong vài năm tới, khi mà thị trường mỹ thuật toàn cầu đang ngày càng trở nên rộng mở hơn đối với một nền mỹ thuật độc đáo cả về cảm hứng sáng tác và phong cách thể hiện”.

Trong chiều hướng đó, năm 2015, ArtBlue Studio đã tổ chức một triển lãm tranh sơn mài Việt Nam. Theo chủ nhân Jacques Renaud, dù phòng tranh có tên “Nghệ thuật tuyệt vời của tranh sơn mài” chưa giới thiệu được nhiều tác giả tranh sơn mài Việt song đây là lần đầu tiên ArtBlue Studio quyết định tập trung trưng bày các tác phẩm thể loại này, và đây có lẽ cũng là triển lãm sơn mài đầu tiên được tổ chức tại Singapore (do vận chuyển phức tạp và tốn kém hơn nhiều so với các loại tranh khác).

>Khung cảnh mỹ thuật tại Festival Huế 2016

>Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và văn hóa mỹ thuật dân gian

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không gian tranh Việt tại Singapore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO