Khi băng đĩa nhạc chỉ còn là kỷ niệm

ĐINH HƯƠNG| 15/12/2017 06:35

Dù Mỹ Tâm vừa bán hết veo 5.000 CD chỉ trong vòng một giờ sau khi phát hành và Phương Nam Film đã tổ chức hội chợ băng đĩa đến lần thứ 15, nhưng người lạc quan nhất cũng không kỳ vọng băng đĩa sẽ khởi sắc khi nhạc trực tuyến thịnh hành và mua băng đĩa đang trở thành thú vui sưu tầm của số ít người nghe nhạc.

Khi băng đĩa nhạc chỉ còn là kỷ niệm

Một quầy băng, đĩa nhạc ở Hội chợ Băng, đĩa Phương Nam. Ảnh: Khánh Nguyễn

Đã 30 năm kể từ khi album Brothers in Arms của ban nhạc rock Dire Straits kích hoạt thời của CD bùng nổ. Doanh số bán CD toàn cầu từng vượt 1 tỷ USD vào năm 1992 và 2 tỷ USD vào năm 1996. Chắc hẳn khá nhiều người thuộc thế hệ 6X - 9X đời đầu vẫn chưa quên những năm tháng chỉ nghe nhạc qua CD, nâng niu từng chiếc đĩa trước khi bỏ vào máy nghe nhạc. Nhưng từ hơn 10 năm trở lại đây, kể từ khi MP3, iPod rồi YouTube và các website nghe nhạc trực tuyến ra đời thì thói quen nghe nhạc qua CD đã dần mất.

Theo thống kê của Tạp chí Billboard, 46% doanh thu hiện nay của một ca sĩ đến từ các website âm nhạc trực tuyến, 6% từ YouTube, 38% từ việc khán giả tải xuống các ca khúc và chỉ có 9% từ doanh thu bán CD. Năm 2017, Việt Nam cũng ghi nhận sự thống trị của xu hướng làm MV, khi hầu hết ca sĩ từ nổi tiếng đến mới vào nghề đều có sản phẩm.

Link bài viết

Rất nhiều MV của các ca sĩ như Sơn Tùng M-TP, Hương Tràm, Bích Phương, Noo Phước Thịnh, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà lọt vào danh sách triệu "view" (lượt xem) và đứng thứ hạng cao trong xếp hạng "trending" (thịnh hành) của YouTube. So với việc làm CD truyền thống tốn kém bạc tỷ thì làm MV tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Đã vậy, đa phần website âm nhạc đều cho phép khán giả nghe miễn phí, nên các MV phù hợp với thị trường sẽ thu hút lượng "view" cao.

Việt Nam cũng từng có thời hoàng kim của băng đĩa nhạc. Ông Đồng Giao - Giám đốc Trung tâm băng nhạc Đồng Giao kể, trước năm 2000, băng, đĩa từng đạt được lượng phát hành lên tới hàng trăm nghìn bản mỗi CD. TP.HCM từng có hơn 20 đơn vị sản xuất băng, đĩa và hàng trăm ngàn cửa hàng bán băng, đĩa. Riêng khu vực Huỳnh Thúc Kháng (Q.1) từ sáng sớm đến tối khuya luôn tấp nập người mua. Thế rồi nạn đĩa lậu, việc thay đổi nhu cầu thưởng thức của khán giả sang nghe nhạc trực tuyến khiến thị trường băng đĩa Việt lao đao từ nhiều năm nay.

Bà Thu Dung - Phó chủ tịch Hiệp hội Ghi âm Việt Nam cho rằng: "Khoảng năm 2005, dù bị ảnh hưởng bởi internet, doanh thu của ngành vẫn đạt hơn 20 tỷ đồng, nhưng đến 2016 chỉ còn 9 tỷ đồng. Doanh thu năm 2017 chỉ kỳ vọng đạt 7 tỷ đồng".

Những trung tâm sản xuất băng đĩa nổi tiếng như Đồng Giao từ 2 năm nay đã chuyển sang làm phim (Nắng phần 1 và phần 2) và tổ chức các sô diễn ở tỉnh và nước ngoài.

Chỉ còn mỗi Phương Nam Film vẫn bám trụ, nhưng đại diện Công ty cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu và số lượng đĩa phát hành đã giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2016. Sở dĩ Phương Nam Film còn "gồng" được là nhờ vào chuỗi nhà sách tại nhiều tỉnh - thành và nắm độc quyền tác phẩm của các tác giả nổi tiếng như Phạm Duy, Vũ Thành An, Tuấn Khanh để sản xuất đĩa nhạc.

Trong năm 2017, Phương Nam Film tổ chức 3 lần hội chợ băng đĩa ở Bình Dương, Hà Nội và TP.HCM (từ 7 - 10/12) để phục vụ những khách hàng có nhu cầu nghe và xem các chương trình âm nhạc với chất lượng cao, có thói quen sưu tầm băng đĩa, nhưng cũng phải giảm giá khá mạnh cả băng đĩa mới phát hành.

Link bài viết

Việc sản xuất và phát hành đĩa ở Việt Nam hiện nay chủ yếu phụ thuộc các ca sĩ, nhạc sĩ có tiềm lực kinh tế lẫn lượng người hâm mộ lớn, như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, Mỹ Tâm, Thủy Tiên, Quang Dũng... Bởi vậy, lượng CD phát hành theo kiểu truyền thống chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và ca sĩ có số lượng lớn đĩa bán chạy cũng không nhiều. Gần như là người hâm mộ ca sĩ nào thì sẽ mua đĩa của ca sĩ đó để ủng hộ, động viên là chính.

Thực ra đã từ lâu, ca sĩ Việt phát hành đĩa không còn nghĩ đến chuyện kiếm lời. Nói như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thì anh không sống nhờ vào doanh thu của việc phát hành CD, nhưng nó mang đến giá trị tinh thần to lớn đối với anh và những người yêu mến anh khi anh giải nghệ.

Là một trong số ít ca sĩ còn phát hành CD, Ưng Hoàng Phúc cho biết: "Tôi nhận thấy chiếc CD không chỉ mang giá trị quan trọng và ý nghĩa với người nghệ sĩ mà còn với khán giả, bởi nếu cứ phát hành trực tuyến thì sau một thời gian nó cũng sẽ rơi vào quên lãng, nhưng chiếc CD thì còn mãi với bao nhiêu kỷ niệm".

Giá của một CD gốc chỉ bằng hoặc hơn vài ly trà sữa đang rất được giới trẻ ưa chuộng hiện nay. Một bạn trẻ nói rằng, vì không còn máy để nghe đĩa nên có mua cũng không nghe được, hoặc mua chỉ để sưu tầm. Có bạn thừa nhận vẫn còn giữ thói quen mua đĩa nhưng là nhạc nước ngoài và cho biết thêm, ở Nhật, người ta vẫn mua đĩa rất nhiều dù giá bán rất cao (từ 500 ngàn - 1,2 triệu đồng/đĩa) vì không có ai tải lên mạng cho nghe miễn phí.

Theo thời gian, chất lượng nhạc nghe trực tuyến đang được cải thiện dần. Song với những ai đã từng nghe nhạc qua CD, cảm giác cầm trong tay chiếc đĩa gốc hẳn vẫn tuyệt vời hơn khi nghe nhạc trên các website trực tuyến. CD giờ cũng như những cuốn sách nằm trên kệ để lâu lâu mang ra ngắm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi băng đĩa nhạc chỉ còn là kỷ niệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO