Cái xấu giấu... cái sai

PHƯƠNG QUYÊN| 18/09/2012 04:46

Tuần qua, thông tin về scandal Giọng hát Việt sắp xếp kết quả từ trước theo ý đồ của Giám đốc Âm nhạc của chương trình, ca sĩ - nhạc sĩ Phương Uyên, chiếm trọn sự chú ý của dư luận.

Cái xấu giấu... cái sai

Tuần qua, thông tin về scandal Giọng hát Việt sắp xếp kết quả từ trước theo ý đồ của Giám đốc Âm nhạc của chương trình, ca sĩ - nhạc sĩ Phương Uyên, chiếm trọn sự chú ý của dư luận.

>>Vì sao truyền hình thực tế khiến đám đông phát cuồng?

Thí sinh Giọng hát Việt

Gây ấn tượng với khán giả xem đài ngay từ những buổi phát sóng đầu tiên bởi chất lượng thí sinh cao, âm thanh, hình ảnh truyền hình tốt... scandal Giọng hát Việt thật sự là một cú sốc với những ai hâm mộ, yêu mến chương trình này.

Thủ phạm thành nạn nhân

MC Quỳnh Hương của Đài Truyền hình TP.HCM đã có lần chia sẻ, theo “công thức” từ nước ngoài, “đính kèm” với một chương trình truyền hình thực tế, bao giờ cũng là scandal.

Vậy nên, chuyện thí sinh Minh Hằng của Bước nhảy hoàn vũ mùa vừa qua hát bằng bản thu âm của ca sĩ khác hay thí sinh chuyển giới của Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2012 (Vietnam Idol 2012) dù yếu về chất giọng vẫn được lọt vào vòng studio... gây chú ý đình đám thì cũng là “chuyện thường ngày ở huyện” của những người làm truyền hình.

Lý do đưa ra là họ cần sự chú ý, cần đám đông để có thể đảm bảo nguồn thu cho chương trình.

Ở trường hợp Giọng hát Việt 2012 (The Voive Vietnam 2012), dù vô tình hay hữu ý, scandal cũng đã diễn ra. Email, ghi âm cuộc gọi... với nội dung chỉ rõ những dàn xếp, những tình ý cá nhân... của Phương Uyên khi tư vấn cho thí sinh này chọn bài để “giết” (từ của Phương Uyên) thí sinh khác đã phát tán với một tốc độ chóng mặt.

Lúc khán giả cần hơn hết một lời xin lỗi và cách xử lý nghiêm túc, chuyên nghiệp của ban tổ chức thì Giám đốc Âm nhạc Phương Uyên lại rơi nước mắt giải thích: “Tôi bị hại và đây là một đòn thù”. Còn Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa - nhà sản xuất chương trình, thì trần tình: “Phương Uyên bị hại, cô ấy đã từng bị đánh ghen ghê gớm lắm...”.

Đồng ý, người thực hiện và phát tán tất cả những tài liệu đó là xấu, là vi phạm quyền riêng tư của cá nhân nhưng cái xấu ấy không thể phủ định được cái sai của một người nắm “quyền sinh sát” số phận các thí sinh trong cuộc chơi này.

Dùng cái xấu để giấu cái sai, để rồi tiếp tục an vị tại một vị trí đòi hỏi người đương nhiệm phải có cả tâm lẫn tài, là một việc làm mà bất cứ người nghệ sĩ chân chính nào, với tâm hồn nhạy cảm và lòng tự trọng cũng phải cân nhắc.

Phương Uyên úp mở về kẻ xấu đã hại cô, đại diện nhà sản xuất hướng dư luận vào mối tình đồng tính của hai người để rồi dư luận tập trung vào sự “bên lề” hơn là bản chất của cái sai trong sự kiện này. Trong “ma trận” thông tin từ các báo, từ báo in đến báo điện tử, cái sai được dịp nhòa đi để thủ phạm ung dung thành nạn nhân.

Và Đài Truyền hình Việt Nam, đơn vị chỉ đạo thực hiện và phủ sóng cả nước, cũng chẳng cần đòi hỏi một giải trình nào từ những chứng cứ kia, chỉ đơn giản “rút kinh nghiệm”!

Cần chỗ cho cái đúng

Đáng chú ý hơn là sau khi Cát Tiên Sa, đơn vị thực hiện Việt hóa chương trình The Voice, sau khi “dàn xếp” việc giữ nguyên vị trí Giám đốc Âm nhạc cho Phương Uyên bằng những cánh tay biểu quyết của... thí sinh (những người không có quyền quyết định) thì ngay lập tức, cái giá quảng cáo trong khung giờ của chương trình này tăng vọt hơn 11%.

Đây là lần thứ 3 chương trình này tăng giá quảng cáo nhưng là lần đầu tiên, dư luận đặt vấn đề về giá quảng bá thương hiệu tại chương trình này. Phải chăng, xu hướng làm truyền hình hiện nay là gây tò mò, gây tranh cãi để hút rating, bất chấp các giá trị để sinh lợi?

180 triệu/spot quảng cáo 30 giây là con số đáng mơ ước của tất cả những đơn vị làm truyền hình thực tế. Nhưng, con số ấy có đáng để đổi lấy lòng tin của khán giả?

Hàng chục hội được lập ra trên mạng internet để hô hào tẩy chay Giọng hát Việt chắc chưa đủ để trả lời cho nhà sản xuất câu hỏi này. Nhưng, không khí nhạt nhẽo và khán giả không còn sôi nổi đón xem trong đêm phát sóng cuối cùng của vòng Đối mặt, diễn ra tối 16/9, như những tuần phát sóng trước, chắc cũng đủ để những người cầm trịch chương trình này phải suy nghĩ lại.

Khán giả chán ngán một sân chơi tôn vinh nghệ thuật được điều khiển bởi cái sai, chán cái cách câu giờ khi lặp đi lặp lại những hình ảnh đường phố chẳng ăn nhập gì với nội dung, những hình ảnh huấn luyện quen thuộc được áp dụng từ thí sinh này đến thí sinh khác... và nhất là chán cái màn “diễn xuất ngẩn ngơ” của các huấn luyện viên khi loại một giọng hát vượt trội hơn giọng hát kia với lý do không có “đường dài”!

Công bằng ở đâu khi mà thời gian tập luyện và huấn luyện như nhau để rồi một người bị loại chỉ vì người kia “sáng” hơn mình trong... tương lai chưa biết trước? Rõ ràng, sự cố gắng không hề được đánh giá cao trong sân chơi này bởi tất cả đã được sắp xếp bằng công thức “ưu ái”.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh khẳng định, truyền hình thực tế là một trò vui và Giọng hát Việt không nằm ngoài mục đích này, nên việc biên tập hay “bày trò” để thu hút khán giả là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Nhưng, dù là trò vui vẫn phải minh bạch, phục vụ cho người xem cái đẹp và cái đúng. Đó mới là điều khán giả cần. Cuối cùng, Phương Uyên từ nhiệm vị trí Giám đốc Âm nhạc là một cái kết tốt nhất cho tất cả các phía.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cái xấu giấu... cái sai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO