Jean-Michel Basquiat - "Van Gogh của thời đại chúng ta"

LÊ BẢN/DNSGCT| 05/06/2017 06:29

Nếu Van Gogh khi còn sống tranh chẳng bán được là bao, chết đi tranh có giá cả trăm triệu USD thì Jean-Michel Basquiat cũng tương tự.

Jean-Michel Basquiat -

“Van Gogh của thời đại chúng ta” là lời của nhà sưu tập tranh Jose Mugrabi khi nói về Jean-Michel Basquiat với kỷ lục mới về giá tranh mà họa sĩ quá cố này đã lập được tại phiên đấu giá của Sotheby’s đêm 18/5/2017 vừa qua.

Đọc E-paper

Theo lời cây bút Judd Tully của trang mạng nghệ thuật BlouinArtInfo, đó là một “đêm kỳ ảo” (miraculous night). Bức Không đề (Untitled) của Basquiat đã được bán với cái giá đến mức không tưởng: trên 110 triệu USD, chiếm hơn 1/3 doanh số 319,2 triệu USD của nhà Sotheby’s trong phiên đấu giá phi thường đó. Nếu Van Gogh khi còn sống tranh chẳng bán được là bao, chết đi tranh có giá cả trăm triệu USD thì Basquiat cũng tương tự.

Với giá tranh đạt được, Basquiat đã “đi vào đền Pantheon” theo cách nói của Nate Freeman trong bài viết trên ArtNews (hàm ý Basquiat đã nằm trong danh sách các họa sĩ có tranh đắt giá nhất mọi thời).

Mới cách đó không lâu, trước khi có “đêm kỳ ảo” tại nhà Sotheby’s, nhiều chuyên gia đấu giá đã hy vọng bức tranh sẽ cán mốc 60 triệu USD như cam kết của nhà Sotheby’s nhưng không ai dám nghĩ đến con số kinh khủng nói trên.

Cuộc đua song mã giành quyền sở hữu tác phẩm của Basquiat

Như vậy, Jean-Michel Basquiat đã trở thành họa sĩ Mỹ có tranh cao giá nhất được bán tại một phiên đấu giá, vượt qua kỷ lục mà Andy Warhol lập được tại phiên đấu giá đêm 13/11/2013 cũng tại nhà Sotheby’s ở New York, khi bức tranh Thảm họa đụng xe màu bạc của ông được bán với giá trên 105 triệu USD.

Basquiat cũng là họa sĩ đương đại thứ 2 có tranh vượt ngưỡng 100 triệu USD, chỉ đứng sau họa sĩ người Anh Francis Bacon với tác phẩm Ba nghiên cứu về Lucien Freud đã đạt mức giá trên 142 triệu USD trong phiên đấu giá tháng 11/2013 tại Christie’s New York. Và như vậy, Không đề của Basquiat có giá cao thứ 6 trong số các tác phẩm đã được bán tại các kỳ đấu giá từ trước tới nay.

Ngay sau phiên đấu giá, ông Grégoire Billault – phụ trách lĩnh vực tác phẩm đương đại của nhà Sotheby’s cho biết: “Đây đúng là một trong số những câu chuyện tuyệt diệu mà bạn lần đầu tiên chứng kiến và nó chỉ diễn ra vào những dịp thật đặc biệt, rồi thì bạn phải thuyết phục người khác về câu chuyện kỳ lạ ấy. Và đó là câu chuyện đã diễn ra tối nay (18/5/2017)”.

Khi nhà buôn tranh Adam Lindemann - người đã bán một bức Không đề khác của Basquiat với giá gần 57,3 triệu USD tại nhà Christie’s New York tháng 5/2016 hay tin về kỷ lục mới của Basquiat mà người mua cũng vẫn là tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa, ông đã thốt lên: “Không, không bao giờ, không thể có chuyện đó! Gấp đôi giá ước tính ư? Chuyện đó đã từng diễn ra ở thị trường mỹ thuật ư?”.

Ông nói thêm: “Nhưng toàn bộ câu chuyện chính là 2 người đặt giá đêm ấy, và chỉ có 2 người như vậy trên thế giới”. Đó là 2 người sau rốt đã lao vào cuộc đua nhằm giành quyền sở hữu bức Không đề. Một là tỷ phú Maezawa, người kia là anh em Lorenzo và Frank Fertitta – trùm kinh doanh bất động sản ở Las Vegas vốn sở hữu nhiều tác phẩm của Basquiat.

Trong phiên đấu giá đêm 18/5/2017, lô được đánh số 24 với bức tranh của Basquiat đã che bóng trên toàn bộ các lô tranh khác, kể cả những lô có tác phẩm của các tên tuổi của hội họa hiện đại và đương đại như Jean Debuffet, Roy Lichtenstein, Robert Rauschenberg, Takeo Yamaguchi, Mira Schendel, Blinky Palermo…

Chân dung tự họa của Jean-Michel Basquiat

Từ trước tới nay, mới chỉ có 5 bức tranh khác của Basquiat lên các sàn đấu giá nên mọi sự chú ý đều hướng về lô 24. Và khi Oliver Barker - người điều khiển phiên đấu giá lên tiếng: “Thưa quý ông, quý bà, chúng tôi có ở đây một kiệt tác của Basquiat”, đồng thời chỉ tay về bức Không đề được treo bên phải của ông, cuộc đua tranh bắt đầu. Giá khởi điểm được đưa ra là 57 triệu USD đã nhanh chóng đạt mức 65 triệu USD, rồi 66 triệu USD, tiếp đó là 69 triệu USD.

Vào thời điểm Barker loan báo bức tranh có thể được bán với giá đó, chuẩn bị gõ búa thì ông chợt hô to: “70 triệu!” và chỉ tay về hướng giữa phòng đấu giá. Hàng trăm cái đầu hướng về phía đó, nhiều người còn đứng bật dậy để xem ai vừa xướng giá. Thế nhưng đó chưa phải là giá chốt. Lần lượt, giá được nâng càng lúc càng cao nhưng chỉ bởi 2 đại diện: thứ nhất là Nicholas Maclean - người đã cùng với Christopher Eykyn (nguyên là chuyên gia hàng đầu của nhà Christie’s) thành lập gallery Eykyn Maclean ở New York năm 2010, và thứ 2 là Yuki Terase - chuyên gia của nhà Sotheby’s ở văn phòng Hong Kong, người thường làm việc với các khách hàng Nhật Bản.

Rồi giá được nâng lên mức 90 triệu USD bởi Nicholas Maclean. Đến lúc này thì ai nấy đều tin đó là giá sẽ được gõ búa, thế nhưng sau khi hội ý với khách hàng Yuki Terase nâng mức giá lên 98 triệu USD. Dù vẫn liên lạc với khách hàng của mình qua microphone nhưng Maclean đã lắc đầu thất vọng. Barker hối thúc nhưng Maclean vẫn lắc đầu. Thế là Barker gõ búa sau 3 lần xướng giá cuối cùng.

Bức Không đề đã có chủ mới ở mức giá 98 triệu USD, cộng với các loại phí và thuế là 110.487.500 USD. Những tràng pháo tay vang dội khán phòng, hoan hô người chủ mới: nhà sưu tập Yusaku Maezawa.

Yusaku Maezawa là ai?

Ngay sau đó tỷ phú người Nhật đã khẳng định qua Instagram với hình ảnh của mình và tuyên bố: “Tôi thật hạnh phúc để loan báo rằng tôi vừa có được kiệt tác này. Khi lần đầu tiên bất ngờ thấy được bức tranh, tôi đã bị nó chinh phục với biết bao sự phấn khích cũng như toàn bộ tình yêu của tôi dành cho nghệ thuật. Nếu có thể, tôi muốn được chia sẻ trải nghiệm này với thật nhiều người”.

Trong một thông báo được đưa ra sau phiên đấu giá, nhà Sotheby’s cho biết: “Bức tranh cuối cùng sẽ được đón nhận tại một bảo tàng ở Chiba, quê nhà của ông Maezawa ở Nhật”.

Yusaku Maezawa sinh ngày 22/11/1975, khi còn là học sinh đã lập ban nhạc cùng với các bạn trong lớp. Tốt nghiệp trung học, Maezawa không học đại học mà sang Mỹ sưu tầm CD và các bản thu ca khúc của các ban nhạc mình yêu thích. Đó là cơ sở để khi về lại Nhật năm 1995, Maezawa thành lập Công ty Start Today vào năm 1988, chuyên kinh doanh CD và album nhạc qua email.

Năm 2000, Start Today trở thành công ty kinh doanh online và bắt đầu buôn bán y phục thời trang cho giới trẻ. Đến năm 2004, Maezawa mở thêm website Zozotown chuyên kinh doanh đồ thời trang.

Tỷ phú Yusaku Maezawa bên bức tranh vừa mua được với giá kỷ lục

Thành công vượt bậc trong kinh doanh, Maezawa trở thành tỷ phú khi chưa đến tuổi 40. Tháng 5/2017, tài sản của Maezawa được tạp chí Forbes định giá 3,6 tỷ USD và xếp Maezawa thứ 14 trong số những người giàu nhất nước Nhật.

Năm 2012, Maezawa thành lập Quỹ Nghệ thuật đương đại (Contemporary Art Foundation) ở Tokyo với mục đích hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại. Quỹ tổ chức mỗi năm 2 cuộc triển lãm. Tháng 5/2016, Maezawa gây bão truyền thông toàn cầu khi mua bức tranh của Basquiat với giá kỷ lục lúc đó là 57,3 triệu USD. Cũng trong 2 ngày của tháng 5/2016, tại nhà Christie’s New York, Maezawa còn mua tác phẩm của Bruce Nauman, Alexander Calder, Richard Prince và Jeff Koons với tổng chi 2 ngày đó lên đến gần 100 triệu USD.

gày 16/11/2016, cũng tại nhà Christie’s New York, tỷ phú Yusaku Maezawa đã mua bức Đầu đàn bà (Chân dung Dora Maar) của Picasso với giá 22,6 triệu USD.

>> Yoshiko Shinohara: Đường đến “ngôi vị” nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Nhật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Jean-Michel Basquiat - "Van Gogh của thời đại chúng ta"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO