Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Thêm sắc màu cho thành phố ngàn hoa

QUÝ YÊN| 05/12/2013 05:20

Sau 35 năm kể từ cái ngày đặt chân đến Đà Lạt "để xem có gì đẹp không", họa sĩ Vi Quốc Hiệp vẫn không thể lý giải điều gì đã níu chân mình ở phố núi này lâu đến vậy.

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Thêm sắc màu cho thành phố ngàn hoa

Sau 35 năm kể từ cái ngày đặt chân đến Đà Lạt "để xem có gì đẹp không", họa sĩ Vi Quốc Hiệp vẫn không thể lý giải điều gì đã níu chân mình ở phố núi này lâu đến vậy. Chỉ biết, đây chính là vùng đất ông phải bám trụ để dốc sức ghi lại những nét đẹp của thiên nhiên, của kiến trúc... như thể nếu không cố gắng hôm nay thì ngày mai không kịp nữa.

Đọc E-paper

Họa sĩ bên bức tranh bác sĩ Yersin ghép bằng hạt đậu

>Báo DNSG phát động cuộc thi ảnh "Tết Việt 2014"
>Lời thì thầm ngày đầu Đông
>
Tháng Mười ở Paris, hãy quên đi Bảo tàng Louvre!
>Hoa hồng trên rác thải

35 năm một hoài vọng

Đầu tháng 11/2013, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao Giấy xác lập kỷ lục cho tác phẩm chân dung bác sĩ Alexander Yersin, bức tranh được ghép từ nhiều loại đậu nhất, do họa sĩ Vi Quốc Hiệp thực hiện.

Miệt mài sáng tác chỉ với một nguồn cảm hứng duy nhất là Đà Lạt, người họa sĩ già vẫn chưa quen với danh hiệu "kỷ lục gia" nên câu chuyện của ông vẫn xoay vòng ở thiên nhiên, con người... phố núi.

Gặp họa sĩ Vi Quốc Hiệp tại TP.HCM nhân dịp ông xuống phố, tham dự chương trình hội ngộ kỷ lục gia. Ông bảo, đây là lần đầu tiên ông được gặp nhiều kỳ tài ở Việt Nam đến vậy.

Nhìn những công trình mà những kỷ lục gia khác thiết lập, mới thấy bức tranh kỷ lục của ông khá bình dị. "Điều đặc biệt ở tác phẩm này chính là cái tình tôi gửi vào trong ấy", họa sĩ chia sẻ.

Sinh năm 1948 tại Lạng Sơn, họa sĩ người dân tộc Tày Vi Quốc Hiệp tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1971. Theo phân công của nhà nước, ông mang cọ đi khắp nơi, phục vụ phong trào sáng tác văn học nghệ thuật nước nhà. Lăn lộn ở Hà Giang, Bắc Thái... chẳng vùng hẻo lánh nào ông từ nan.

Chuyện ông được thuyên chuyển về Đà Lạt cũng vậy nhưng khi đặt chân đến vùng đất này, cái duyên từ thủa nào đã giữ chân ông ở lại đến bây giờ. Ba mươi lăm năm gắn bó là ngần ấy năm ông say sưa sáng tác đến mức... chẳng còn chỗ ở nhà để treo tranh.

"Đà Lạt đẹp từng... cm nên nguồn cảm hứng ấy khiến tôi cứ muốn vẽ mãi. Không cần sắp đặt hay tưởng tưởng, cảnh vật nơi đây đã là một tác phẩm hoàn chỉnh, người nghệ sĩ chỉ cần thể hiện lại", ông chia sẻ.

Cảm hứng sáng tác của Vi Quốc Hiệp dồi dào đến mức trong 5 năm, ông có thể cho ra đời hơn 100 tác phẩm hoàn toàn khác biệt nhau về Đà Lạt.

Đó chính là lý do vì sao nhân dịp kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2013), ông có thể trình làng 120 tác phẩm mới nhất về Đà Lạt với chất liệu chính là sơn dầu tại Nhà triển lãm Hòa Bình, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Ông gọi, đó là kết quả 35 năm, một hoài niệm, của riêng ông tặng lại cuộc đời.

Nặng nợ với cao nguyên

Cố gắng vậy nhưng họa sĩ già vẫn cảm thấy chưa đủ. Trong ông cứ ấp ủ một sáng tạo nào đó đặc biệt cho dịp "sinh nhật" vùng đất ông yêu. Vi Quốc Hiệp kể, suy nghĩ ấy cứ khiến ông chìm vào suy tư cho đến một ngày, trong lúc chờ đón vợ ngoài bìa chợ như thường nhật, ông thấy được những hạt đậu đang "nhảy múa" trong nắng đầu Hè.

Ý tưởng làm tranh bằng đậu khởi phát và ông quyết định thử sức nó với chân dung người khai sinh vùng đất này, bác sĩ Yersin. "Những loại đậu tôi dùng đều là sản phẩm từ bàn tay nông dân Đà Lạt gieo trồng, không qua xử lý mà thuần những sắc màu của tự nhiên", ông chia sẻ.

Để tạo cho tác phẩm có chiều sâu, ông dùng phương pháp duy nhất là hiệu ứng ánh sáng. Làm được điều này đòi hỏi người họa sĩ phải mất khá nhiều công sức cũng như phải cực kỳ nhạy cảm với những phản chiếu từ ánh sáng.

Tham quan triển lãm mới nhất của Vi Quốc Hiệp, dù đã biết danh ông là "họa sĩ của biệt thự cổ” nhiều người vẫn không khỏi ngạc nhiên khi thấy hình ảnh chủ đạo trong sáng tác của ông, những biệt thự Đà Lạt, lại quá lung linh, độc đáo.

Say sưa những công trình kiến trúc mà người Pháp đã kiến tạo cho vùng đất này, cách mà Vi Quốc Hiệp nhìn những biệt thự cổ, dù còn nguyên vẹn hay chỉ còn là phế tích đều có những gửi gắm riêng.

Ông bảo: "Xót lắm, đau lắm khi thấy những công trình tuyệt đẹp ấy hết đợt này lại đợt khác bị phá nát, bị xâm hại chỉ vi nhận thức kém của dân mình, của đội ngũ quản lý!".

Theo họa sĩ, tuy đây là công trình của người Pháp nhưng lại thể hiện trình độ của quốc gia Việt Nam. Bởi vì, công năng sử dụng không đúng và thái độ phủ nhận phản ánh rõ nhận thức của người Việt về giá trị của những công trình kiến trúc...

Đó chính là lý do đến tận bây giờ, người họa sĩ già vẫn ngày ngày vác giá vẽ, chạy xe máy khắp vùng cao nguyên này để ghi lại cái đẹp, để truyền tải tình yêu với hy vọng sẽ tạo nên được đồng cảm dành cho biệt thự cổ nói riêng và Đà Lạt thơ mộng nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Thêm sắc màu cho thành phố ngàn hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO