Gatsby đã thành đại gia như thế nào?

ĐỖ PHƯỚC TIẾN| 04/03/2009 04:51

Đây là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng từng được xếp thứ hai trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của Modern Library, còn Tạp chí Time thì đưa nó vào danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh từ 1923 đến 2005, do chính tạp chí này bình chọn.

Gatsby đã thành đại gia như thế nào?

Tiểu thuyết The great Gatsby của F.S. Fitzgerald đã từng được dịch giả Hoàng Cường dịch sang tiếng Việt với tựa đề Gatsby vĩ đại và NXB Tác phẩm mới xuất bản năm 1985. Ấn bản lần này, Đại gia Gatspy, do dịch giảTrịnh Lữ chuyển ngữ và lựa chọn nhan đề.

Trước hết, có lẽ cũng cần nhắc lại, đây là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng từng được xếp thứ hai trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của Modern Library, còn Tạp chí Time thì đưa nó vào danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh từ 1923 đến 2005, do chính tạp chí này bình chọn. Cho nên, việc chuyển ngữ tác phẩm này như thế nào cho xứng đáng với nguyên bản không dễ dàng chút nào.

Có thể tóm tắt tác phẩm như sau: Thập kỷ 1920 là thời kỳ hoàng kim của tầng lớp thượng lưu trong xã hội Mỹ. Giai đoạn 1922-1929, lợi tức thu được từ cổ phiếu tăng 108%, lãi của các công ty tăng 76% và lương bổng tăng 33%. Nói chung, công nghệ tiến bộ và năng suất gia tăng đã làm giảm giá thành sản phẩm và kinh tế tăng trưởng rất nhanh. Phát triển thương mại dẫn đến tình trạng xã hội chỉ còn quan tâm đến vật chất. Có tiền, người ta bắt đầu mua sắm. Càng mua sắm nhiều thì lời lãi càng tăng, sản xuất hàng hóa càng nhiều, và người ta cũng kiếm được nhiều tiền hơn. Rồi người ta bắt đầu tiêu tiền cho ô tô, điện thoại, tủ lạnh và ăn chơi, giải trí. Báo chí, phim ảnh và nhà hát cũng góp phần phổ biến và khuyến khích tư tưởng hưởng thụ vật chất này.

Từ hàn vi, phất lên nhanh chóng, Gastby, nhân vật chính của câu chuyện, tưởng sẽ có được tất cả: tiền bạc, quyền lực và tình yêu. Nhưng ảo tưởng tình yêu tan vỡ nhanh chóng một cách đau đớn, sau đó là cái chết. Điều đau đớn nhất là sau khi chết, Gatspy ngay lập tức bị người đời quên lãng, như thể con người này chưa bao giờ hiện diện trên đời. Giá trị tư tưởng của tác phẩm có lẽ là những chiêm nghiệm chung quanh mệnh đề Giấc mơ Mỹ, một trong những chọn lựa có những giá trị riêng đã từng được thử thách và hơn một trăm năm qua vẫn tiếp tục làm độc giả say mê cũng như có được sự ngưỡng vọng khắp thế giới.

Tuy nhiên, có vẻ như cách nhìn của dịch giả Trịnh Lữ về The great Gatsby lại tập trung ở một khía cạnh khác. Về mặt chính trị, bối cảnh trong tác phẩm của F.S. Fitzgerald gần giống với những gì đang diễn ra ở VN hiện nay. Đó là giai đoạn tăng trưởng và phồn thịnh một cách kỳ dị của xã hội Mỹ, cho nên cũng là thời hoàng kim của nạn tham nhũng. Sau thế chiến thứ nhất, khi Tổng thống Mỹ Warren G. Harding chọn chính sách phát triển kinh tế dựa vào doanh nghiệp, chính quyền của ông tràn ngập nhân viên tham nhũng, bị giới lao động căm ghét và là mục tiêu hối lộ của các băng nhóm tội ác có tổ chức. Chính quyền chỉ bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp với những chính sách bất cập và lúng túng trong giải quyết những vấn đề cơ bản như mức lương tối thiểu, hợp đồng lao động, tổ chức công đoàn...

Ngoài ra, cả Harding lẫn tổng thống kế nhiệm ông là Calvin Coolidge đều có những chính sách thuế chỉ làm lợi cho doanh nghiệp và người giàu. Chính sách kinh tế của chính phủ cũng khiến các ngành nông - lâm nghiệp và khai thác mỏ lâm vào tình trạng đình đốn, dẫn đến hiện tượng người nghèo ở nông thôn kéo lên thành phố tìm kế mưu sinh, gây nên nạn đô thị hóa tràn lan và di hại cho đến tận hôm nay.

Còn về mặt xã hội, những năm 1920 là thời điểm đánh dấu những thay đổi lớn trong xã hội Mỹ, đặc biệt là với phụ nữ. Để chứng tỏ mình đã được giải phóng, phụ nữ Mỹ bắt đầu cắt tóc ngắn, không mặc áo ngực hoặc những thứ áo bó khác vẫn được dùng để làm nổi bật những nét nữ tính như ngày xưa, công khai hút thuốc, uống rượu, thực hiện hành vi tình dục bừa bãi và coi hành vi ngoại tình là tự nhiên, là thời thượng. Các nhân vật nữ trong The great Gatsby đã phản ánh sinh động hiện tượng đổi thay này.

Trịnh Lữ cho rằng, những hiện tượng tương tự đang diễn ra ở xã hội VN ngày nay và chúng giống nhau một cách đáng giật mình. Một xã hội như thế nào sẽ cho ra đời những con người như thế ấy. Xã hội VN hiện nay cũng đang tồn tại một lớp người giàu có từ kinh doanh trong môi trường luật pháp chưa hoàn chỉnh, được gọi theo ngôn ngữ thời thượng là các “đại gia”. Cho nên, dịch giả tin rằng nhan đề này là phù hợp nhất với cuốn sách trong mục đích giúp độc giả VN hình dung chính xác hơn về nhân vật chính Gatsby, bởi vì Gatsby chỉ là đại gia, người tạo ra Gatsby, tức F.S. Fitzgerald, mới thực sự vĩ đại.

Như đã nói ở trên, bởi vì The great Gatsby quá nổi tiếng cho nên lựa chọn của dịch giả khi gọi Gatspy là đại gia không hoàn toàn nhận được sự đồng tình của dư luận. Những ngày đầu Đại gia Gatspy mới được phát hành, đã có rất nhiều ý kiến phản hồi về bản dịch mới này. Những người đã từng đọc The great Gatsby cho rằng, có một điểm khác nhau rất cơ bản là nước Mỹ đầu thế kỷ 20 tự thân thay đổi chứ không cần phải có WTO và đầu tư nước ngoài, và quan trọng là nước Mỹ không bắt chước ai. Mặt khác, về ngôn ngữ dịch thuật thì những từ thông dụng lại thường là những từ khó dịch và dễ lầm nhất. Chữ “great” dịch là “vĩ đại” thì cũng đúng, nhưng cách dùng chữ “great/vĩ đại” của người Việt và người Mỹ khác hẳn nhau, vì tư duy của hai dân tộc khác nhau.

Dĩ nhiên, đúng sai thế nào sẽ tùy thuộc vào quan điểm riêng của mỗi người đọc. Xét cho cùng, nhan đề chưa phải là cái quan trọng nhất đối với một tác phẩm dịch và cũng chỉ là quan điểm riêng của dịch giả. Hơn nữa, ngoài nhan đề, những việc còn lại trong quá trình chuyển ngữ đã được Trịnh Lữ thực hiện một cách rất nghiêm túc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gatsby đã thành đại gia như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO