Công nghệ làm lễ hội làng nghề Huế

HỒNG BÍCH| 26/04/2015 06:42

Huế đã nổi tiếng với các festival văn hóa tổ chức hai năm một lần vào các năm chẵn. Nhưng 10 năm gần đây, xen kẽ những năm lẻ, một Festival Nghề truyền thống diễn ra đều đặn đã giúp Huế tiếp tục là điểm đến văn hóa truyền thống.

Công nghệ làm lễ hội làng nghề Huế

Huế đã nổi tiếng với các festival văn hóa tổ chức hai năm một lần vào các năm chẵn. Nhưng 10 năm gần đây, xen kẽ những năm lẻ, một Festival Nghề truyền thống diễn ra đều đặn đã giúp Huế tiếp tục là điểm đến văn hóa truyền thống.

Đọc E-paper

Năm nay, vào ngày 27/4, như đã hẹn, một lần nữa Festival đặc biệt này lại diễn ra với cách tổ chức chuyên nghiệp, nhằm rất nhiều mục đích. Thứ nhất, tạo sự kiện văn hóa để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch. Thứ hai, tạo điều kiện phát triển tinh hoa nghề Việt thông qua phát triển thị trường và quảng bá. Và điều làm chúng tôi chú ý là ngành văn hóa Huế ngày càng hoàn thiện hơn công nghệ tổ chức lễ hội với hàm lượng văn hóa cao, trở thành một lễ hội nghề truyền thống được tất cả các nước trong khu vực đưa vào chương trình mời khách tham gia tour đến Đông Nam Á. Một lễ hội tập hợp các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và người dân, tạo nên sự phong phú.

Nhớ Festival Nghề truyền thống cách đây 10 năm, tuy là lần đầu tổ chức với tiêu điểm khôi phục các giá trị làng nghề chằm nón và nghề thêu, nhưng khách tham gia đã sửng sốt với các tác phẩm sắp đặt hoành tráng của các nghệ sĩ Huế trên đường phố. Trong đó nhiều người còn nhớ tác phẩm "Chuông gió” với 1.000 chiếc nón được sắp đặt cách điệu trên con đường ven sông Hương. Ngoài các hoạt động thu hút các nghệ sĩ viết, vẽ thư pháp, thêu tranh, biểu diễn nghệ thuật tôn vinh nghề thêu trên lụa, múa nón, còn có các cuộc triển lãm cổ vật liên quan đến hai sản phẩm này.

Trên 100 mẫu áo dài thêu được trình diễn, các gian hàng trưng bày đặt tại khuôn viên của ngôi trường cũ có tên Đồng Khánh vốn là trường nữ chuyên dạy nữ công gia chánh của Huế, như một cách kết nối không gian văn hóa và giàu liên tưởng. Các buổi trình diễn nghề thủ công được sắp đặt để các nghệ nhân có thể giới thiệu quy trình làm nghề phong phú và mang tính nghệ thuật. Từ buổi khởi đầu đó, những Festival Nghề truyền thống Huế đã thành một thương hiệu văn hóa, thu hút hàng trăm làng nghề trong nước tham gia, hàng nghìn nghệ nhân Việt Nam và Đông Nam Á trình diễn những tinh hoa nghề truyền thống. Festival Nghề truyền thống cũng được du khách đón nhận không thua kém Festival văn hóa.

Có mặt tại Huế những ngày này sẽ chứng kiến những ngôi làng ngoại ô với niềm vui di sản văn hóa được khơi dậy và bảo tồn. Các hoạt động diễn ra trong 5 ngày, giới thiệu sản phẩm độc đáo, gắn với phát triển du lịch, bao gồm: thêu, pháp lam, kim hoàn, chạm khảm, mỹ nghệ đồng, gốm, nón lá, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, đèn lồng, dệt - may, các sản phẩm khác trên chất liệu giấy..., và đặc sản ẩm thực Huế.

Ngoài việc mời hàng chục làng nghề tại Huế, những làng nghề trong nước và các thành phố nước ngoài có nghề tương ứng, việc trình diễn, trưng bày chú trọng cho khách xem sự tương ứng, so sánh những khác biệt và tương đồng về văn hóa để tạo sự nổi bật của nghề truyền thống Huế mang phong cách đất cố đô văn vật. Bên cạnh đó, hoạt động hưởng ứng là một thế mạnh trong công nghệ tổ chức lễ hội của thành phố Festival, như: tọa đàm khoa học "Bản sắc Huế, bản sắc Việt trong sản phẩm của các nghề truyền thống"; triển lãm ảnh, mỹ thuật, trưng bày cổ vật; hội thi về một số nghề truyền thống cho các trường học; hướng dẫn làm các sản phẩm thủ công truyền thống, các món ăn Huế; gặp gỡ, tọa đàm và tôn vinh các nghệ nhân; biểu diễn nghệ thuật, quảng diễn đường phố.

Du khách được tạo điều kiện vào một không gian kiến trúc cổ bên sông Hương để thưởng lãm, mua sắm, xem trình diễn từng nghề. Ví dụ, nghề pháp lam từ nguyên thủy là nghệ thuật trang trí cung đình trên các công trình kiến trúc đến đồ gia dụng cung đình và sản phẩm mỹ nghệ thời hiện đại. Nghề thêu vẫn còn những bộ dụng cụ cổ, trang phục từ cung đình đến thường dân. Nghề chạm khắc vàng bạc sẽ làm du khách ngạc nhiên bởi nghệ thuật tinh xảo. Bên cạnh đó là không gian sắp đặt nghệ thuật trên các công viên, quảng trường, các cuộc trình diễn lớn trên đường phố tạo không khí lễ hội.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó chủ tịch Thường trực thành phố Huế, nói: "Chúng tôi mong muốn đem lại cái nhìn từ tổng thể đến chi tiết chiều sâu của văn hóa làng nghề truyền thống Huế. Du khách sẽ được tận hưởng không gian một thành phố Festival Việt Nam với tinh hoa văn hóa chọn lọc, và cách thể hiện phong phú giúp cho du khách dù ở góc độ tiếp nhận nào cũng thấy thích thú. Chúng tôi cố gắng hoàn thiện một phong cách tổ chức riêng cho Huế vào những kỳ lễ hội, dù quy mô lớn hay nhỏ”. Có lẽ các địa phương nên đến Huế học hỏi công nghệ tổ chức lễ hội văn hóa, một công nghệ được tiếp thu từ văn hóa Pháp! 

>Bảo tồn, giữ gìn nón lá Huế 
>Nhà rường xứ Huế bây chừ...
>Góp tay làm sống lại làng nghề
>Làng nghề: Bỏ quên "thế mạnh tự nhiên"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghệ làm lễ hội làng nghề Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO