Bạo lực gia tăng vì... phim ảnh?

TIỂU MINH/DNSGCT| 17/10/2017 06:28

Trên thực tế, từ nhiều thập niên qua, Hollywood đã thực hiện rất nhiều phim hành động để mô tả sức mạnh của súng đạn trên màn ảnh.

Bạo lực gia tăng vì... phim ảnh?

Ngôi sao nhạc đồng quê Jake Owen - người đang biểu diễn trên sân khấu lễ hội âm nhạc Route 91 Harvest tại Las Vegas khi cuộc xả súng kinh hoàng nhắm vào đám đông khán giả diễn ra - phát biểu đầy chua xót: “Cảnh tượng giống như một bộ phim Hollywood hơn là đời thực”.

Đọc E-paper

Vụ thảm sát có tính toán kỹ lưỡng do một người thực hiện với nhiều loại súng khác nhau từ tầng cao bắn xuống hơn 20.000 người đang tham dự đêm nhạc. Cuộc thảm sát đã làm chết 59 người và bị thương hơn 500 người. Thủ phạm là Stephen Paddock, 64 tuổi tự sát ngay tại một căn phòng trên tầng 32 nhìn sang sân khấu. Có 23 cây súng trong phòng khách sạn, tại nhà y cũng có nhiều súng và chất nổ khác.

Vụ xả súng làm dấy lại cuộc tranh cãi về luật lệ kiểm soát súng ở Mỹ, đặc biệt là thiết bị báng súng cải biến giúp súng bán tự động bắn với tốc độ giống như súng tự động hoàn toàn.

Luật kiểm soát súng của bang Nevada thuộc hàng dễ nhất tại Mỹ. Người dân tại đây được phép mang súng và không cần đăng ký tư cách sở hữu súng. Khi mua súng, khách hàng bị kiểm tra nhân thân nhưng họ được phép tự bán lại súng cho người khác. Tiểu bang này cũng không giới hạn việc mua đạn.

Trên thực tế, từ nhiều thập niên qua, Hollywood đã thực hiện rất nhiều phim hành động để mô tả sức mạnh của súng đạn trên màn ảnh. Tổ chức giám sát truyền thông MRC Culture thường xuyên chỉ trích Hollywood “đạo đức giả”, khi họ chẳng hề chịu trách nhiệm gì về các sản phẩm nghe nhìn, trò chơi điện tử mô tả và ca ngợi những anh hùng bắn súng như múa trên đường phố.

Khoảng 40% người Mỹ nói họ sở hữu súng hoặc trong nhà họ có súng, theo một khảo sát được thực hiện trong năm 2017, và tỷ lệ giết người hoặc ngộ sát do súng đạn ở Mỹ là cao nhất trong các nước phát triển. Có hơn 11 ngàn người tử vong do bị giết hoặc bị ngộ sát do súng đạn trong năm 2016. Đã xảy ra hơn 90 vụ xả súng hàng loạt trong đó kẻ tấn công nhả đạn bừa bãi, giết chết từ 4 nạn nhân trở lên trong thời gian 1982 - 2013 tại Mỹ, và kể từ năm 2013, các vụ gây chết từ 3 người trở lên cũng được tính.

Trong khi đó, Hollywood tỏ ra yêu thích những phim về các tên tội phạm tâm lý biến thái hay ca ngợi các anh hùng trong cuộc đấu súng hơn là các chủ đề về những vụ xả súng. Những phim này đa phần là phim độc lập, kinh phí thấp, như Elephant của Gus Van Sant, We Need to Talk About Kevin của Lynne Ramsay, Dark Night của Tim Sulton…

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học Pediatrics (Mỹ) cho biết bạo lực súng đạn đang gia tăng trong những bộ phim PG-13 (phim không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi) và thậm chí còn nhiều hơn những phim dán nhãn R (phim hạn chế khán giả dưới 17 tuổi).

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu gồm 945 bộ phim trong đó có 30 phim có doanh thu cao nhất từ thập niên 1950 đến năm 2012. Nhóm này cũng cảnh báo rằng, với mức gia tăng đáng lo ngại này, những bộ phim bom tấn sẽ tiếp thêm cho thái độ và hành vi hung hăng, cảm xúc giận dữ của những khán giả trẻ;, đồng thời làm suy giảm các cảm xúc thương cảm và trắc ẩn.

Phim "Taken"

Các bác sĩ cũng phê phán phim ảnh đã tạo nhiều hiểu lầm về mối nguy hại của súng đạn. Khán giả tin rằng chỉ cần lấy được viên đạn hoặc các mảnh đạn ra là vấn đề được giải quyết xong. Giống như trong một bộ phim Hollywood vậy, khi một người hùng bị trúng đạn vào bụng, anh ta sẽ lết đến chỗ nào đó an toàn, tìm cách mổ moi viên đạn ra và lập tức trở nên khỏe hơn.

Thực tế không phải như vậy và cảnh trong phim dĩ nhiên không hề phản ánh đúng hoạt động phẫu thuật điều trị chấn thương. Hoạt động này nhằm sửa chữa những thương tổn mà viên đạn gây ra khi nó xuyên qua cơ bắp, mạch máu, nội tạng và xương của nạn nhân. Viên đạn có thể nằm lại trong cơ thể mà không gây ra nhiều vấn đề. Nhưng hoạt động chảy máu sau khi đạn xuyên vào cơ thể thì lại cực kỳ nguy hiểm. Các bác sĩ thường không có thời gian để gây mê nạn nhân, và nạn nhân phải chịu những tổn thương suốt phần đời còn lại, nếu may mắn sống sót.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Temple (Philadelphia) đã thiết kế chương trình Turning Point: các nạn nhân bị súng bắn được tư vấn, được xem video về hoạt động điều trị đã giúp cứu mạng mình, để giúp họ thay đổi thái độ và hành vi. Ban đầu, chương trình này bị phản đối, bởi với một số bác sĩ, việc để bệnh nhân xem lại video về hoạt động cấp cứu chính họ là hành động phi đạo đức. Sau này, chương trình cho thấy các bệnh nhân đã giảm rất nhiều tư tưởng bạo lực sau khi đồng ý tham gia.

Trong cuộc trò chuyện với trang Huffington Post, bác sĩ Goldberg chia sẻ rằng bà rất tự hào về chương trình này, không chỉ bởi đây là một sản phẩm hiệu quả mà còn là chiến thắng hiếm hoi trước thực tế đáng buồn về bạo lực liên quan tới súng đạn ở Mỹ.

Theo báo Los Angeles Times, các hãng phim đã hủy bỏ những cuộc công chiếu tác phẩm mới để bày tỏ tổn thương sâu sắc với các nạn nhân xấu số. Không chỉ bom tấn được chờ đợi nhất năm Blade Runner 2049 và phim tiểu sử Marshall mà tác phẩm dự kiến tranh giải Oscar danh giá Wonder Wheel của minh tinh Kate Winslet cũng phải hủy bỏ lịch chiếu giới thiệu vào 3/10. Hàng loạt ngôi sao cũng gửi thông điệp chia buồn tới các nạn nhân và kêu gọi chính quyền thắt chặt kiểm soát súng đạn.

Jimmy Kimmel chia sẻ video trên mạng internet, bày tỏ cảm xúc về thảm kịch. Nghệ sĩ Trevor Noah từ Nam Phi đến New York để dẫn chương trình The Daily Show nói: “Tôi không thể tin vào cuộc thảm sát này”. Nhà văn Anh J.K Rowling so sánh thảm kịch mới với 2 vụ nổ súng tại Anh vào những năm 1987, 1996, dẫn đến sự thay đổi lớn về kiểm soát súng.

Tại đêm nhạc One Love ở Manchester (Anh), ca sĩ Mỹ Miley Cyrus đã hát ca khúc The Climb và thấy thấm thía ca từ của nó khi nghĩ về thảm kịch Las Vegas. Nhiều buổi biểu diễn tại Las Vegas bị hủy sau cuộc thảm sát, trong đó có chương trình của đoàn xiếc Cirque du Soleil thuộc Blue Man Group và những show tại tổ hợp giải trí sòng bài MGM.

>>Hollywood giảm sức hút với các nhà làm phim?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bạo lực gia tăng vì... phim ảnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO