Giữa hai dòng nhớ

QUÝ YÊN| 01/09/2015 00:50

Vở Bao giờ sông cạn của sân khấu Hoàng Thái Thanh xoay quanh bi kịch tình yêu giữa hai người đàn bà và một người đàn ông

Giữa hai dòng nhớ

Dẫu cùng nguyên tác, cùng tác giả chuyển thể nhưng hai lần lên sân khấu của Dòng nhớ lại mang đến cho khán giả những trăn trở khác nhau. Giữa một bi kịch tình yêu, một cách nhìn khác, một mong ước khác đã có thể vẽ nên một câu chuyện khác.

Đọc E-paper

Tối 28/8, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh công diễn vở Bao giờ sông cạn, kịch bản xây dựng từ truyện ngắn Dòng nhớ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, do đạo diễn Hạnh Thúy chuyển thể, Hoàng Thái Thanh biên tập. Giữ nguyên cốt truyện của nguyên tác, Bao giờ sông cạn xoay quanh bi kịch tình yêu giữa hai người đàn bà và một người đàn ông.

Trước áp lực từ gia đình, Chờ phải bỏ người yêu và cũng là người vợ không chính thức, đã cùng sống lênh đênh trên sông nước với nhau là Thà mà về với Mai, người vợ do gia đình chọn lựa. Muốn cắt đứt sợi dây liên hệ giữa Thà và Chờ, người mẹ chuyên quyền của Chờ đã bắt cóc cháu nội của mình. Rồi bà đột ngột qua đời khiến việc đòi con của Thà bất thành. Cô cam chịu sống lênh đênh một mình trong nỗi đau xa chồng, xa con.

Tuy sống bên vợ cùng con trai nhưng lúc nào Chờ cũng nhớ về người cũ. Có những đêm, cả ba người trong chuyện tình tay ba ấy thức trắng: người vợ cũ neo xuồng dưới bến sông sau nhà, người đàn ông chong đèn, hút thuốc, còn người vợ "hợp pháp" thì trăn trở vì lo lắng lẫn hờn ghen... Câu chuyện vốn đã giàu kịch tính này lại được thể hiện bởi những cái tên cứng nghề là nghệ sĩ Xuân Hương, Ái Như, Tuyết Mai, Đoàn Thành Tài... nên dễ dàng chạm đến trái tim khán giả.

Đây không phải lần đầu Dòng nhớ được thể hiện trên sân khấu kịch. Giữa năm 2009, đạo diễn Hạnh Thúy đã chuyển thể lẫn dàn dựng vở diễn này trên sân khấu kịch 5B và đã tạo được tiếng vang, thu hút khá nhiều khán giả đến xem. Vẫn là câu chuyện ấy nhưng cách kể của đạo diễn Hạnh Thúy có phần sát với nguyên tác.

Quyết tâm giáp mặt tình địch, Mai đã giả làm khách đi chợ sớm, tắp ghe vào xin sưởi ấm trên thuyền vợ cũ của chồng mình. Chứng kiến cảnh sống khó nghèo và cách níu giữ tình cảm cùng nỗi đau mất con mà người đàn bà ấy phải chịu đựng, Mai dần hiểu và thông cảm cho Chờ cùng người phụ nữ bạc phận ấy.

Bao giờ sông cạn

Không như cách kể chuyện của Hạnh Thúy, Mai của đạo diễn Ái Như cam chịu hơn, nhẫn nhục hơn ngay trong lần đầu giáp mặt Thà, người thứ ba. Cô đến chỉ để báo tin mẹ Chờ đang ốm nặng, nói chuyện với tình địch cũng với thái độ rất hiền lành. Chính vì điều này mà nhân vật Mai trong Bao giờ sông cạn khá nhạt nhòa.

Trái với Mai, Thà do Hoàng Vân Anh thủ vai lại là vai diễn đánh dấu sự trưởng thành của cô đào trẻ. Ngôn ngữ hình thể tốt, nỗi đau của người mẹ mất con được Hoàng Vân Anh thể hiện đến tận cùng mà không cần đến lời nói hay nước mắt. Tiếp sức cho Hoàng Vân Anh trong phân đoạn 20 năm sau của Thà, nghệ sĩ Ái Như lấy nước mắt khán giả đơn giản chỉ bằng tiếng gọi: "Con ơi"...

Phối cảnh sân khấu tốt, âm thanh, ánh sáng và cả những kỹ xảo tạo mưa điêu luyện đã biến sân khấu Hoàng Thái Thanh trở thành một miền quê Nam bộ thu nhỏ. Khán giả hòa mình vào câu chuyện tình miền Tây sông nước. Khóc, cười cùng những con người chân chất nơi đây.

Đáng tiếc, mong muốn giải quyết triệt để hơn câu chuyện tình ngang trái này của Hoàng Thái Thanh đã không được như ý. Tình huống kịch tính nhất, khi đứa con biết được sự thật về người đàn bà phá hoại gia cang mình, không được khai thác tốt khiến người xem hụt hẫng. Càng hẫng hơn với cái kết chàng thanh niên 18 tuổi ấy hào hứng lên đường cùng mẹ ruột, tìm một bến đỗ khác cho bà, bù đắp những tháng năm thiếu thốn tình thương dưới sự đồng ý của tất cả mọi người.

Trên bờ, Mai và Chờ cùng nhìn theo hai mẹ con Thà và Đợi. Liệu có thể nảy sinh hạnh phúc không khi Chờ đã khẳng định với Mai rằng không thể yêu cô dù đã rất cố gắng? Liệu có tương lai vững chắc nào được tạo dựng bởi một thanh niên vừa chạm tuổi trưởng thành, còn bà mẹ nghèo thì đã già? Cả hai câu hỏi này đều khó thể giải đáp thỏa đáng nên cái kết mới cho Dòng nhớ năm nào không thuyết phục được khán giả.

Sông chảy, sông trôi, sông khó lòng khô cạn. Giá như những mảnh tình ấy vẫn cứ lênh đênh trên dòng chảy của sông, mải miết kiếm tìm trong niềm thủy chung sâu sắc...

>Nơi dòng sông hợp tan...

>"Thánh đường" của Hoàng Thái Thanh

>Kịch 2015: Trăm hoa đua nở

>Xem kịch, thấy đời

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giữa hai dòng nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO