Ghi chép bên lề trang sách

LÊ MINH QUỐC| 08/02/2016 06:55

Đã có nhiều tín hiệu tốt nhằm tác động, lan truyền đến công chúng nhiều hơn nữa về văn hóa đọc.

Ghi chép bên lề trang sách

Năm nay, lần đầu tiên đã có đường sách cố định ở đường Nguyễn Văn Bình, bên hông Bưu điện Thành phố...

Đọc E-paper

Vào dịp Tết, trước đây cũng có đường sách từ sáng kiến của Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM phối hợp với Công ty Fahasa, lần đầu tiên tổ chức vào dịp Tết 2011. Cụ thể, từ ngày 31/1 đến ngày 6/2 (từ 28 đến mùng 4 Tết Âm lịch) tại đường Mạc Thị Bưởi - đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ. Tương tự, Hội sách TP.HCM đã tổ chức nhiều năm tại Công viên Lê Văn Tám. Đây là những tín hiệu tốt nhằm tác động, lan truyền đến công chúng nhiều hơn nữa về văn hóa đọc.

Sáng nay, đi ngang qua Tao Đàn lại thấy sinh hoạt Hướng đạo. Những gương mặt sáng láng, đáng yêu lắm! Nhìn các em chỉnh tề, chững chạc với các trò chơi, sinh hoạt cộng đồng mà nhớ thời còn trẻ. Câu hát bật lên trong đầu: "Anh em ta về cùng nhau ta quây quần này / 1-2-3-4-5 / Anh em ta về cùng nhau ta sum họp này / 5-4-3-2-1 / Một đều chân bước nhé / Hai quay nhìn nhau đi / Ba cầm tay chắc nhé, không muốn ai chia lìa / Bốn nhớ rằng, chúng ta bốn bể anh em một nhà / Năm nhớ mãi tình người trong câu ca".

Bây giờ và sau này, tôi vẫn giữ quan điểm: Ngoài tổ chức hội, đoàn của Nhà nước, cần duy trì và phát huy nhiều hơn nữa vai trò của các đoàn thể, trong đó có Hướng đạo, Gia đình Phật tử... Chính các tổ chức này sẽ là cánh tay đắc lực đáng tin cậy cùng nhà trường, gia đình rèn luyện, dạy dỗ các em kỹ năng sống, nhân cách sống.

Những cụm từ đó nghe to tát quá, phải không? Còn nhớ một thông tin ấm ớ: Quán bán thức ăn nhanh nọ tại quận 1 (TP.HCM) có chương trình phát thức ăn miễn phí từ 20 giờ ngày hôm nay đến 20 giờ ngày hôm sau. Quà tặng gồm có một phần bánh burger, khoai tây, nước ngọt, áo thun... được ném xuống từ sân thượng cửa hàng. Muốn nhận thức ăn miễn phí, người tham dự phải đi xe máy hoặc xe đạp, xếp hàng chờ.

Chuyện gì xảy ra?

Hàng trăm người chen chúc, quyết giành cho được phần quà miễn phí. Về chuyện này, báo chí thông tin cỡ như "hàng ngàn người tranh giành suất ăn miễn phí: Tự nhiên mất hết nhân văn?". Một bạn đọc phát biểu đáng lưu ý: "Mình thấy toàn là thanh niên, đi xe xịn các kiểu xếp hàng hơn là người bán hàng rong, xe ôm, người cơ nhỡ. Họ chầu chực hàng giờ đồng hồ được mà khi đứng chờ đèn đỏ vài chục giây thì không đủ kiên nhẫn. Thật là xót xa!".

Những cá nhân, doanh nghiệp muốn tiếp thị, quảng bá thương hiệu bằng chiêu trò ấy là cách làm kém. Còn nhớ, mới đây có quán phở thách ai ăn hết tô phở của họ thì được thưởng 1 triệu đồng. Tất nhiên, tô phở đó to tổ chảng, vài người ăn mới hết. Vậy mà cũng có người tò mò, háo hức đến ăn. Vừa được ăn vừa được tiền, tại sao không? Ừ, thì ăn. Ăn để rồi nôn thốc nôn tháo đến mật xanh mật vàng. Nhờ những trò oái ăm này, các quán đó được nhiều người biết đến. Nhưng sau đó thì sao? Quán vắng như chùa bà Đanh, bởi điều cần làm lâu dài phải là chất lượng của sản phẩm, chứ không phải những trò giật gân nhất thời.

>>Chất lượng tạo sự thịnh vượng

Ngày Xuân ngày Tết, lại nhớ về cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Thích thông tin này: Trước đây, vì an ninh, Singapore có luật các ngôi nhà xung quanh ngôi biệt thự của cụ Lý không được phép xây cao. Trước lúc mất, cụ Lý có di chúc xin đập ngôi nhà này, cho các nhà xung quanh được xây cao tầng và biến nó thành công viên cây xanh công cộng.

Trên trang Facebook cá nhân, nhà thơ Trần Mạnh Hảo có viết bài thơ "Xin phá bỏ ngôi nhà tôi sau khi tôi chết": Không được dùng nhà này làm nhà tưởng niệm tôi sau khi tôi mất / Hãy đập ngôi nhà tôi cho hàng xóm được cao tầng / Rồi trồng cỏ cây thành công viên xanh mát / Còn chút lòng này xin được hiến dâng / Không còn lời nào ca ngợi Lý tiên sinh được nữa / Cụ khiêm nhường giống hệt một thường dân / Cụ đã biến Singapore thành thiên đường dưới thế / Bằng tất cả thiên tài và một tấm lòng nhân...

Liên tưởng đến một số quan chức nước nhà, sau khi nghỉ hưu nhưng vẫn kiên cường "bám trụ tới cùng", quyết không trả lại nhà công vụ. Vì đâu nên nỗi? Đọc lại hồi ký của cụ Lý, tìm ra vài thông tin có thể nhiều người sẽ tranh cãi. Chẳng hạn, theo quan điểm Lý Quang Diệu cũng dễ gây tranh cãi: "Đàn ông đã tốt nghiệp đại học mà chọn vợ ít học và ít hiểu biết thật là ngu xuẩn biết mấy, nếu họ muốn con cái của họ cũng giống như họ”. Ai cũng biết, nhân tài là tài sản quý báu nhất của một đất nước. Nước Việt ta, hàng trăm năm trước, Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1419 - 1499) đã khẳng định: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết".

Cụ Lý cũng nghĩ thế. Tuy nhiên, nhân tài ở đâu mà có? Thật ra, cụ Lý không phải người theo quan điểm tinh hoa trị, phát biểu gây sốc của cụ nhằm thay đổi nhận thức ở nhiều người, nhất là nữ giới. Bằng chứng ở Singapore có chính sách ưu đãi phụ nữ học cao được có con thứ 3, thay vì chỉ "dừng lại ở 2" theo chương trình kế hoạch hóa gia đình; Chính phủ cho phép phụ nữ học vấn đại học có đứa con thứ 3 được ưu tiên chọn trường đại học tốt nhất cho cả 3 đứa con của họ, một mục tiêu mà các bậc cha mẹ nào cũng mong muốn...

Chính sách ưu đãi giáo dục, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ vẫn còn là bài học thiết thực cho nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Điều quan trọng, Việt Nam ta cũng có thể làm được điều mà cụ Lý nhấn mạnh, đào tạo nhân tài chỉ có được một khi đất nước đó "giáo dục đã trở nên phổ cập".

Việt Nam thừa biết, biết từ khuya rồi cụ Lý ạ, nhưng bắt đầu từ đâu, thực hiện như thế nào thì thưa cụ, vẫn còn đang trong vòng luẩn quẩn từ chương trình học, nội dung các môn học, thậm chí đến cách ra đề thi cũng mù mờ nốt.

Tập Hồi ký Lý Quang Diệu (1965 - 2000) dày 935 trang, co chữ nhỏ, ngồn ngộn thông tin. Càng đọc càng có dịp suy ngẫm lại nhiều điều, thậm chí thay đổi nhiều nhận thức trước đó. Sự thay đổi này, tất nhiên từ chiến lược "quốc gia đại sự", nhưng từ mỗi người thì có thể từ việc phổ biến văn hóa đọc, phải đọc sách, có đúng không?

>>Đọc sách, tìm mình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ghi chép bên lề trang sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO