Đánh thức cao nguyên

KHẢI LY| 28/11/2009 00:06

Thật ra Tây Nguyên chưa bao giờ ngủ. Theo bước chân của các nhà dân tộc học như Jacques Dournes và các trang viết của họ còn lại, thấy hiện lên một xã hội Tây Nguyên vô cùng phong phú về văn hóa và đầy tiềm năng kinh tế.

Đánh thức cao nguyên

Thật ra Tây Nguyên chưa bao giờ ngủ. Theo bước chân của các nhà dân tộc học như Jacques Dournes và các trang viết của họ còn lại, thấy hiện lên một xã hội Tây Nguyên vô cùng phong phú về văn hóa và đầy tiềm năng kinh tế.

Người Pháp đã kịp làm một số việc ở cao nguyên Lang Biang, như xây dựng thành phố nghỉ dưỡng có kiến trúc tuyệt đẹp; phát triển nông trường, trang trại để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thổ nhưỡng, khí hậu… Và hiện tại, tốc độ khai thác tiềm năng kinh tế ở Tây Nguyên đang diễn ra với qui mô lớn hơn nhiều. Tình hình đó đặt ra yêu cầu, mỗi chính sách đưa ra cần thỏa mãn hai yếu tố, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo tồn, phát triển nền văn hóa đa sắc tộc của khu vực này.

Một con voi thắng cuộc đua

Trong một nghiên cứu của mình, GS.TS Trần Ngọc Thêm (Đại học Quốc gia TP.HCM), về mô hình phát triển của thành phố Buôn Mê Thuột, đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm Tây Nguyên, nhận định: “Bốn chữ “phát triển bền vững” là đầy đủ, bao quát hết các mục tiêu Buôn Mê Thuột hướng đến. Đặc trưng đa sắc tộc ở Tây Nguyên không nên chỉ xem như vấn đề cần giải quyết, mà nên coi là thế mạnh tiềm năng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển.

Bởi sự đa sắc tộc đó tạo ra bao giá trị đặc sắc về văn hóa, tích lũy kinh nghiệm sống với đất rừng. Những giá trị đó cần được đặt đúng chỗ và tính đến trong các giải pháp, đề án phát triển Tây Nguyên”. Từ nhận định này, GS Trần Ngọc Thêm đề nghị xây dựng một trung tâm các vấn đề khoa học xã hội và nhân văn đặc thù của Tây Nguyên, để góp phần dự báo những vấn đề trong quá trình phát triển.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc từng nói cụ thể hơn, nếu không nghiên cứu cụ thể, cộng đồng sẽ không nhận ra hầu như không còn văn hóa thật của Tây Nguyên, chỉ có văn hóa giả, khai thác chất lạ, tạo nên một thứ văn hóa diễn nhằm thu hút khách du lịch, trong khi đời sống văn hóa thật nghèo nàn, cằn cỗi. Rồi những sản phẩm “giả” đó cũng sẽ nhanh chóng bị phát hiện, và du lịch Tây Nguyên sẽ gặp khó khăn nếu muốn phát triển như một mũi nhọn kinh tế.

Ông chia sẻ qua câu chuyện các làng ở Gia Lai được Nhà nước cấp kinh phí xây nhà rông: Chúng ta không hiểu nhà rông là thứ “không thể đem cho”. Khi lập một làng mới, việc quan trọng và thiêng liêng nhất là già làng chọn địa điểm và điều khiển việc cất nhà rông. Nhà rông là trái tim, là linh hồn của làng, chưa có nhà rông thì một làng chưa thực sự thành làng, và nhà rông bao giờ cũng phải do dân làng tự tay mình làm nên. Một nhà rông đem cho đẹp mấy cũng không thành nhà rông của làng, vì thiếu hẳn yếu tố tâm linh.

Bây giờ nhà rông “quốc doanh” vắng tanh, bếp lửa trong nhà rông không đỏ, không ai rót rượu cần ở đó để kéo dài đêm kể khan, nghe kèn đinh pút. Sai lầm trong việc “đầu tư nhà rông theo kiểu đầu tư nhà văn hóa” cũng nên nhìn nhận để cảnh báo sự phát triển kinh tế - xã hội, nếu không, nền tảng văn hóa của các dân tộc rất khó có sự bền vững và ổn định toàn diện. Sự xáo trộn quá lớn về dân cư và những luồng văn hóa bên ngoài đổ vào không được nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng để tư vấn cho các chính sách vĩ mô, nhất định Tây Nguyên sẽ thức tỉnh theo một cách không mong muốn.

Với xuất phát điểm quá thấp, nên mặc dù có mức tăng trưởng GDP liên tục đạt trên 10% từ năm 2001 đến nay, theo Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Mai Văn Năm, đây là khu vực khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, chưa thu hút được các nguồn đầu tư.

Trong khi năm 2008 cả nước thu hút trên 70 tỷ USD vốn FDI, 9 tháng đầu năm 2009 là trên 10 tỷ USD, thì Tây Nguyên không có dự án nào. Tại diễn đàn thu hút đầu tư giữa tháng 9 năm nay, các tỉnh Tây Nguyên công bố danh mục đầu tư hạ tầng cần đến 100 nghìn tỷ đồng. Nhiều nhận định đã được đưa ra: kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự bền vững; sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP, nhưng đây cũng là khu vực mà vấn đề bảo vệ rừng phức tạp; công nghiệp đã phát triển nhưng chưa tạo được những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Từ những cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp như vậy, “vấn đề” của Tây Nguyên đã bộc lộ: giải phóng mặt bằng chậm do việc xác định quyền sở hữu đất đai khó khăn; cơ sở hạ tầng yếu kém, cả hai hệ thống đường bộ đi vào Tây Nguyên quá chật chội và hiện đã xuống cấp; nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu, kể cả lao động giản đơn... Muốn giải quyết được những vấn đề này, chính quyền phải đồng hành cùng doanh nghiệp. Chủ tịch Tập đoàn Thái Hòa cho rằng, việc tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp của Tây Nguyên cần được xem xét thỏa đáng, coi đây là động lực chính phát triển kinh tế khu vực này. Tình trạng chỉ bán sản phẩm nông nghiệp sơ chế đang làm mất đi 35% giá trị hàng hóa của Tây Nguyên.

Hầu hết dự án gọi vốn đầu tư cho Tây Nguyên hiện tập trung vào xây dựng hệ thống đường sắt, đường cao tốc, khu đô thị (chiếm đến 63 nghìn tỷ đồng); tiếp đó là cơ sở hạ tầng, du lịch và công nghiệp. Công cuộc đánh thức Tây Nguyên thành một vùng đất phát triển mới chỉ vừa bắt đầu, dù chúng ta đã khai thác vùng đất này rất lâu. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học xã hội, nhà kinh tế cũng đưa ra cảnh báo: Có một câu hỏi lớn cần lời giải đáp: “Tây Nguyên giữa phát triển và bảo tồn, bên nào nên trọng bên nào nên khinh?”. Nếu phát triển mà không coi trọng bảo tồn, thì trong một tương lai không xa, không còn gì để phát triển nữa. Tây Nguyên có tiềm năng về nhiều mặt, nhưng tiềm năng ấy không vô tận…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đánh thức cao nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO