Chuyện của Việt Linh

CAO HUY THUẦN| 23/06/2008 01:03

Lts. Cuốn tạp bút này đã được nhiều báo giới thiệu, nhưng đọc hết “Việt Linh- Chuyện mình- Chuyện người” (NXB Trẻ 5/2008) mới thấy hóa ra không lời giới thiệu nào xác đáng bằng bài của Giáo sư Cao Huy Thuần...

Chuyện của Việt Linh

Lts. Cuốn tạp bút này đã được nhiều báo giới thiệu, nhưng đọc hết “Việt Linh- Chuyện mình- Chuyện người” (NXB Trẻ 5/2008) mới thấy hóa ra không lời giới thiệu nào xác đáng bằng bài của Giáo sư Cao Huy Thuần (Giáo sư Đại học Picardie- Pháp, cựu giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng Âu châu tại Đại học Picardie) in ở cuối sách mà DNSG xin trích đăng dưới đây.

Chuyện mình, chuyện người tập hợp hơn chín chục bài viết ngắn, nhỏ của đạo diễn Việt Linh đã đăng trên các báo từ nhiều năm nay. Đọc hai lần vẫn thấy thú vị, vì chị có lối viết nhẹ nhàng mà suy tư mà không mô phạm.

Một nửa sách chị kể chuyện đời, một nửa kể chuyện phim, đời trong phim, phim trong đời, mỗi câu chuyện là một tâm sự, một nhắn gởi, gởi về quá khứ, gởi đến tương lai, gởi tin tưởng vào tuổi trẻ, và gởi rất nhiều buồn vào hiện tại. Không phải chuyện nào của chị đều buồn; ngược lại, tiếng cười của chị không hiếm; nhưng khi đọc sách xong, gấp sách lại, nghe như từ sách thoảng ra một tiếng thở dài.

Một tiếng thở dài, thốt ra trong khi hạnh phúc, ngay từ trang đầu, khiến người đọc, dù mải mê với bao nhiêu chuyện kể ra sau đó, vẫn không quên được, vẫn bị ám ảnh, vẫn bị đè nặng dưới cảm giác nhức nhối. Trong hạnh phúc riêng, chị không quên nghĩ đến người khác: đó là Việt Linh, là con người Việt Linh. Trong một tiếng thở dài ấy thôi, chị thể hiện tất cả đạo lý - đạo lý cách mạng, đạo lý nghệ sĩ, đạo lý làm người, đạo lý làm người Việt Nam.

Vâng, từ trang đầu, như một lời tự bạch. Trong niềm hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ, hạnh phúc được làm mẹ, được làm mẹ lần đầu tiên, chị đã thủ thỉ với con:

“Mẹ bỗng rùng mình khi nhớ đến những bà mẹ khác, những bà mẹ bình thường mà vĩ đại đã từng mất con, có khi mất hết, trong cuộc chiến tranh đằng đẵng của đất nước mình. Không! Không có gì bù đắp được, cả danh hiệu anh hùng, khi người mẹ mất con. Đó là nỗi đau cao hơn sự vĩ đại, lớn hơn sự hy sinh - một nỗi đau không thể so sánh, bù đắp. Vậy mà thật đau lòng, khi cho đến hôm nay vẫn còn không ít những bà mẹ ấy phải sống trong cô quạnh, đói nghèo”.

Đừng tưởng đứa con sơ sinh không nghe được lời mẹ nó. Nó đã lớn lên trong những tiếng thủ thỉ như vậy và nó thuộc lòng câu nói kế tiếp: “Người ta vẫn thường nghe giới thiệu: bà A. có hai con liệt sĩ, bà B. có tất cả bảy con hy sinh ngoài mặt trận...

Những lời xưng tụng đó đã quen thuộc gần như nhẹ nhõm. Mẹ đã từng bất nhẫn trước những cư xử vô tình, chạnh lòng trước những cảnh đời hiu quạnh; nhưng giờ có con trong tay, mẹ mới thấm thía hết cái đau của sự mất mát, nỗi tự hào cay đắng của những tấm huân chương, và sự lãng quên đầy bội bạc”.

Bao nhiêu người đang hưởng thụ trên bội bạc, hãy nghe chị chắp tay xin lỗi, xin lỗi tứ phương:

“Xin lỗi bè bạn, xin lỗi người thân, xin lỗi người đã khuất, xin lỗi trách nhiệm, xin lỗi vong ân, xin lỗi vô tình hay cố ý làm tổn thương kẻ khác. Xin lỗi nỗi đau, xin lỗi sự thật... Trừ chính ta không ai nghe thấy những lời thầm như thế, nhưng nó quay quắt, nó tồn tại. Tồn tại để được gọi là lương tâm”.

Đó là đạo lý cách mạng. Cách mạng thường hay ăn thịt con ruột của mình - “la révolution dévore ses propres enfants” như người Pháp nói. Cách mạng của chị Việt Linh là không quên cả sợi bí đao bên bờ suối Tây Ninh, sợi bí non tơ đã vô tư dâng hiến tất cả nõn nà của mình cho người tưới nước trong chiến khu.

Cách mạng của chị là trân quý đời đời hình ảnh của chú Tư Hồng Sến phơi ngực quay phim cảnh dân công tải đạn:

“Chú Tư hét to, ôm máy băng băng về một mô đất cao hơn. Trên trời, chiếc máy bay nghiêng mình lao xuống. Cùng với những tiếng nổ chát chúa là những cột khói bùng lên... Nhiều loạt đạn hung hãn tiếp theo. Đoàn dân công chạy tỏa ra, nằm rạp. Chỉ có chú Tư sừng sững giữa lằn đạn khói, chiếc máy quay trong tay liên tục lia từ mặt đất lên bầu trời, rồi lại từ bầu trời lia xuống... Hình ảnh của một anh hùng, một chú Tư hiệp sĩ đang xả thân cho cái gì đó thật đẹp đẽ, thật thiêng liêng”.

Cách mạng cũng như trái cây: hãy giữ trọn lời hứa với bông hoa đã sinh ra mình. Hãy hiến cho đời hoa thơm quả ngọt. Từ đạo lý cách mạng ấy, chị Việt Linh san sẻ với người đọc đạo lý làm người, đạo lý sống. “Sống ra sao trong kiếp người hữu hạn; đã gieo rắc an lạc hay đau khổ, yêu thương hay thù hận”.

Đó là tư tưởng và cách sống của Việt Linh xuyên qua hầu hết các bài viết, kể từ bài đầu tiên mà chị viết như một tuyên ngôn. Là người dấn thân, chị tuyên chiến với điều ác, với “tham lam, gian dối, lọc lừa”, với những kẻ trâng tráo, sống phè phỡn bất kể nguyền rủa của người đời. Những kẻ đó “không chỉ có tội với đồng bào, xã hội, họ còn gieo di họa cho con cháu mình. Đó mới chính là sự ác tâm và vô lương lớn nhất”.

Là người dấn thân, chị tôn vinh nhân tính, kể cả khi chị kể chuyện con cá voi, nhân tính mà chị thấy mất dần trong những xã hội giao mùa, đổi thay giá trị. Nhưng chị không khoác áo mô phạm để dạy đời. Chị chỉ nhân danh người mẹ để nói lên suy tư tha thiết nhất của chị: ai có con hãy gắng học và hành hai chữ “di đức”. Để đức lại cho con; để quả tốt cho con bằng cách gieo nhân lành. Mỗi khi chị động đến đề tài này, chị như tìm lại được tin tưởng, an vui cho cuộc sống.

Nhưng người đọc sẽ nghe một tiếng thở dài khác, rõ hơn, ở phần thứ hai, khi chị Việt Linh kể chuyện nghề nghiệp. Là đạo diễn, lại ở nước ngoài, chị có nhiều dịp dự, hoặc được mời tham dự những liên hoan phim ở tứ xứ, nhân đó được thấy, được xem sáng tạo nghệ thuật của người ta để ngậm ngùi cho số phận thê thảm của điện ảnh ở nước mình.

Người đọc được nghe chị kể rất nhiều phim mà chỉ cần xem xuất xứ cũng đủ hiểu ý sâu của chị: chị đặc biệt chú trọng phim của các nước nghèo và các nước có chế độ cứng rắn, đặc biệt ưu ái điện ảnh Iran. Ở cái nước Hồi giáo cấm kỵ nghiệt ngã như thế, sáng tạo đâu có bị thui chột! Cứ vươn lên, và vươn lên thành công!

Phim Iran đã đem lại cho chị bài học gì? Lớn lắm: “Bất luận mọi cấm kỵ ngày càng gay gắt của luật pháp và xã hội Iran, những nhà làm phim vẫn tìm được con đường sáng tác, tranh đấu của mình trong những đề tài dung dị. Bằng cái nhìn sâu sắc đậm tính nhân bản, nền điện ảnh Iran đang tiếp tục thành công như một diện mạo không nhầm lẫn.

Và, khác với quan niệm của giới cầm quyền, những nhà điện ảnh Iran tin rằng, từ những câu chuyện nhỏ của mình - những bi kịch lạc quan - hình ảnh đất nước Iran sẽ ngày càng đẹp hơn trong mắt nhìn của thế giới”.

Còn ta? Việt Linh nhỏ nhẹ: “Đâu chỉ riêng chuyện điện ảnh, dường như chúng ta đã tự mãn quá lâu niềm tự hào thắng Mỹ, trì dụng quá lâu đức hy sinh thời chiến để lãng lơ trách nhiệm thời bình. Chẳng hay ho gì khi phải mang cái nghèo khó ra để phân bua cái dở. Cũng như tấm huân chương, tự trọng là tấm huân chương không nên chìa ra trong những cuộc thi cử công bằng”.

Chị không nói gì thêm, dù nhỏ nhẹ, nhưng đồng nghiệp của chị tiếp lời: “Nhiều đạo diễn hiện nay cứ kêu thiếu kịch bản hay nhưng lại không chịu tìm ra kịch bản của chính mình. Thậm chí, chấp nhận làm phim từ những kịch bản dở. Có vẻ như họ không biết làm phim để làm gì”(...).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện của Việt Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO