Điện ảnh Việt tìm cơ hội thoát khỏi "vùng trũng"?

09/03/2012 08:36

Những dự án phim đang mở ra từ cả hai nhánh thương mại lẫn nghệ thuật sẽ đưa điện ảnh Việt tiến ra xa hơn với các nước hàng xóm ở Đông Nam Á?

Điện ảnh Việt tìm cơ hội thoát khỏi

Những dự án phim đang mở ra từ cả hai nhánh thương mại lẫn nghệ thuật sẽ đưa điện ảnh Việt tiến ra xa hơn với các nước hàng xóm ở Đông Nam Á?

Dàn diễn viên người Việt Nam – Indonesia – Singapore của phim “Ranh giới trắng đen”.

Trước nay, Đông Nam Á vẫn được coi là “vùng trũng” của điện ảnh thế giới, dù điện ảnh Thái Lan và Phillipines gần đây có nhiều khởi sắc, gây được tiếng vang trên thế giới.

Tuy gần nhau về không gian địa lý nhưng ngành sản xuất phim ảnh giữa các nước trong khu vực vẫn khá ít mối liên hệ, trừ vài sự qua lại trong khâu hậu kỳ sản xuất phim hoặc phát hành phim Hollywood. Thế nên, sự ra đời của một số dự án phim mang dấu ấn hợp tác giữa các nước trong khu vực gây được sự chú ý nhất định.

Hợp tác vì “món lạ”

Trong tháng ba, TP.HCM sẽ trở thành phim trường của “Ranh giới trắng đen”, một bộ phim hợp tác tay ba giữa Vinacinema, Nghiệp Thắng và Jelita Alip Film (Indonesia) với kinh phí dự kiến khoảng 10 tỷ đồng. Đoàn làm phim gồm ba quốc tịch Việt – Indonesia – Singapore, sẽ phải khẩn trương quay để kịp lịch phát hành dự kiến vào tháng 6/2012.

Có thể nói “Ranh giới trắng đen” là phép thử cho cả phía Việt Nam lẫn Indonesia khi mỗi bên cùng chịu một nửa kinh phí. Cả hai đều đạt được mục tiêu mang lại một “món lạ” cho khán giả nội địa.

Dù phần lớn bối cảnh và câu chuyện phim diễn ra tại TP.HCM nhưng chỉ đạo diễn xuất và dàn dựng bộ phim lại là đạo diễn người Indonesia gốc Hoa Najantolisa, vốn nổi tiếng vì khả năng làm phim thương mại ăn khách.

Thế nên, không nghi ngờ gì là khán giả Việt sẽ được thưởng thức một phim xã hội đen theo đúng phong cách điện ảnh Hoa Ngữ. Ngược lại, khán giả Indonesia hẳn cũng sẽ thích thú với sự xuất hiện của các diễn viên quê nhà trong một phim nói tiếng Việt.

“Southeast Loves” là một dự án khác, mang dấu ấn hợp tác cá nhân giữa các nhà làm phim độc lập, vốn trở thành bạn bè từ sau những hoạt động làm phim và tham gia các LHP quốc tế. Đây là dự án dạng “omnibus feature film” gồm nhiều phim ngắn gộp lại trong một ý tưởng chung, dù quen thuộc trên thế giới nhưng vẫn mới lạ ở VN.

Đạo diễn Phan Đăng Di cùng bốn đồng nghiệp Đông Nam Á và Nam Á là Aditya Assarat (Thái Lan), Vimukthi Jayasundara (Sri Lanka), Ifa Isfansyah (Indonesia) và Ishtiaque Zico (Bangladesh), là những người sẽ kể những câu chuyện nhỏ của mình về “5 ngày trước khi thế giới sụp đổ” gộp thành một phim truyện dài.

Bộ phim đặt kế hoạch khởi quay dự kiến vào cuối năm nay, với kinh phí khoảng 1 triệu USD. Các nhà làm phim đã thống nhất với nhau về ý tưởng mỗi đạo diễn sẽ quay bộ phim ngắn tại chính đất nước mình, nhưng nhân vật chính phải là người đến từ quốc gia tham gia bộ phim.

Mở rộng thị trường?

Đạo diễn Phan Đăng Di (phải) làm việc với các nhà sản xuất “Southeast Loves” tại LHP Busan 2011

Nếu “Southeast Loves” là cuộc chơi tự do của các nhà làm phim trẻ trước áp lực thương mại, thì “Ranh giới trắng đen” là câu chuyện cơm áo thuần túy thể hiện qua cách xây dựng nội dung và dàn dựng đảm bảo các yếu tố ăn khách.

Điều này cũng có nghĩa phim đầu tiên sẽ xuất hiện tại rất nhiều liên hoan phim, và phim còn lại sẽ phải tìm đường ra rạp thuận lợi nhất. Có thể thấy điều này qua cách các nhà sản xuất “Ranh giới trắng đen” đang cố gắng gõ cửa thị trường của ít nhất hai quốc gia tham gia làm phim.

Ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Vinacinema nói các bên đang cố gắng thương lượng để bộ phim được phát hành cùng lúc tại hai nước, sau đó được bán đến một số nước khác.

Tuy nhiên, với lịch phát hành dự kiến vào tháng 6, “Ranh giới trắng đen” hiện là phim Việt duy nhất dũng cảm đối đầu với dòng phim “bom tấn” Hollywood chiếm lĩnh mùa phim hè.

Trước tình thế này, khả năng thành công của “Ranh giới trắng đen” đang trông chờ rất nhiều vào hệ thống gần 70 rạp chiếu phim còn đang hoạt động ở các tỉnh. Bởi đây là phân khúc khán giả ít khi biết tới thế nào là mùa phim hè Hollywood, vốn chỉ khoanh vùng ở những rạp hiện đại tại các thành phố lớn.

Nếu thành công, nhóm các nhà sản xuất này sẽ lên tiếp dự án phim thứ 2 có tựa “Tình ảo” với 90% cảnh quay được thực hiện tại Indonesia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điện ảnh Việt tìm cơ hội thoát khỏi "vùng trũng"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO