Bản sắc truyền hình Ấn Độ

CHIÊU ANH| 24/03/2017 06:19

Không chỉ được xem là ngành công nghiệp khổng lồ với khoảng 857 kênh, truyền hình Ấn Độ còn đóng vai trò xã hội quan trọng.

Bản sắc truyền hình Ấn Độ

Không chỉ được xem là ngành công nghiệp khổng lồ với khoảng 857 kênh, trong đó có 184 kênh trả tiền và hàng ngàn chương trình bằng nhiều thứ tiếng, phục vụ nhu cầu giải trí của hơn 234 triệu gia đình, truyền hình Ấn Độ còn đóng vai trò xã hội quan trọng.

Đọc E-paper

Truyền hình mặt đất của Ấn Độ chính thức phát sóng vào tháng 9/1959 với một máy phát nhỏ và phòng thu tạm bợ. Trải qua nhiều lận đận, từ năm 1965, truyền hình dần có nhiều chương trình hơn, phát sóng ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, dựa vào hạ tầng của Đài Phát thanh quốc gia. Đến năm 1972, truyền hình phủ sóng khắp Bombay và Amritsar, 3 năm sau có thêm 5 tỉnh khác. Đến năm 1976, truyền hình mới tách khỏi phát thanh và Đài Truyền hình quốc gia Ấn Độ được thành lập.

Năm 1982, tivi màu xuất hiện ở thị trường Ấn Độ, hệ thống đường truyền được cải thiện rõ rệt. Nhưng nội dung chương trình chưa thật phong phú, cả nước chỉ có mỗi kênh Doordarshan do chính phủ quản lý và độc quyền phát sóng.

Hầu hết chương trình thuộc thể loại nhạc kịch như Wagle Ki Duniya, Buniyaad..., hay thể loại hài như Yeh Jo Hai Zindagi..., hoặc chính kịch như Ramayan, Mahabharat... đều mang lại doanh thu rất cao cho Doordarshan.

Dù có lợi thế là phát sóng độc quyền, song không thể phủ nhận khán giả thực sự yêu thích các tác phẩm trên, bởi chúng phần nào định hình phong cách, lối thưởng thức và nội dung của truyền hình Ấn Độ sau này.

Năm 1991, chính phủ Ấn Độ ký sắc lệnh cho phép tư nhân hóa, thương mại hóa và hội nhập hóa truyền hình. Các đài truyền hình tư nhân đua nhau mọc lên, đầu tiên là Tamil Sun TV ra đời vào năm 1992 với cả chục kênh thể hiện bằng ngôn ngữ Nam Ấn. Nhiều kênh truyền hình nước ngoài như CNN, Star TV, MTV... cũng nhanh chóng nhảy vào, bởi đất nước đông dân thứ nhì thế giới này là thị trường cực kỳ béo bở.

Sự cạnh tranh giúp chương trình truyền hình Ấn Độ ngày càng đa dạng, đa màu sắc. Chính phủ không can thiệp quá sâu vào nội dung và khán giả được quyền quyết định màn ảnh nhỏ trình chiếu những gì.

>>Những nhân tố đe dọa vị thế của truyền hình Mỹ

Thể loại yêu thích của người dân Ấn là nhạc kịch, và âm nhạc trong các tác phẩm phải là nhạc truyền thống. Họ cũng đặc biệt yêu thích thể loại sitcom (phim hài tình huống nhiều tập) phản ánh những vấn đề thường nhật trong gia đình.

Họ có thể xem cùng một câu chuyện, cùng một cách diễn, cùng một típ nhân vật quanh năm suốt tháng, hết bộ phim này đến bộ phim khác. Bởi vậy mới có Balika Vadhu (Cô dâu 8 tuổi) dài 2.248 tập, phát sóng từ năm 2008 - 2016; C.I.D (1998 - 2017) dài 1.408 tập; Yeh Rishta Kya Keh Lata Hai (2009 đến nay) dài 2.334 tập.

Nhờ tạo được nét văn hóa riêng trong tác phẩm và cách thưởng thức nên phim Ấn không dễ bị phim truyền hình nước ngoài đánh bại trên sân nhà.

Hiện Ấn Độ có 5 phương thức truyền hình: truyền hình mặt đất, truyền hình miễn phí, truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp và truyền hình internet. Lượng người sử dụng truyền hình trả tiền tăng mạnh mỗi năm dẫn đến cạnh tranh rất gay gắt về số lượng và chất lượng chương trình.

Nhưng may mắn là truyền hình Ấn không phải lo về làn sóng các chương trình đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tất nhiên, giới trẻ Ấn đang có xu hướng vươn ra thế giới, song đa số khán giả của truyền hình vẫn trung thành với các chương trình nội địa, giữ vững bản sắc.

Không chỉ để giải trí, truyền hình Ấn Độ còn đóng vai trò xã hội quan trọng khi có hơn phân nửa số gia đình ở nước này sở hữu từ một chiếc tivi trở lên. Truyền hình càng lan tỏa, người dân càng có điều kiện tiếp cận tin tức, tư duy càng thay đổi. Thông qua các chương trình giáo dục, truyền hình giúp phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa học chữ.

Vào tháng 3/2000, loạt phim Kyunki Saas Bhi kabhi Bahu Thi có nội dung thể hiện các giá trị của Ấn Độ, vừa tôn trọng, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp, vừa gạt bỏ hủ tục, hướng đến cuộc sống tự do công bằng..., được phát sóng đã truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ trên con đường mưu cầu hạnh phúc.

Thế nhưng, bộ phim cũng bị những người cực đoan (quan niệm phụ nữ chỉ là những người phục dịch) phản ứng dữ dội. Trước đó vào năm 2009, phim Balika Vadhu cũng từng bị yêu cầu cấm chiếu vì cho rằng đã vi phạm Hiến pháp khi đưa lên màn ảnh câu chuyện về tình trạng tảo hôn. Và trên thực tế, vẫn có nhiều đàn ông Ấn bảo thủ có khuynh hướng nghiêm cấm vợ và con gái xem tivi...

Dù có thế nào thì hiện nay truyền hình vẫn giữ một vị trí không thể thiếu trong đời sống của đa số người dân Ấn Độ.

>>3 phim truyền hình kinh phí thấp vẫn "làm nên chuyện"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản sắc truyền hình Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO