Đờn ca tài tử - Chuyện dài sau lễ vinh danh

TRẦN ĐẮC LUÂN| 10/02/2014 05:05

Lễ đón Bằng của UNESCO Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 11/2/2014

Đờn ca tài tử - Chuyện dài sau lễ vinh danh

Còn nhớ trong phim Cánh đồng hoang có một cảnh thật ấn tượng. Sau trận oanh tạc ác liệt của máy bay Mỹ, vợ chồng người du kích sống trong ngôi nhà giữa Đồng Tháp Mười lấy cây đàn kìm trên vách xuống, cùng nhau cất tiếng ca một khúc nhạc tài tử. Thái độ thản nhiên ấy cùng khúc nhạc tài tử ấy là một nét văn hóa đặc thù của người Nam bộ. Trong hoàn cảnh dù khắc nghiệt đến mấy, con người vẫn luôn gắn bó với những gì gần gũi nhất trong văn hóa của cộng đồng mình.

Công đầu cho người khởi xướng

Năm 1969, lần đầu tiên, đờn ca tài tử của Nam bộ được giới thiệu tới công chúng thế giới qua đĩa hát Việt Nam 2 về nhạc lễ và đờn ca tài tử (nghệ sỹ Bạch Huệ ca bài Tứ đại oán). Đĩa hát này do GS. Trần Văn Khê thực hiện cùng với ông Nguyễn Hữu Ba. Thông tin này do GS. Trần Quang Khải, con trai GS. Trần Văn Khê cung cấp.

GS.TS Trần Văn Khê

Cho tới năm 1971, nhạc sư Vĩnh Bảo cùng GS. Trần Văn Khê lại tiếp tục thực hiện hai đĩa nhạc về đờn ca tài tử là OcoraPhilips theo đặt hàng của UNESCO tại Paris.

Đó là về phương diện đĩa hát, còn trước đó, trong luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1958 tại Đại học Sorbonne (Pháp), GS. Trần Văn Khê cũng đã lựa chọn đề tài nghiên cứu về đờn ca tài tử.

Nhìn về phương diện trình diễn, cũng từ năm 1958, GS. Trần Văn Khê đã tham gia biểu diễn âm nhạc dân tộc nói chung và đờn ca tài tử nói riêng của Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới.

Từ đó tới nay, hơn nửa thế kỷ miệt mài nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá âm nhạc dân tộc, trong đó có đờn ca tài tử, GS. Trần Văn Khê đã góp công rất lớn trong việc khẳng định vị trí xứng đáng của loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Nam Bộ.

Băn khoăn chuyện “truyền ngón”

Lâu nay, với những yếu tố mang tính “gia truyền”, ngoài sự độc đáo không ở đâu khác có, kiểu như phở gia truyền, bún bò gia truyền, đồ gỗ gia truyền, v.v… thì sự phong phú, đa dạng tới mức có quá nhiều trường phái khác biệt, mỗi người mỗi kiểu cũng là câu chuyện phức tạp cho việc kế thừa và phát huy những ưu việt của nó.

Nhìn riêng trong nghệ thuật đờn ca tài tử, ở Nam bộ, thật khó có thống kê chính xác số lượng các thầy đàn đã và đang hành nghề hiện nay. Có thể nói, ở bất cứ chốn thôn cùng xóm vắng nào, người ta đều có thể tìm được một ông thầy để nhờ truyền dạy ngón đàn.

Và nếu so với lối truyền dạy có sự thống nhất về phương pháp, giáo trình, lối ký âm của nhạc học phương Tây, cách dạy đàn của đờn ca tài tử đang ở tình trạng rất tự phát. Mỗi ông thầy có một cách truyền dạy ngón nghề riêng.

Chỉ nói riêng việc ký âm, người thì dùng “hò, xừ, xàng, xề, oàn, lìu”, người thì dùng “hò, xừ, xang, xê, cống, líu”… Việc tổ chức lớp học cũng tùy hứng. Ai thích học trình độ nào thì yêu cầu thầy dạy trình độ ấy, sắp xếp được giờ học lúc nào thì học giờ đó. Thầy khỏe dạy nhiều, thầy yếu dạy ít. Người học thầy nào biết thầy nấy, rất khó khăn khi chuyển từ thầy nọ sang thầy kia vì không tương đồng về phương pháp.

Chính vì lẽ ấy, tính chất “truyền ngón” trở nên đặc biệt rõ khi nhìn vào việc truyền dạy đờn ca tài tử, cụ thể hơn là chuyện dạy đàn của nghệ thuật này. Và cứ theo cách ấy, nếu không kịp tìm được đệ tử chân truyền, không ít tài năng và tâm huyết tìm tòi cả đời của nhiều nghệ nhân dân gian cao niên có thể cũng theo họ về bên kia thế giới mà không có cách nào lưu giữ, truyền tiếp.

Bảo tồn đờn ca tài tử - góc nhìn trong cuộc


Một buổi sinh hoạt Đờn ca tài tử ở huyện Hóc Môn, TP.HCM

Có lần, GS. Trần Văn Khê chia sẻ, với đờn ca tài tử, ông tâm đắc nhất ở tính “động” của nó. Lúc học thì chân phương mà khi đàn thì hoa lá. Học thì bài bản, mà khi đàn thì tùy cảm xúc, tâm trạng, hoàn cảnh để biến báo, điểm tô thêm màu sắc. Tính “động” đó có thể xem như một đặc trưng phù hợp với quan điểm sống theo “Dịch lý” của người Việt.

Nhìn riêng bản vọng cổ xuất xứ từ bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sư Cao Văn Lầu sáng tác năm 1919, năm 1920 thì được phổ biến. Bản đó lúc đầu chỉ có 20 câu. Hơn 80 năm qua, bản vọng cổ đã dần dần phát triển từ nhịp 2 (2 nhịp 1 câu), nhịp 4, 8, 16 và tới nay là nhịp 32. Từ đó có thể thấy, sự phát triển không ngừng và liên tục được bổ sung, làm mới của đờn ca tài tử.

Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng đó vẫn chưa được đầu tư nghiên cứu một cách bài bản. Đó là lý do khiến thạc sĩ, nhạc sĩ Huỳnh Khải, trưởng khoa âm nhạc dân tộc, Học viện âm nhạc TP.HCM cho rằng, rất cần thành lập một Viện nghiên cứu âm nhạc dân tộc ở Nam bộ. Từ đó, tổ chức thu âm cách đàn, hát của những bài bản đờn ca tài tử theo từng thời kỳ và lưu lại làm tư liệu nghiên cứu.

Soạn giả Ngô Hồng Khanh cũng khẳng định, phải có những bài bản có lời hay, mới khuyến khích người ca sử dụng. Có như thế, bài bản mới được phổ biến và trở nên quen thuộc với mọi người. Trên thực tế hiện nay, có một số bài bản, dù hay, nhưng do thiếu lời hay mà bị dần quên lãng.

Có một “cái lý” rất rõ là, muốn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, nhất thiết phải có chính sách bảo tồn, phát huy những giá trị “vật thể” bao hàm di sản đó. Cụ thể, ở nghệ thuật đờn ca tài tử thì những “vật thể” đó là các nghệ nhân cao niên, nắm giữ trong mình cả kho tư liệu nghệ thuật quý báu. Chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho các nghệ nhân là điều rất cần được tính đến.

Ngày 5/12/2013, Phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan đã chính thức công nhận và ghi danh loại hình Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ đón Bằng của UNESCO Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 11/2/2014. Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện UNESCO cũng trao Bằng cho đại diện cộng đồng của 21 tỉnh/thành trong cả nước đã góp phần phát triển hoạt động Đờn ca tài tử trong nhiều năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đờn ca tài tử - Chuyện dài sau lễ vinh danh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO