Doraemon: Chuyện về chú mèo máy tỷ đô

Văn Khoa| 16/01/2021 06:00

Không chỉ trở thành biểu tượng văn hóa của hoạt hình Nhật Bản, Doraemon giờ đây còn là chuyện về thương hiệu tỷ đô ở lĩnh vực văn hóa.

Doraemon: Chuyện về chú mèo máy tỷ đô

Bộ đôi Doraemon Vol.0 và box set Doraemon: Tuyển tập những người thân yêu do NXB Kim Đồng ấn hành nhân kỷ niệm Doraemon tuổi 50

Fujiko F. Fujio bắt đầu sáng tác chuyện về chú mèo máy thông minh vào năm 1969, dựa vào tạo hình của Okiagari-koboshi, một loại búp bê truyền thống của Nhật. Có lẽ khi ấy, ông không thể nghĩ rằng, 50 năm sau, chú mèo máy và những người bạn trong câu chuyện ấy đã chinh phục trái tim của hàng triệu người trên thế giới, không chỉ có trẻ em. Sự thu hút của Doraemon nằm ở tính ngắn gọn, dễ hiểu, dí dỏm và cái nhìn lạc quan về cuộc sống và sự phát triển của khoa học - kỹ thuật qua những món bảo bối thần kỳ.

Doraemon được đăng tải lần đầu trên các tạp chí dành cho nhiều lứa tuổi của NXB Shogakukan vào năm 1970. Tháng 7/1974, tập đầu tiên của bộ truyện ngắn  Doraemon được xuất bản tại Nhật Bản, sau đó số tập tăng dần lên con số 45 với số lượng phát hành vượt mức 100 triệu bản. Đến nay, đã có hàng chục series Doraemon (với hàng trăm tập tương ứng) được phát hành. Tạo hình Doraemon được nhiều chuyên gia truyện tranh, hoạt hình Nhật Bản đánh giá cao. Theo Tokyo Manga, tên nhân vật là sự kết hợp độc đáo giữa từ dora-neko (chú mèo chuyên ăn vụng), dora-musuko (cậu bé lười nhác, ham chơi) và emon (hậu tố chỉ tên con trai từng được dùng nhiều tại Nhật Bản). Tên gọi này phù hợp với tính cách vụng về của Doraemon. Ngoại hình mũm mĩm, tròn trịa khiến Doraemon được nhiều khán giả yêu quý.

Doraemon đến với độc giả Việt Nam vào năm 1992. Tác giả Fujiko từng đến thăm và giao lưu với bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam vào năm 1996.

Từ thành công của loạt truyện, hãng Toho bắt đầu sản xuất các phiên bản hoạt hình. Phim dài đầu tiên ra mắt khán giả năm 1980 với nhan đề Doraemon: Khủng long của Nobita. Điểm mạnh của Doraemon khi chuyển thể sang điện ảnh so với những thương hiệu manga khác là 16 bộ truyện dài có cấu trúc không khác gì phim điện ảnh. Theo thông lệ, mỗi năm khán giả đều có cơ hội ra rạp để chứng kiến nhân vật Mèo máy và nhóm bạn trên màn bạc.

Tại phòng vé Nhật, Doraemon đã đạt doanh thu hơn 180 tỷ yên (khoảng 1,8 tỷ USD) và là thương hiệu phim ăn khách nhất. Bộ phim năm 2019 còn phá vỡ kỷ lục của thương hiệu tại phòng vé với 50 triệu USD, cho thấy sức sống mãnh liệt của nhân vật Mèo máy trong lòng người hâm mộ. Tính đến nay, 39 bản phim dài của Doraemon đã được phát hành, với doanh thu trung bình khoảng 43 triệu USD mỗi tập.

doraemon-chuyen-ve-chu-meo-may-9529-8870

Gucci gây bão với những thiết kế in hình chú mèo máy Doraemon 

Doraemon đã giành được nhiều giải thưởng truyện tranh ở Nhật Bản và là nhân vật hoạt hình duy nhất trong số 22 nhân vật nổi bật của châu Á do Tạp chí Time bầu chọn năm 2006. Năm 2008, Doraemon vinh dự được “bổ nhiệm” làm Đại sứ Văn hóa hoạt hình đầu tiên của Nhật Bản. Năm 2011, bảo tàng mang tên tác giả Fujiko F. Fujio tại Nhật Bản mở cửa đón khách. Đây là nơi vinh danh họa sĩ Fujiko, đồng thời là một thiên đường cho những ai yêu mến các tác phẩm của ông trong đó có Doraemon. Năm 2012, Doraemon trở thành công dân của thành phố Kawasaki - nơi tác giả Fujiko sinh sống.

Bên cạnh sách vở, phim ảnh hay đồ dùng học tập, Doreamon còn chinh phục các tín đồ thời trang và các nhà mốt. Năm nay, kỷ niệm sinh nhật tuổi 50 của chú Mèo Máy đáng yêu, Gucci tung bộ sưu tập Resort 2021 dịp Tết Nguyên đán với các mẫu áo, túi, váy in hình Doraemon có giá dao động từ 198-5.800 USD (4,6-135 triệu đồng) tùy sản phẩm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doraemon: Chuyện về chú mèo máy tỷ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO