90 năm Dạ cổ hoài lang

PHƯƠNG QUYÊN| 07/08/2009 05:02

Nếu tính từ thời điểm công bố (15/8/1919 ÂL), thì đến rằm Trung thu năm nay, “Dạ cổ hoài lang” (DCHL), tác phẩm được mệnh danh là “bài vọng cổ vua” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu tròn 90 tuổi.

90 năm Dạ cổ hoài lang

Nếu tính từ thời điểm công bố (15/8/1919 ÂL), thì đến rằm Trung thu năm nay, “Dạ cổ hoài lang” (DCHL), tác phẩm được mệnh danh là “bài vọng cổ vua” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu tròn 90 tuổi. Từ vùng đất cực Nam của tổ quốc, sức lan tỏa của bản nhạc này hình như chưa bao giờ ngừng lại.

Cách đây 20 năm, lần đầu tiên một hội thảo về giá trị của bản DCHL được tổ chức tại quê hương nhạc sĩ Sáu Lầu. Hai mươi năm sau, hội thảo “90 năm bản Dạ cổ hoài lang” đã được tổ chức ngày 29/7 tại TP.HCM, một lần nữa khẳng định: DCHL là tác phẩm mở đầu cho sự phát triển của vọng cổ cũng như nghệ thuật cải lương VN.

Xây dựng trên nền nhạc ngũ cung, lại mang âm hưởng của các bài dân ca Nam bộ quen thuộc như Lý con sáo, Lý chiều chiều... nên DCHL được nhiều thế hệ nhạc sĩ phát triển thành những bản nhạc tài tử mang nhịp tư, nhịp tám, nhịp mười sáu, và mới nhất là nhịp ba mươi hai, nhưng việc chuyển hóa tác phẩm này vẫn chưa ngừng lại. Soạn giả Lê Duy Hạnh tiết lộ, sắp tới đây, một thể loại nhạc nữa phát triển trên nền bản DCHL sẽ được công bố. Ông nhận định: “DCHL là một chỉnh thể, nhưng nó lại tạo cơ sở để phát triển các tác phẩm khác”.

Cũng chính vì có cấu trúc động nên việc thay từ trong lời nhạc của DCHL khá dễ dàng. Tính đến nay, có khá nhiều dị bản của DCHL đã được lưu hành. Trong đó, việc thay những từ cổ bằng ngôn ngữ hiện đại là phổ biến nhất. Khán giả nghe NSƯT Bạch Tuyết ca: “Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đường...”, nhưng cũng nghe Ngọc Đợi luyến láy: “Từ là từ phu tướng, báu kiếm sắc phán lên đàng…”. Mười chín câu tiếp theo trong các bản đang lưu hành cũng có nhiều từ khác nhau. Nghiên cứu bản chép của nhạc sĩ Phạm Duy, lại thấy nhiều đoạn luyến, lặp từ khá lạ. Những dị bản ấy đã tạo nên một DCHL nhiều sắc thái.

Lưu truyền trong dân gian ngần ấy năm, lại được phổ biến trải dài khắp cả nước, DCHL có thêm dị bản cũng là điều dễ hiểu. Theo thạc sĩ Huỳnh Văn Khải, dù có không ít dị bản của DCHL đang được lưu hành, trình diễn, mỗi bản lại dùng một số từ, nhóm từ khác nhau, nhưng hình tượng nghệ thuật và giá trị của tác phẩm không thay đổi. Nhưng hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bạc Liêu đang có kế hoạch đề nghị Nhà nước công nhận DCHL là tài sản phi vật thể cấp quốc gia, việc xác định nguyên bản tác phẩm lại là đòi hỏi hàng đầu. Như lời của GS.TS Trần Văn Khê, cần lắm một uỷ ban nghiên cứu, đối chiếu để có thể tìm được bản DCHL đầu tiên, đúng với ngôn ngữ người Việt ngày đó.

Lễ hội Dạ cổ hoài lang

Đánh dấu năm thứ 90 bản vọng cổ ra đời, UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết sẽ tổ chức lễ hội DCHL kéo dài từ 29/9 đến 3/10/2009 tại thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Khuôn khổ lễ hội bao gồm: lễ giỗ tổ cổ nhạc, thả hoa đăng trên sông, sân khấu hoá quá trình ra đời và phát triển của bản DCHL... Dự kiến, đạo diễn Quang Minh sẽ đảm nhận vai trò tổng đạo diễn lễ hội. Dịp này, UBND tỉnh cũng sẽ làm lễ khánh thành khu lưu niệm Cao Văn Lầu, nơi trưng bày hiện vật, hình ảnh về thân thế, sự nghiệp của cố nhạc sĩ cùng những hiện vật thể hiện lịch sử của nghệ thuật cải lương VN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
90 năm Dạ cổ hoài lang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO