Bản quyền thu âm gốc: Phía sau phần nổi của tảng băng chìm

Minh Nguyễn| 10/07/2019 00:00

Ngành thu âm truyền thống giờ đây không chỉ đối mặt với sự lấn át của nhạc trực tuyến mà còn vấp phải sự tẩy chay từ các nghệ sĩ bị những hãng đĩa “trấn lột” bản quyền thu âm gốc. Sự phản kháng (dù là bất lực) của Taylor Swift với Scooter Braun khi Braun mua lại hãng đĩa Big Machine chỉ là phần nổi của tảng băng chìm suốt nhiều thập kỷ qua tại Mỹ.

Bản quyền thu âm gốc: Phía sau phần nổi của tảng băng chìm

Cuộc chiến không của riêng ai

Trước Taylor Swift, Prince là nghệ sĩ mở màn và thể hiện sự quyết liệt trong cuộc chiến với hãng đĩa Warner Bros - nơi từng phát hành 18 album của ông, trong đó có hai siêu hit công phá toàn cầu là Purple Rain1999 - nhằm đòi quyền sở hữu các bản thu gốc. Prince không tán thành việc hãng đĩa liên tục phát hành các album tổng hợp các ca khúc của ông hòng thâu lợi nhuận. Từ năm 1994-1996, Prince đã phải sản xuất 5 album để đáp ứng điều khoản chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, ông thể hiện sự phản đối bằng cách liên tục đổi nghệ danh để gây khó khăn cho hãng đĩa trong khâu xuất bản và truyền thông. Prince còn thường xuất hiện trên sân khấu với từ “Nô lệ” viết bằng bút dạ trên mặt để thể hiện sự phản đối công ty chủ quản.

Trong khi đó, Paul McCartney - thành viên của ban nhạc The Beatles mất hơn nửa thế kỷ mới có thể lấy lại được bản quyền thu âm gốc các ca khúc của ông. Cụ thể, năm 1985, Michael Jackson đã chi 47,5 triệu USD mua lại kho nhạc ATV Music - đơn vị nắm giữ các bản nhạc của The Beatles. Paul McCartney đề nghị mua lại các ca khúc ông đã sáng tác cho ban nhạc nhưng bị từ chối thẳng thừng. Các ca khúc của The Beatles được sáng tác trước khi Luật Bản quyền Mỹ được ban hành năm 1978. Theo luật này, tác giả phải chờ 56 năm từ ngày phát hành để đòi lại bản quyền. Mãi đến 2018, Paul McCartney mới dần nhận lại các sáng tác cùng Beatles. Vụ trao trả quyền sở hữu bản thu gốc giữa ATV và The Beatles dự kiến kết thúc vào năm 2025. Tuy nhiên, luật này chỉ được áp dụng tại Mỹ. ATV Music vẫn sở hữu các ấn phẩm thu của ban nhạc tại những nơi khác trên thế giới!

Đây gần như là quy luật tất yếu của ngành thu âm tại Mỹ. Để có được sự hỗ trợ trong các khâu sản xuất, quảng bá, phát hành sản phẩm âm nhạc từ các hãng đĩa, điều duy nhất các giọng ca trẻ có thể đổi chính là bản quyền ghi âm gốc, bởi khi đó họ chưa là ai. “Tuy nhiên, nhiều người không có kinh nghiệm về pháp lý và ký những hợp đồng có nhiều điều khoản khiến họ phải hối hận khi nổi tiếng”, bà Silvia Montello - Giám đốc Công ty Âm nhạc AWAL nói với tờ Times.

Thực tế cho thấy, theo thống kê của Billboard, các ca sĩ nổi tiếng như Rihanna, ban nhạc U2, Courtney Love, Janet Jackson... đều phải trải qua cuộc chiến “trần ai” với các hãng đĩa, cũng như phải trả một khoản tiền lên đến hàng chục triệu USD để có thể sở hữu bản quyền những album của chính họ đã sản xuất trước đó. Điều duy nhất là, họ may mắn hơn Taylor Swift mà thôi!

Streaming: Cuộc ‘cách mạng’ cho những tài năng trẻ

Sự bùng nổ của YouTube và các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như: Spotify,  Itunes, Soundcloud, Apple Music (ra mắt năm 2015), Tidal (do ca sĩ Jay-Z sáng lập vào năm 2015, phát hành độc quyền những ca khúc của mình và nhiều ngôi sao nổi tiếng khác như Beyoncé, Nicki Minaj, Rihanna, Madonna…) đưa nhạc trực tuyến từ trò chơi của bọn trẻ ít tiền, ít được chú ý trở thành nguồn thu nhập lớn cả về tiền bạc lẫn thành tích cho các nghệ sĩ. Quan trọng hơn, nó trở thành nền tảng phá vỡ lối mòn, đưa ngành thu âm thoát khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng đĩa.

Với các nghệ sĩ trẻ, xu hướng tự sản xuất nhạc và phát hành trên nhiều nền tảng nhạc số thực sự là một cuộc cách mạng. Thay vì chật vật tìm kiếm một hợp đồng ghi âm, đánh đổi bằng bản thu âm gốc, giờ đây họ có thể thoải mái sáng tạo và tìm kiếm trực tiếp khán giả trên các công cụ nền tảng số. Khi lượng khán giả của họ đủ lớn, các hãng đĩa, hợp đồng ghi âm sẽ tự tìm đến gõ cửa.

Nhiều gương mặt tài năng xuất hiện và khuấy đảo làng nhạc thế giới nhờ nền tảng số, giờ đây đã trở thành các ngôi sao trẻ trong làng nhạc Âu - Mỹ và kiếm hàng chục triệu USD mỗi năm như Zara Larsson, Troye Sivan, Shaw Mendes, Hailee Steinfeld… Tất nhiên, chẳng ai dại dột tự trói mình với các hãng đĩa. Chance - rapper người Mỹ, từng nhận đề cử Grammy hạng mục Album Rap hay nhất 2016 và là nghệ sĩ đầu tiên xuất thân từ các nền tảng nhạc số đạt thành tích này - nói với CNN rằng, anh sẽ không bao giờ ký hợp đồng với hãng đĩa để được tự do sáng tạo.

Còn Taylor Swift trong bảng hợp đồng với Universal Music vào năm 2018 đã kiên quyết yêu cầu giữ quyền sở hữu bản thu âm gốc các ca khúc. Swift cũng lên tiếng cảnh báo những nghệ sĩ trẻ có ý định hợp tác với các hãng đĩa thì nên lấy tấm gương của cô làm bài học phản tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản quyền thu âm gốc: Phía sau phần nổi của tảng băng chìm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO